Nhờ ưu điểm tập trung vào tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng với mọi nhu cầu một điểm chạm, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, các hệ sinh thái doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng toàn cầu trong thời gian tới.
Mô hình “Hệ sinh thái” – xu hướng trên toàn cầu
Mô hình kinh doanh theo hệ sinh thái – một mạng lưới các tổ chức bao gồm: nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng và các thực thể khác - đã và đang phát triển thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, tạo ra lợi ích lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê của McKinsey, 9 trong số 10 công ty giá trị nhất trên thế giới hiện nay là những công ty có mô hình kinh doanh theo hệ sinh thái.
Những gã khổng lồ như Apple, Google, Amazon (Hoa Kỳ); Kakao, Samsung (Hàn Quốc) hay Alibaba, Tencent (Trung Quốc) không chỉ hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể mà phát triển nhiều ngành khác nhau, tạo ra giá trị bằng cách liên kết các doanh nghiệp trong một mạng lưới phức tạp và rộng lớn, phát triển dựa trên nền tảng công nghệ mạnh, tích hợp và kết nối nhiều dịch vụ theo nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống, đơn nhất sang hệ sinh thái dự kiến sẽ ngày càng tăng tốc. Theo dự báo của McKinsey, đến năm 2030, mô hình này sẽ chiếm lĩnh hầu hết các khía cạnh của kinh tế toàn cầu, đem lại doanh thu hàng năm lên đến 80.000 tỷ USD, chiếm một phần ba doanh thu toàn cầu.
Một trong những điển hình thành công nhất trên thế giới hiện nay là mô hình hệ sinh thái tài chính. Mô hình kinh doanh này dựa trên việc liên kết chuỗi giá trị giữa ngân hàng với các doanh nghiệp để phát triển, cung cấp các dịch vụ tài chính, tiền tệ, tiêu dùng cũng như các dịch vụ khác nhằm gia tăng giá trị thặng dư cho khách hàng. Đồng thời, bằng cách bao phủ toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng thông qua hệ sinh thái, các ngân hàng sẽ đảm bảo được nguồn thu từ phí dịch vụ, thu nhập ổn định trong khi rủi ro ở mức thấp; qua đó góp phần mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận.
Những điển hình thành công của mô hình hệ sinh thái trên thế giới
Trên thế giới, nhiều tập đoàn hàng đầu đã xây dựng thành công các hệ sinh thái kết hợp công nghệ và tiêu dùng, thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, bất động sản, nhà ở… mang lại hiệu quả vượt trội.
Ở Mỹ, hệ sinh thái của Amazon là một trong những mô hình kinh doanh đa dạng và toàn diện nhất trên thế giới. Bắt đầu là một cửa hàng sách trực tuyến, Amazon đã hợp tác với nhiều bên để hình thành một hệ sinh thái cung cấp đầy đủ dịch vụ cho khách hàng của mình theo mô hình dọc và khép kín, từ mua sắm trực tuyến đến giải trí, truyền thông, logistic và giao nhận… giúp Amazon trở thành gã “khổng lồ” toàn cầu.
J.P. Morgan mới đây đã công bố việc hợp tác với Oracle, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp và tổ chức, nhằm tích hợp sản phẩm tài chính vào toàn bộ hệ sinh thái của Oracle. Động thái này nhằm mục đích tối ưu hóa các hoạt động thanh toán, vay vốn, quản lý tài chính cho các khách hàng chung của J.P. Morgan và Oracle.
Ở Úc, Commonwealth Bank (CBA) cũng đã phát triển một hệ sinh thái lớn và đa dạng, cho phép cung cấp các dịch vụ tài chính và dịch vụ nâng cao ngoài ngân hàng thông qua các đối tác. CBA còn tích hợp dịch vụ bất động sản, giúp khách hàng chọn, tìm kiếm, định giá tài sản ngay trên nền tảng trước khi chuyển sang quy trình vay vốn. Điều này không chỉ tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận các dịch vụ tài chính cần thiết.
Ở châu Á, các ví dụ thành công càng nổi bật hơn. Tập đoàn Ping An (Trung Quốc) đã xây dựng một hệ sinh thái tích hợp bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản và thương mại điện tử. Kết quả là giá trị cổ phiếu của Ping An tăng 2,5 lần trong 5 năm sau khi áp dụng mô hình này. Sự gắn kết và hiệu quả vượt trội của hệ sinh thái tài chính đã chứng minh đây là mô hình ưu việt và được Chính phủ hoàn toàn ủng hộ.
Alibaba (Trung Quốc) thậm chí còn xây dựng nền tảng số hóa trước, sau đó kết hợp với thương mại điện tử và tài chính, tạo dựng một hệ sinh thái khép kín từ logistics đến dịch vụ đám mây, thanh toán… Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích cho chính Alibaba, mà còn tạo ra những giá trị tổng thể cho thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc, thay đổi cuộc sống của người dân theo hướng tiện lợi, hiệu quả hơn rất nhiều.
Sự thành công của các hệ sinh thái trên thế giới cho thấy những ưu điểm nổi bật của mô hình này:
- Thứ nhất, khả năng đáp ứng mọi nhu cầu một điểm chạm thông qua tích hợp liền mạch và ứng dụng công nghệ, dữ liệu lớn (Big Data): Khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng đầy đủ các dịch vụ của hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, tăng sự tiện lợi và trải nghiệm khách hàng.
- Thứ hai, tăng cường tiện ích và giá trị: Các dịch vụ được tích hợp và liên kết chặt chẽ, mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dùng, từ đó tăng cường giá trị tổng thể trên mỗi khách hàng.
- Thứ ba, nâng cao hiệu quả kinh doanh: Các doanh nghiệp có thể chia sẻ dữ liệu, cơ sở hạ tầng, nguồn lực và khai thác một cách hiệu quả để cải thiện hiệu suất hoạt động.
- Thứ tư, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững: Việc tiếp cận theo mô hình hệ sinh thái khó có thể bị các đối thủ "bắt chước" một cách dễ dàng, từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh vững chắc, khó sao chép. Với nhiều ưu điểm mang lại cho khách hàng, các hệ sinh thái được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng không thể đảo ngược trong tương lai. Đây chính là con đường vững chắc để đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng, tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp, khách hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Nắm bắt được những lợi ích to lớn của mô hình này, các doanh nghiệp Việt Nam đã định hướng xây dựng các hệ sinh thái từ lâu. Tuy nhiên, để thành công và mang lại nhiều lợi ích như các doanh nghiệp trên thế giới, vẫn cần nỗ lực và nhiều hành động hơn thế.