|
Ảnh minh họa |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ quan điểm trước những lời “thổ lộ” của các doanh nghiệp (DN) sản xuất và lắp ráp ô tô hiện nay, về chuyện họ đang đứng trước sự lựa chọn hoặc tiếp tục sản xuất lắp ráp, hoặc sẽ chuyển sang đi buôn bằng cách nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN về bán để được hưởng thuế 0% vào năm 2018.
Thứ trưởng nghĩ sao khi sau 20 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô, các nhà máy của doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô trong nước như Vinaxuki thì dành làm nơi nuôi thả bò, dê, gà; còn DN nước ngoài như Toyota thì nói rằng sẽ bỏ sản xuất để đi buôn?
Chúng tôi tôn trọng ý kiến của các DN vì mỗi DN có quan điểm tư duy của mình về chiến lược kinh doanh dựa trên hiệu quả thực tế. Vì vậy quy hoạch công nghiệp ô tô của Chính phủ ban hành đã đặt ra rất rõ ràng, cụ thể những mục tiêu phải thực hiện. Việc các DN tham gia như thế nào để khai thác được cơ hội cũng như vượt qua được khó khăn thách thức thì phụ thuộc vào cả 2 yếu tố: chính sách pháp lý và quản lý của Nhà nước để khuyến khích sản xuất. Và các DN, kể cả trong nước và nước ngoài, căn cứ trên chiến lược của mình đều có thể tính toán hiệu quả tại một thị trường mới, đang trong quá trình phát triển sơ khai bước đầu của nền công nghiệp ô tô sẽ ra sao.
Trước thực tế của ngành công nghiệp ô tô có khiến Thứ trưởng cảm thấy buồn hay không?
Tất cả chúng ta ai cũng đều buồn, bạn cũng buồn, tôi cũng buồn. Nhưng nên nhìn theo hướng tích cực và không nên nhìn theo hướng quá uỷ mị về chuyện đó. DN đều có chiến lược riêng của mình nằm trong chính sách và khuôn khổ chung. Việc khai thác những lợi thế là sự chủ động của mỗi DN. Tuy nhiên từ thực tiễn mà chính sách còn những tồn tại, hạn chế thì có vấn đề chưa phù hợp với phát triển, chúng ta sẽ tiếp tục có điều chỉnh cho phù hợp.
Liệu sau năm 2018 người tiêu dùng có thực sự mua được ô tô với giá rẻ hay giảm thuế thì tăng phí?
Chuyện giá ô tô sau năm 2018 có rẻ hơn hay không thì còn phụ thuộc vào chính sách của các bộ, ngành. Tôi không đủ thẩm quyền để tuyên bố về vấn đề này.
Tuy nhiên, chúng ta đã có những nguyên tắc rất rõ trong việc điều hành kinh tế theo nguyên tắc của thị trường và Quốc hội cũng đã có yêu cầu rất rõ, thuế có luật thuế, phí và lệ phí cũng sẽ có luật, nên không có chuyện chúng ta sẽ quản lý bằng biện pháp hành chính.
Các chính sách sẽ được ban hành rất đồng bộ theo các quy định chung của luật pháp. Chúng tôi tin rằng người dân có điều kiện để tiếp cận với chính sách một cách rõ ràng, cụ thể hơn.
|
Các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước như Toyota đang "dọa" sẽ chuyển sang đi buôn nếu thuế nhập khẩu ô tô về 0% vào năm 2018 |
Liên quan tới chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhiều ý kiến cho rằng, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô vừa mới được phê duyệt song đã lạc hậu. Quan điểm của Thứ trưởng ra sao trước ý kiến trên?
Quy hoạch về chiến lược ô tô mà Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ mục tiêu yêu cầu cũng như định hướng của chúng ta về công nghiệp ô tô Việt Nam.
Tất nhiên chúng ta hiểu rằng tình hình bối cảnh quốc tế và trong khuôn khổ hội nhập, toàn cầu hoá như hiện nay đang đặt ra những khó khăn thách thức rất lớn cho hoạt động xây dựng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Nhưng tôi cho rằng định hướng và mục tiêu của Chính phủ rất rõ ràng. Chúng ta đang tiến tới xây dựng một nền tảng cho nền công nghiệp ô tô đảm bảo yêu cầu nội địa hoá, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng, đồng thời cũng phù hợp với các cam kết của hội nhập quốc tế.
Cụ thể chính sách như thế nào, thuế suất xuất nhập khẩu, các cơ chế hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, cũng như các nhà đầu tư sản xuất trong lĩnh vực ô tô… chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Có quy hoạch, nhưng vẫn có nhiều ý kiến của cả người trong và ngoài ngành cho rằng, ngành công nghiệp ô tô sau chừng ấy năm phát triển lại chủ yếu đi gia công là chính?
Khi chúng ta nói về chiến lược và quy hoạch thì đây là những thông tin mang tính định hướng lớn, còn để quy hoạch thực sự trở thành những hoạt động cụ thể cần có các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và các cơ chế chính sách cụ thể để văn bản được thực hiện. Chính vì vậy đây là quá trình Bộ Công thương đang cùng các bộ ngành triển khai thực hiện.
Còn nói về gia công, chúng ta biết rằng khi chúng ta chưa có cơ sở bước đầu quan trọng của ngành công nghiệp đó thì phải qua những bước phát triển cần thiết, kể cả hướng tới gia công để tiếp cận trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý, điều kiện về nhân lực để tiếp tục đầu tư phát triển. Đồng thời, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá để từng bước làm chủ công nghệ, trong đó có công nghiệp ô tô.
Chiến lược quy hoạch đã được thông qua từ tháng 7/2014, nhưng cho tới nay đã gần 10 tháng trôi qua Bộ Công thương vẫn chưa ban hành được các văn bản hướng dẫn thực thi chiến lược này, thưa Thứ trưởng?
Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng các văn bản để hướng dẫn thực hiện chiến lược. Tiến trình này đòi hỏi sự thận trọng, trao đổi lấy ý kiến đầy đủ của các bộ ngành. Đồng thời, đây không chỉ là chính sách quốc gia về công nghiệp ô tô mà còn liên quan đến các khung khổ lớn của đất nước trong quá trình hội nhập. Vì vậy, việc xây dựng khung khổ pháp lý với những cơ chế chính sách rất cụ thể thì đòi hỏi một quy trình làm việc đồng bộ với sự tham gia của các bộ ngành và các thành phần khác.
Theo Infonet