Xong thỏa thuận với TKV, Vinalines muốn “được” bán di sản Dương Chí Dũng

VietTimes -- Vinalines vừa chính thức đề xuất được bán tàu  hàng rời trọng tải 70.000 tấn mang tên Vinalines Trader, với giá khoảng 97 tỷ đồng. Trước đó,  sau nhiều năm tiếp cận, Vinalines đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về vận tải với TKV - doanh nghiệp hiện nắm giữ lượng than chở theo đường biển lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm.
Tàu Vinalines Trader được Vinalines dự tính bán với giá 97 tỷ - theo định giá sắt vụn
Tàu Vinalines Trader được Vinalines dự tính bán với giá 97 tỷ - theo định giá sắt vụn

Tàu Vinalines Trader được đóng tại Nhật Bản năm 1997, có trọng tải toàn phần là 79.320 tấn. Tàu chính thức treo cờ quốc tịch Việt Nam vào năm 2010, sau khi được Vinalines mua lại với giá hơn 541,3 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, giai đoạn này Vinalines đang dưới quyền điều hành của cựu Tổng giám đốc Dương Chí Dũng - hiện là tử tù trong vụ án ụ nổi 83M đã gây thất thoát 9 triệu USD tiền đầu tư. 

Sau khi treo cờ quốc tịch Việt Nam, tàu Vinalines Trader chủ yếu được đem cho thuê. Đến giai đoạn khủng hoảng của ngành vận tải biển thế giới, tàu thường xuyên nằm không vì thiếu hàng.

Tại đề nghị cho bán tàu Vinalines Trader, Vinalines cho biết mỗi ngày nằm không, tàu "đốt" hết từ 13.500 tới 18.000 USD chi phí mỗi ngày. Mặt khác, tình trạng kỹ thuật của con tàu 20 tuổi này hiện đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo cho hoạt động vận doanh.
Sau thời gian thua lỗ quá nặng, Vinalines tiến hành đánh giá, định giá lại tàu Vinalines Trader. Kết quả, theo Vinalines, giá trị còn lại của tàu vào khoảng 105 tỷ đồng,  

Thời điểm hiện tại, với việc đề nghị bán tàu Vinalines Trader, Vinalines kỳ vọng sẽ thu về không dưới 97 tỷ đồng.

Nói cách khác, Vinalines kỳ vọng bán được tàu Vinalines Trader theo giá sắt vụn.

Trước đó, ngày 9/3/2017, Vinalines và TKV đã ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược. Nội dung cốt lõi của thỏa thuận này là: Vinalines sẽ cung cấp dịch vụ vận tải bằng tàu container, tàu hàng rời, sà lan theo nhu cầu của TKV đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. Vinalines và TKV nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics do Vinalines cung cấp như: dịch vụ giao nhận, kho bãi, đại lý vận tải, đại lý tàu biển, đại lý hải quan... đối với các lô hàng nội địa và xuất nhập khẩu của TKV.

Đây được đánh giá là một thành công lớn của Vinalines.

Vì trong rất nhiều năm trước đó, Vinalines vẫn tìm đủ cách để "mong" được các chủ hàng lớn của Việt Nam như gạo, xi măng, phân bón, than.... thuê chở hàng.

Thậm chí, Vinalines đều đặn có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ... tạo điều kiện can thiệp để doanh nghiệp này được tham gia vận tải than cho TKV, nhưng đều không thành.

Oái ăm là tàu của Vinalines sau đó thường hay được các chủ tư nhân thuê, để chở hàng cho các chủ hàng mà Vinalines muốn "bắt tay".
Hiện, TKV đang tiến hành nhập hàng triệu tấn than mỗi năm, để cấp cho các hộ nhiệt điện có lượng tiêu thụ rất lớn trên địa bàn cả nước.
Mà phần lớn số than nhập về từ Nam Phi, Indonexia, Trung Quốc... đều bằng các tàu trọng tải lớn, lên đến trên 50.000 tấn mỗi tàu, trong đó ít có tàu treo cờ Việt Nam. Số than nhập khẩu do các tàu này đưa về được "chẻ" nhỏ khối lượng tại Quảng Ninh, sau đó đưa sang các tàu nhỏ hơn để cấp cho các hộ tiêu thụ.
Tất nhiên, than, quặng... là các loại hàng hóa giá trị thấp, nên về lý thuyết sẽ phù hợp hơn với các tàu già tuổi, trọng tải lớn, cước vận tải thấp.
Tuy nhiên, điều này lại không đúng trong trường hợp tàu Vinalines Trader. Sau khi ký được thỏa thuận với TKV, Vinalines đã đề nghị bán tàu Vinalines Trader. Điều đó cho thấy, dường như con tàu đã trong tình trạng không thể tiếp tục khai thác được, hoặc cũng không phù hợp với thỏa thuận đã ký giữa Vinalines và TKV.