Xin đừng bóp nghẹt các thành phố lớn thêm nữa!

Lan Phạm
Lan Phạm

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Lợi ích từ kinh doanh chính là căn nguyên của mọi nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhiều khu đất công bị biến thành chung cư và hệ lụy nhìn rõ được là tình trạng thiếu hạ tầng kỹ thuật, như đường giao thông, trường học, khu vui chơi... Trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe, bến xe, chỗ để xe, hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng, khiến người dân vấp phải nhiều hệ lụy, đặc biệt là hiện tượng ùn tắc giao thông cứ ngày một phức tạp hơn. Có thể nói các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang bị...bóp nghẹt!

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, vấn đề phát triển nhà chung cư cao tầng tràn lan theo hướng tăng phòng, tăng diện tích, tăng chiều cao, thiếu hạ tầng tiện ích, phá vỡ quy hoạch được nhiều đại biểu quan tâm, mổ xẻ và cho ý kiến. Theo các đại biểu, bài toán khó đỡ này không thể rốt ráo giải được trong ngày một ngày hai!

Những năm gần đây, nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trở thành “điểm nóng” về phát triển chung cư cao tầng. Có tuyến đường dài chỉ 2km ở Hà Nội nhưng “gánh” đến hàng chục chung cư cao tầng với khoảng 6.000 căn hộ. Cá biệt, tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) dài vỏn vẹn 720m nhưng “gánh” hơn 20 tòa chung cư. Trước đó, mặc dù dư luận đã lên tiếng, nhà chức trách cũng đã có bàn và loay hoay tìm giải pháp xử lý, nhưng cuối cùng giải pháp khả thi nhất vẫn “ngủ trong tủ”. Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng trước hiện tượng quần cư thời @.

Ở Hà Nội có những tuyến đường như đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) dài vỏn vẹn 720m nhưng “gánh” hơn 20 tòa chung cư
Ở Hà Nội có những tuyến đường như đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) dài vỏn vẹn 720m nhưng “gánh” hơn 20 tòa chung cư

Đặc điểm xã hội nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam, con người thường quần tụ ở các xóm, các làng từ một đến vài dòng họ. Mục đích là để cố kết, giúp nhau trong sản xuất nông nghiệp, chống thiên tai, giặc ngoại xâm. Tuy là quần cư, nhưng không gian sống luôn mở, giúp con người gắn bó, hòa nhập với thiên nhiên cũng như tiếp thu văn hóa có chọn lọc.

Thời hiện đại hay như nhiều người vẫn gọi là thời @, việc quần cư ở những khu đô thị, thành phố lớn trở thành mối lo ngại lớn của nhà chức trách. Tỷ lệ tăng dân số cơ học ở thời điểm bùng nổ; tốc độ đô thị hóa nhanh, các loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ mở rộng khiến các đô thị và những thành phố lớn đông đặc, ngột ngạt. Xin nói thêm, là vì giá trị sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, khu vực nông thôn quá thấp nên người dân tràn ra thành phố, tràn đến các khu đông dân cư tìm việc làm ngày càng nhiều. Việc này đã làm tăng nhu cầu nhà ở và trở thành bức xúc với xã hội.

Do ưu điểm tập trung nhiều tiện ích, tận dụng triệt để diện tích đất xây dựng và công năng công trình, vốn đầu tư thấp, nhà chung cư đã trở thành giải pháp tối ưu cho nhiều người, nhất là những hộ gia đình trẻ, những đối tượng mức thu nhập vào loại trung bình khá. Thế nên không lạ khi các chủ đầu tư tập trung mọi tiềm lực, quyết giành cho được một vài dự án, nhất là khi Nhà nước, địa phương dành cho lĩnh vực này nhiều ưu đãi.

Trước thực trạng ấy, chính quyền và cơ quan chức năng đã xây dựng quy hoạch tổng thể, chi tiết, đón đầu phát triển. Nhưng sự thật đáng buồn là lợi ích từ kinh doanh nhà chung cư đã khiến việc “chạy” quy hoạch trở lên khốc liệt, thành thứ vi-rút độc hại, thúc đẩy các quyết định thay đổi quy hoạch do lợi ích nhìn thấy quá lý tưởng. Đây chính là căn nguyên của mọi nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhiều khu đất công bị biến thành chung cư và hệ lụy nhìn rõ được là tình trạng thiếu hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, trường học, khu vui chơi... Trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe, bến xe, chỗ để xe, hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng... khiến người dân vấp phải nhiều hệ lụy, đặc biệt là hiện tượng ùn tắc giao thông cứ ngày một phức tạp hơn.

Để xử lý vấn nạn này, việc cần nhất hiện nay là tạm dừng triển khai xây dựng các chung cư, nhất là ở những nơi mà mật độ đã vượt quá ngưỡng cho phép. Cần điều tra, xử lý những trường hợp cán bộ, lãnh đạo đã tiếp tay phá vỡ quy hoạch ở giai đoạn trước. Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cũng như các hiện tượng quá tải ở những khu vực luôn trong tình trạng “báo động đỏ”.  

Thực trạng nghỉ lễ, nghỉ tết dài ngày thì TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thông thoáng nhưng ngày thường thì ùn tắc giao thông xảy ra những năm qua đã không còn là chuyện lạ. Đã đến lúc nhà chức trách ở các thành phố lớn cần phải quyết liệt xử lý bài toán này thay vì im lặng hoặc đưa ra những giải pháp “treo”, “ngủ” trong tủ nhiều hơn là phục vụ người dân như đã từng kỳ vọng.

Các thành phố lớn đã "ngộp thở" lắm rồi. Đã đến lúc không thể "bóp nghẹt" các thành phố lớn hơn nữa, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, trước khi quá muộn!