Xin đừng biến văn hóa doanh nghiệp thành văn hóa nhà trẻ

VietTimes -- “Nhận dạng đầu tiên để đánh giá doanh nghiệp có văn hóa phải là doanh nghiệp có trí tuệ, có sự sáng tạo chứ không phải là một doanh nghiệp chỉ bao gồm 5 C: Con - Cháu - Các - Cụ cả để rồi dẫn tới 5 Đ: Đố - Điều - Đi - Đâu - Được. Xin đừng biến văn hóa doanh nghiệp thành văn hóa nhà trẻ”- ông Lê Như Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần thứ I năm 2018 diễn ra ngày 8/11/2018 tại Hà Nội.
Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần thứ I năm 2018.
Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần thứ I năm 2018.

Những tác hại khi không xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Mở đầu cho lý do khai mạc diễn đàn, Nhà báo Đào Xuân Hưng- Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Trưởng ban tổ chức diễn đàn nhấn mạnh: “Văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Ban tổ chức mong muốn thông qua diễn đàn bồi đắp thêm khái niệm về văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân, bản lĩnh của doanh nhân, vai trò văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”.

Trong lời đề dẫn khai mạc diễn đàn cũng đã chỉ rõ: Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ phát huy vai trò  của văn hóa doanh nghiệp. Ở nước ta có không ít doanh nghiệp đã có những thay đổi nhất định từ nhận thức đến hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng và đã khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp; chưa quan tâm đến nhân tố văn hóa trong kinh doanh, đạo đức trong kinh doanh; chưa phát huy được sức mạnh nội lực tổng hợp của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội kết nối Doanh nhân Toàn cầu (CEO LINK GLOBAL NETWOPK)- Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đang nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây không chỉ thuần túy là một cuộc cách mạng về công nghệ mà hơn thế còn là cuộc cách mạng về nhận thức, về chính sách và về văn hóa doanh nghiệp”.

Ông đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại có những doanh nghiệp phát triển như vũ bão mà có những doanh nghiệp lại rơi vào vòng lao lý? Vấn đề nằm ở chỗ: Các doanh nghiệp và doanh nhân đã không hiểu đâu là giá trị cốt lõi của mình?”.  

Cũng theo ông Tuấn: Văn hóa doanh nghiệp là tài sản quý của doanh nghiệp, quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Thật đáng tiếc nếu doanh nghiệp không biến văn hóa thành nguồn lực, thành thế mạnh, thành công cụ hữu hiệu để triển khai chiến lược.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất, xoay quanh tại diễn đàn chính là câu hỏi lớn: thế nào là văn hóa doanh nhân, thế nào là văn hóa doanh nghiệp, cách xây dựng và tiêu chí để đánh giá?

Đừng biến văn hóa doanh nghiệp thành cái nhà trẻ

Ông Lê Như Tiến" Một doanh nghiệp có văn hóa phải là doanh nghiệp có trí tuệ, có sự sáng tạo chứ không phải là một doanh nghiệp chỉ bao gồm 5 C: Con- Cháu- Các- Cụ cả để rồi dẫn tới 5 Đ: Đố- Điều- Đi- Đâu- Được".
Ông Lê Như Tiến" Một doanh nghiệp có văn hóa phải là doanh nghiệp có trí tuệ, có sự sáng tạo chứ không phải là một doanh nghiệp chỉ bao gồm 5 C: Con- Cháu- Các- Cụ cả để rồi dẫn tới 5 Đ: Đố- Điều- Đi- Đâu- Được". 

Tranh luận tại diễn đàn, một số nhà nghiên cứu bày tỏ sự đau đớn khi Bác Hồ đã nói từ rất lâu: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là ánh sáng soi đường cho quốc dân đi mà mãi những năm sau này, khi văn hóa và đạo đức xã hội xuống cấp tới mức báo động Đảng và Nhà nước ta mới khẳng định như một quyết định được các học giả cho là dũng cảm và táo bạo: Phải đặt văn hóa ngang hàng với Chính trị và Kinh tế.

Tuy nhiên, sự thật nào cũng phải chấp nhận để có những thay đổi cương quyết và hiệu quả.

Nếu chúng ta vẫn duy trì hình thức cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp theo kiểu: Quan hệ- Tiền tệ- Hậu duệ- Đồ đệ rồi mới đến Trí tuệ thì rốt cục đơn vị đó sẽ đi tới đâu? Đó có phải là một kiểu xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam hay nó mang tính giai đoạn?

Vấn đề này được ông Lê Như Tiến Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu, thu hút đông đảo sự quan tâm của những ai có mặt. Ông Lê Như Tiến nêu rõ: Thế nào là văn hóa doanh nghiệp? Nhận dạng đầu tiên để đánh giá doanh nghiệp có văn hóa phải là doanh nghiệp có trí tuệ, có sự sáng tạo chứ không phải là một doanh nghiệp chỉ bao gồm 5 C: Con - Cháu - Các - Cụ cả để rồi dẫn tới 5 Đ: Đố - Điều - Đi - Đâu - Được.

Theo ông Lê Như Tiến, khái niệm về văn hóa doanh nhân doanh nghiệp có thể tóm tắt như sau: Văn hóa doanh nghiệp phải được bắt đầu từ doanh nhân- người đứng đầu doanh nghiệp và phải được xây dựng song hành từ khi bắt đầu ý tưởng xây dựng doanh nghiệp và gây dựng trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp trước hết là dấu ấn cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp, vì thế xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời hội nhập, doanh nhân phải là người tiên phong.

Cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phải bắt nguồn và không thể tách dời văn hóa dân tộc. Văn hóa doanh nghiệp luôn được xem là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị của doanh nghiệp, là nguồn nội sinh quan trọng cho sự phát triển nên vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp đang trở thành một nhu cầu quan trọng và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trở lại với một phần ý kiến của ông Hoàng Anh Tuấn ở trên với câu hỏi: Tại sao có doanh nghiệp lại phát triển như vũ bão mà có doanh nghiệp lại rơi vào vòng lao lý, trong bài phát biểu của ông Lê Như Tiến, ngay từ đầu, khi xác định xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp ông đã trích một phần nội dung xác định tại Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng Khóa XI với Nghị quyết chuyên đề về văn hóa như cách để nhắc nhở, cảnh báo khi xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp các đơn vị cần phải chú trọng vấn đề này trước tiên và xuyên suốt: “Phải thường xuyên quan tâm, xây dựng văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp có phải chỉ là ứng xử

Nêu ý kiến tại diễn đàn, các đại biểu cũng thống nhất ý kiến: Không hiểu đơn thuần văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp chỉ là cách ứng xử thế nào vì đó chỉ là một trong những điểm rất nhỏ trong việc xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp.

Bổ sung vào khái niệm thế nào là văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp và cách xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp GS. TSKH, Nhà giáo ưu tú Vũ Minh Giang cho biết: “Văn hóa doanh nghiệp nói từ thời kỳ 4.0 là tất cả những gì văn hóa tạo ra và hoạt động kinh doanh chính là một thành tố văn hóa, tạo ra những giá trị cho cộng đồng, tạo ra quan hệ, tạo ra của cải vật chất, tạo ra luật chơi… Còn ứng xử chỉ là câu chuyện nhỏ thuộc về văn hóa doanh nhân. Nếu chúng ta không chỉ rõ được thế nào là văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp thì khái niệm đó cứ lởn vởn tạo ra nhiều vấn đề.

Cùng quan điểm với ông Lê Như Tiến, Giáo sư Vũ Minh Giang cũng đồng ý: văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp không thể tách rời với văn hóa truyền thống của dân tộc. Thậm chí, đặc trưng văn hóa dân tộc nếu được các doanh nhân, doanh nghiệp biến thành một triết lý và vận dụng vào hoạt động của doanh nghiệp còn mang tới những hiệu quả lớn lao.

Ví như người Nhật Bản vì sao họ phát triển mạnh như vậy vì họ đưa văn hóa của họ vào hoạt động kinh doanh và biến doanh nghiệp như gia đình thứ hai của mỗi thành viên. Họ chăm sóc các thành viên của mình như chăm sóc các thành viên trong gia đình. Có chế độ cho con cái của nhân viên cho tới khi 18 tuổi và sau đó còn hỗ trợ tạo công ăn việc làm. Không ai lại khước từ, không ai lại không mơ ước một chế độ như vậy và họ một lòng tận tâm với công việc mà không cần biết ông chủ của mình đối với mình thế nào.

Người Hàn Quốc đã biến chữ “Dũng” của dân tộc thành triết lý kinh doanh của họ và họ sẵn sàng tiếp cận, tấn công, chinh phục thị trường họ nhắm tới và họ thành công.

Với hai ví dụ nói trên đã thấy các nước bạn đã biến văn hóa thành lợi thế, thành nguồn lực. Còn người Việt Nam ta thì sao? Với bao cuộc chiến tranh người Việt Nam trở nên bất khuất hơn bao giờ hết và câu nói cửa miệng là gì: Ngẩng đầu lên! Vậy sao chúng ta lại không thể biến đặc trưng văn hóa của dân tộc mình trở thành một thế mạnh, một lợi thế, một nguồn lực để đưa vào triết lý kinh doanh và để có được thành công như các nước bạn?

Rất cần bộ tiêu chí văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp

Nền kinh tế thị trường Việt Nam được bắt đầu từ năm 1986, cho tới nay đã trải qua 36 năm tuổi nên so với nền kinh tế thế giới nền kinh tế nước ta còn quá non trẻ. Việc chưa có khái niệm chuẩn mực về việc xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là điều dễ hiểu và cho tới nay chúng ta cần xây dựng một bộ tiêu chí về vấn đề này là cần thiết và cấp bách.

Nhấn mạnh sau cuộc phát biểu, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt khẳng định việc cần sớm có bộ tiêu chí Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp để các đơn vị cùng tham khảo làm mẫu chung cho việc xây dựng và tạo ra nền tảng, phong cách, bản sắc riêng cho văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp mình.

Là người trải qua nhiều cương vị lãnh đạo ở nhiều công ty lớn, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ: Việc xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp không hề đơn giản và rất khó để xây dựng khái niệm, các tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp trước khi thành lập doanh nghiệp.

Thậm chí, các doanh nghiệp không nhất thiết phải xây dựng ngay văn hóa doanh nghiệp sau khi thành lập mà nên tùy thuộc vào sự ổn định về tầm nhìn, mục đích, mục tiêu kinh doanh, sản phẩm kinh doanh, định hướng thị trường, quy mô doanh nghiệp và ý chí của tập thể lãnh đạo để nghiên cứu xây dựng văn hóa mang bản sắc của doanh nghiệp mình.

Qua kinh nghiệm bản thân, ông cho biết: “Để xây dựng 3 điều, 6 chữ: kỉ cương- sáng tạo- nhân bản ông đã phải phát huy trí tuệ và miệt mài trong vòng 1 năm”. Ông cho biết thêm: Có doanh nghiệp phải mất vài năm tới hàng chục năm mới xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp qua nhiều năm phát triển song vẫn chưa xây dựng được văn hóa cho doanh nghiệp mình”.

Hưởng ứng “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11”, ngày 08/10/2018) tại khách sạn Fortuna (số 6B Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) báo Người Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần thứ I năm 2018.