Xi măng Công Thanh chậm nộp tiền điện: Có thật là vì Covid-19?

VietTimes -- Lấy lý do khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Xi măng Công Thanh xin nợ đọng, nộp chậm tiền điện. Nhưng thực tế có phải vậy?...
Công ty xi măng Công Thanh chính thức bị cắt điện từ ngày 28/3 vì nợ hơn 20 tỷ tiền điện.
Công ty xi măng Công Thanh chính thức bị cắt điện từ ngày 28/3 vì nợ hơn 20 tỷ tiền điện.

Thông tin Xi măng Công Thanh (XMCT) bị Điện lực Thanh Hóa (thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVN NPC) cắt điện, gây đình trệ sản xuất, thiệt hại cả chục tỷ đồng mỗi ngày, đến nỗi phải “cầu cứu” lên Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành đang khiến thị trường xôn xao.

Đáng bàn hơn, khi theo trình bày của XMCT, do đại dịch Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp khó khăn, nên mới xin EVN NPC và các đơn vị có liên quan được giãn thời gian nộp tiền điện. Nhưng EVN NPC không chấp nhận, vẫn tiến hành cắt điện vào hôm 28/3.

Truyền thông dẫn chia sẻ của Chủ tịch XMCT Nguyễn Công Lý: “Đến nay, chúng tôi chỉ nợ tiền điện cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2020 (giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng), nhưng Công ty điện lực Thanh Hóa vẫn khá cứng nhắc khi cúp điện khiến hoạt động sản xuất của đơn vị bị ngưng trệ”; “Hiện, Công ty chúng tôi không thể xuất hàng cho khách hàng, ảnh hưởng đến việc thu tiền để có thể thanh toán sớm tiền nợ cho Công ty Điện lực huyện Tĩnh Gia, Công ty Điện lực Thanh Hóa”.

Nhưng sự việc có đúng như lãnh đạo công ty này trình bày?

42 lần gửi thông báo

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hóa, từ năm 2016 tới nay, XMCT thường xuyên thanh toán không đúng thời hạn tiền điện (35 trong tổng số 36 kỳ).

Cụ thể, dư nợ năm 2016 là hơn 37 tỷ đồng; năm 2017 dư nợ hơn 19 tỷ đồng; 2018 dư nợ hơn 23 tỷ đồng; 2019 dư nợ hơn 32 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong quý IV của năm 2019, Công ty điện lực Thanh Hóa đã có 42 lần gửi thông báo tạm ngừng cấp điện đối với XMCT.

“Mỗi lần nhận được thông báo, XMCT lại cam kết thanh toán nhưng sau đó lại không chịu thực hiện cam kết. Tính tới thời điểm hiện tại trong năm 2020, Công ty xi măng Công Thanh còn nợ Công ty điện lực Thanh Hóa (PC Thanh Hóa) là 20,490 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi chậm trả ...)”, phía điện lực cho biết.

“Các năm trước, XMCT liên tục viện cớ thiếu vốn lưu động, khó khăn về tài chính để nợ đọng, nộp chậm tiền điện. Nay, XMCT lấy lý do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, để nộp chậm hơn 20 tỷ tiền điện của cả các tháng mà đại dịch chưa bùng phát.”

Theo Điện lực Thanh Hóa: Thực tế ngay cả khi có dịch, từ ngày 01 -26/3/2020, XMCT vẫn hoạt động sản xuất bình thường, sản lượng điện bình quân đạt 311.069 Kwh/ngày, tương đương với 40 xã của tỉnh Thanh Hóa sử dụng điện trong một tháng.

Ông Lê Như Nam - Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, XMCT viện dẫn đã ngừng sản xuất 25 ngày là không chính xác và chỉ là ngụy biện, bởi vì xi măng sản xuất ra vẫn bán tốt và vẫn trả lương đầy đủ cho hơn 1000 công nhân. Việc vi phạm Luật Điện lực và không thanh toán tiền điện của XMCT đã diễn ra nhiều lần. 

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng XMCT chậm trả tiền điện không có lý do chính đáng, lạm dụng tiền điện của ngành điện, vi phạm có truyền thống từ 2008 tới bây giờ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Thanh Liêm đánh giá nợ đọng tiền điện cho thấy chỉ số tin cậy rất thấp, làm suy giảm niềm tin, chỉ số an toàn không cao; Chủ doanh nghiệp cần gặp đối tác để cùng trao đổi, chia sẻ, xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải quyết các khoản nợ, cần phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Điện lực.

Tại Thanh Hóa các doanh nghiệp sản xuất xi măng như Công ty Long Sơn, Nghi Sơn, Bỉm Sơn cũng chung hoàn cảnh của dịch Covid-19 nhưng họ đều không nợ đọng tiền điện như XMCT. Công ty XMCT phải có trách nhiệm thanh toán tiền điện đối với nợ cũ và có những cam kết tạo dựng niềm tin đối với EVNNPC

 “Công ty XMCT đã vi phạm nhiều lần kể từ khi ký hợp đồng mua bán điện năm 2008 tới nay. Phía Công ty xi măng Công Thanh không hợp tác, rất nhiều lần không thanh toán đầy đủ tiền điện kể cả những khi việc sản xuất kinh doanh của Công ty thuận lợi”, bà Lê Thị Mai Loan, Phó Ban Kinh doanh EVN NPC chia sẻ.

Được biết, chiều ngày 28/3/2020, PC Thanh Hóa đã thực hiện lệnh của A1 là tạm ngừng việc cung cấp điện đối với Công ty XMCT. Đồng thời, đại diện EVN NPC cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND huyện Tĩnh Gia ban hành các Quyết định xử phạt hành chính về việc vi phạm Luật Điện lực đối với Công ty xi măng Công Thanh theo Nghị định 134/2013 của Chính phủ./.