Xem xét sửa một loạt luật khắc phục lỗ hổng Condotel

VietTimes -- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng để khắc phục những lỗ hổng trong việc kinh doanh loại hình bất động sản Condotel, tới đây các cơ quan chức năng sẽ xem xét sửa một loạt các luật như: Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/4, liên quan đến lỗ hổng kinh doanh loại hình bất động sản Condotel, hiện nay Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng giải thích, đây là loại hình căn hộ du lịch lưu trú, nên phải hiểu đây là một loạt căn hộ, villa như khách sạn, khu nghỉ dưỡng để lưu trú.

“Tuy nhiên, điểm khác biệt là trước đây khách sạn, villa thuộc 1 chủ sở hữu nhưng giờ chuyển hóa thành nhiều chủ sở hữu thứ cấp, dẫn đến việc có cấp quyền cho các chủ sở hữu thứ cấp không? Lưu trú ngắn hạn thì không sao còn lưu trú lâu dài thì sao, hạ tầng có đáp ứng được hay không? Đây là vấn đề cần xem xét”, ông Hùng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc này không chỉ giải quyết trong Luật Kinh doanh bất động sản mà còn trong nhiều luật khác. Sắp tới tất cả sẽ được xem xét sửa, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Cụ thể, thứ nhất, xác định quyền sở hữu thứ cấp cho các chủ hộ. Thứ hai, yêu cầu đây là một sản phẩm mang tính lưu trú ngắn hạn thì phải điều chỉnh như thế nào, sẽ được làm rõ trong Luật.

Trước đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trình Chính phủ về dự án bổ sung, sửa đổi một số điều Luật Đất đai 2013, trong đó đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài cho người mua căn hộ officetel, condotel.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường việc phát triển các căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel) đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và nhu cầu văn phòng để ở của các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do đây là loại hình bất động sản mới, Luật Đất đai chưa quy định cụ thể mà mới chỉ xác định đất sử dụng cho du lịch là loại hình của đất phi nông nghiệp, chưa có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất cho loại hình này.

Do đó, cơ quan này đưa ra hai giải pháp. Giải pháp thứ nhất là các công trình này nếu có chức năng để ở thì xác định là đất ở, thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.

Giải pháp thứ hai là vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai xác định là loại đất thương mại dịch vụ. Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong năm 2016, có gần 35 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán mới với 12.000 căn hộ nghỉ dưỡng và gần 2.000 biệt thự, chủ yếu tại Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Hơn 80% trong số này là căn hộ - khách sạn, lượng giao dịch thành công 15-30%, tùy sản phẩm ở từng thị trường khác nhau.

Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Savills ước tính, đến năm 2019, các thành phố ven biển Việt Nam sẽ đón nhận tổng cộng khoảng 30.000 bất động sản là “ngôi nhà thứ hai” (gồm villa, căn hộ nghỉ dưỡng, condotel), trong đó 65% là condotel. Sự xuất hiện của mô hình căn hộ - khách sạn đã tạo nên một xu hướng đầu tư mới ngày càng trở nên mạnh mẽ trên thị trường.