Xe tự lái: Còn nhiều quy định phải xây dựng trước khi có thể lăn bánh

Xe tự lái là xu hướng phát triển tất yếu của các phương tiện giao thông. Cùng với những lợi ích đem lại như giảm thiểu tai nạn, tránh kẹt xe, vẫn còn nhiều rào cản và cần nhiều quy định pháp lý cần phải ra đời trước khi chúng chính thức được lăn bánh trên đường phố.
Tesla Model S, một mẫu xe được trang bị tính năng Autopilot (tự lái) của Tesla
Tesla Model S, một mẫu xe được trang bị tính năng Autopilot (tự lái) của Tesla

Hiện đại đi kèm với nguy cơ

Cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết các hãng sản xuất xe hơi đều ít nhiều công bố kế hoạch nghiên cứu và cho ra đời những chiếc xe tự lái. Không chỉ vậy, cả những hãng công nghệ lớn cũng không che dấu ý định đi theo xu hướng này. Hoặc là tự nghiên cứu những chiếc xe tự lái của riêng mình, hoặc là tập trung nghiên cứu các phần mềm. Điều đó cho thấy rõ ràng xe tự lái sẽ trở thành tương lai tất yếu của các phương tiện tham gia giao thông trong một tương lai không xa.

Số liệu thống kê của tất cả các quốc gia đều cho thấy nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn phần lớn là do con người. Với việc giảm thiểu sự can thiệp của con người trong quá trình vận hành của xe, xe tự lái được cho là sẽ giúp giảm số vụ tai nạn giao thông và được nhiều quốc gia khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển. Những chiếc xe tự lái đang bắt đầu được thử nghiệm chạy trên đường và ngày càng được hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều người e ngại về sự phát triển của xe tự lái ví dụ như khi xảy ra tai nạn ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chủ xe hay là hãng sản xuất xe? Từ đó dẫn tới việc ai sẽ chi trả cho những khoản bồi thường khi có tai nạn, bảo hiểm sẽ trả như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý…

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất có lẽ vẫn là tính bảo mật và an toàn trước những tấn công mạng của các phương tiện tự lái này. Hoạt động trên nguyên tắc thu thập thông tin và ra quyết định dựa trên các hệ thống phần mềm. Mà đã sử dụng phần mềm điều khiển thì khả năng bị tấn công là hoàn toàn có thể. Đơn giản nhất, hacker có thể tấn công để mở khóa xe, ăn trộm xe hoặc ăn trộm những thông tin cá nhân, thông tin về vị trí và lộ trình di chuyển của người sử dụng…

Xa hơn nữa, với những chiếc xe tự lái hoạt động theo kiểu như kế hoạch của Uber - tức là sẽ chạy theo lộ trình của người đặt xe thì dạng tấn công có thể phức tạp và nguy hiểm hơn. Hacker có thể chiếm quyền kiểm soát xe và khiến chiếc xe thực hiện các hành động theo ý muốn của chúng. Ví dụ như thay đổi lộ trình, khóa cửa không cho người dùng xuống…

Từng bước xây dựng khung pháp lý

Hành lang pháp lý đang từng bước được các quốc gia xây dựng để bắt kịp với xu hướng phát triển của công nghệ. Là một trong những quốc gia đi đầu trong xu hướng này, với số lượng lớn các hãng sản xuất xe cũng như ông lớn công nghệ tham gia thị trường, Mỹ đang đi đầu trong việc xây dựng các quy định đối với xe tự lái chuẩn bị cho sự phát triển của một tương lai các phương tiện tự lái sẽ thay thế cho phương tiện người lái hiện nay.

Ảnh minh họa.
Tháng 9/2016, Mỹ đã ban hành một dự thảo quy định đối với xe tự lái, chuẩn bị cho tương lai phát triển của các phương tiện tự lái.

Trong quy định của Mỹ đã đánh giá an toàn của công nghệ điều khiển phương tiện trên một loạt các khía cạnh bao gồm khả năng cảm nhận và phản ứng, mức độ kiểm soát trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật, khả năng chia sẻ thông tin và lưu trữ dữ liệu, độ riêng tư của người sử dụng và mức độ bảo mật. Đặc biệt còn đề cập tới khía cạnh đạo đức, ví dụ xe bị đưa vào tình huống phức tạp phải lựa chọn giữa việc đâm vào một xe khách đầy người hay một người đi xe đạp.

Mới đây nhất, chính phủ Anh cũng đã chính thức đưa ra các quy định đối với các nhà sản xuát phương tiện tự lái. Theo đó, các nhà sản xuất sẽ phải tăng cường các biện pháp bảo vệ để đảm bảo người dùng được bảo vệ tốt hơn trước sự tấn công của tin tặc.

Bộ quy định mới này nhằm đảm bảo các kỹ sư thiết kế phải nhận thức được các mối đe dọa bảo mật khi họ phát triển các dòng xe thông minh và yêu cầu hệ thống của xe có thể nhận biết được các lệnh không hợp lệ, cho phép người dùng xóa được những dữ liệu cá nhân được lưu giữ trên hệ thống của xe…Các nhà sản xuất cũng phải lập kế hoạch để làm thế nào duy trì và hỗ trợ an ninh trọn đời cho chiếc xe.

Đây mới chỉ là những quy định bước đầu, giải quyết một số vấn đề liên quan tới công nghệ. Cơ quan lập pháp các nước sẽ còn tiếp tục phải nghiên cứu để giải quyết các vấn đề liên quan tới việc đảm bảo hài hòa sự phát triển của xã hội. Ví dụ như giải quyết vấn đề việc làm cho những người làm nghề tài xế khi mà các hãng taxi không còn cần tới họ nữa, hay vấn đề về luật bảo hiểm đối với những chiếc xe tự lái này...

Theo Xã hội Thông tin
http://xahoithongtin.com.vn/o-to-xe-may/201708/xe-tu-lai-con-nhieu-quy-dinh-phai-xay-dung-truoc-khi-co-the-lan-banh-576630/