Xe Nga vẫn èo uột ở thị trường dù hưởng thuế 0%

Kể từ ngày 5/10/2016, thuế suất một số dòng xe Nga nhập khẩu về Việt Nam được hưởng mức ưu đãi 0% nhưng kết quả cho thấy, số lượng xe được nhập về vẫn khá “khiêm tốn”.
Xe UAZ Hunter
Xe UAZ Hunter

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10 vừa qua, Việt Nam nhập khoảng 165 ôtô từ Nga với giá trị 6,87 triệu USD. Dù số lượng xe về nước tăng 100 chiếc xe với tháng 9 nhưng khi đặt trong mối tương quan với các thị trường không được miễn thuế như Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thì con số này không đáng kể.

Cộng dồn từ đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ nga 1.410 xe ôtô, trị giá khoảng 76 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu phụ tùng, linh kiện… cũng chỉ đạt 30 triệu USD. Ở thời điểm hiện tại, Nga đứng thứ 9 trong tổng số 12 quốc gia có xe ôtô nguyên chiếc xuất khẩu vào Việt Nam.

Kể từ ngày 5/10, cam kết Nghị định thư giữa Việt Nam và Nga cho phép các doanh nghiệp liên doanh được nhập khẩu một số ôtô nguyên chiếc với mức thuế 0% nhằm thăm dò thị trường. Ngoài ra, linh kiện, phụ tùng lắp ráp cũng được hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể trong vòng 5 năm.

Nghị định thư mới có hiệu lực hơn một tháng nhưng theo đánh giá ban đầu, các dòng xe xuất xứ từ Nga vẫn chưa tạo được sức hút do những nhược điểm cùng thói quen tiêu dùng lâu đời của khách hàng. Một nguyên nhân được đưa ra là những dòng xe được miễn thuế lại thuộc diện kén khách. Chúng chủ yếu là xe tải, xe địa hình hoặc xe chuyên dụng nên khó hấp dẫn phần lớn người Việt dù được miễn thuế nhập khẩu.

“Ghi điểm” ở độ bền và độ cứng cáp, song  do xe Nga lại có những “điểm trừ” như ngốn nhiên liệu, kém thời trang, chậm chạp trong việc ứng dụng các công nghệ đổi mới. Giới chuyên gia nhận định xe Nga chiếm thiện cảm của người dùng nhờ bền bỉ, nhưng về khía cạnh công nghệ, các loại xe chỉ được trang bị ở mức độ tối thiểu, chưa có nhiều tính năng hấp hẫn. Ngay cả khi được cải tiến ở các trang bị an toàn nhưng nếu đem ra so sánh với những đối thủ đang phổ biến tại Việt Nam, chúng vẫn còn quá “nghèo nàn”.

Số lượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi cũng giới hạn, bao gồm Công ty Thương mại Quốc tế (KAMAZ), Công ty Cổ phần Đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod (UAZ), Nhà máy sản xuất ôtô (GAZ, Llc). Bên cạnh đó là các doanh nghiệp được phía Nga uỷ quyền để liên doanh với Việt Nam sản xuất các phương tiện vận tải. Tuy nhiên, lượng xe được miễn thuế còn phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất của liên doanh.

Trước đó, nhiều người kỳ vọng xe Nga sẽ có mức giá “dễ chịu” hơn hẳn nhưng trên thực tế, những dòng xe này vẫn phải gánh một loạt thuế, phí khác nhau như thuế VAT, thuế TTĐB… Do vậy, chỉ khi nào thực sự tạo được sự khác biệt về giá cả để bù đắp cho những nhược điểm về công nghệ, xe Nga mới có cơ hội thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng Việt.

Theo Tạp chí Ôtô XeMáy Việt Nam