|
Hết trợ giá, xe buýt Đà Nẵng sẽ ra sao? |
Mục tiêu tối nghĩa!
Nhằm góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, cải thiện an toàn giao thông đô thị, vùng phụ cận và góp phần bảo vệ môi trường sống đô thị, tháng 11/2013, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 8087/QĐ-UBND, phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là quy hoạch được lập trên cơ sở tư vấn của Công ty CP phát triển đô thị bền vững - một doanh nghiệp mượn danh của trường Đại học GTVT. Những số liệu mục tiêu trong quy hoạch này có thể khiến công chúng có kiến thức giao thông ở mức độ trung bình phải... sốc, không những về độ "khủng", mà còn cả về sự tối nghĩa của nó.
Cụ thể, tại quy hoạch này, các nhà tư vấn và quản lý của Đà Nẵng đặt mục tiêu vận tải hành khách bằng xe buýt đạt mức hàng trăm nghìn, hàng triệu "chuyến đi" mỗi ngày. Tuy nhiên, cách sử dụng từ "chuyến đi" này dễ gây hiểu lầm sang chuyến đi của mỗi xe buýt. Còn theo một cán bộ của Sở GTVT Đà Nẵng, thì số liệu "chuyến đi" này, là tính theo...chặng đi.
Để rộng đường bạn đọc bình phẩm và mong muốn "được" các nhà tư vấn và quản lý của Đà Nẵng giải thích cụ thể, VietTimes xin đăng cụ thể mục tiêu này trong hình dưới đây.
|
Dễ hiểu hơn, tính về tỷ lệ, Quy hoạch này đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải của xe buýt đạt 9% tổng nhu cầu đi lại của người dân Đà Nẵng, xe buýt nhanh đạt 3%, giúp kiềm chế tai nạn và cải thiện an toàn giao thông đô thị, vùng phụ cận….
Về lộ trình, Đà Nẵng muốn tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2015 sẽ đảm nhận 138.465 chuyến đi/ngày, đến năm 2020 đảm nhận 458.735 chuyến đi/ngày và đến 2025 sẽ đảm nhận 837.098 chuyến đi/ngày.
Mãi 3 năm sau, chủ trương xe buýt hóa giao thông đô thị được bắt đầu, bằng việc đấu thầu và đưa vào hoạt động 05 tuyến xe buýt có trợ giá, thời gian triển khai là 05 năm, bắt đầu từ ngày 10/12/2016.
Cho dù báo cáo đánh giá tỷ lệ tăng trưởng lượng hành khách sử dụng xe buýt bình quân hàng tháng của Sở GTVT hiện đạt 15,5 hành khách/chuyến, nhưng với mục tiêu ban đầu đặt ra cho hệ thống xe buýt công cộng sẽ đáp ứng cho 9% tổng nhu cầu đi lại của TP Đà Nẵng (giai đoạn 2015-2020) thì con số này còn quá khiêm tốn.
Nếu tính thời gian hoạt động 19 tháng triển khai (từ tháng 12/2016 đến tháng 6/2018), sản lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt trợ giá chỉ đạt 3.629.926 hành khách, thì với 600 chuyến mỗi ngày, bình quân số hành khách sử dụng xe buýt đạt 10,61 hành khách/chuyến.
Tiếp tục so sánh với con số đầu tư cho hạ tầng và trợ giá hàng năm thì Đà Nẵng cần tính toán cách làm mới nhằm duy trì hệ thống vận tải này cũng như đánh giá cụ thể tính hiệu quả của giải pháp cải thiện giao thông đô thị.
Hết trợ giá sẽ ra sao?
Theo mục tiêu Đề án phát triển phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn Đà Nẵng, từ 2015-2020, Đà Nẵng sẽ đầu tư 20 tuyến xe buýt (trong đó 2 tuyến xe buýt nhanh, 3 tuyến xe buýt tiêu chuẩn và 15 tuyến xe buýt thông thường) với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.329 tỷ đồng (trong đó cơ sở hạ tầng là 574 tỷ đồng, phương tiện là 755 tỷ đồng). Trong khi ở giai đoạn 2013-2015 đầu tư là 224 tỷ đồng (trong đó cơ sở hạ tầng khoảng 18 tỷ đồng, phương tiện xe buýt 206 tỷ đồng).
|
Mặc dù được trợ giá, nhưng ượng hành khách đi xe buýt ở Đà Nẵng vẫn rất thưa thớt
|
Để nâng tổng số tuyến xe buýt trên địa bàn lên 26 tuyến trong giai đoạn từ 2020-2025, Đà Nẵng sẽ tiếp tục chi khoảng 873 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện. Đến giai đoạn 2025 - 2030 với 28 tuyến xe buýt, Đà Nẵng sẽ tiếp tục chi dự kiến khoảng 544 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng và phương tiện. Đồng thời nghiên cứu 3 hành lang giao thông quan trọng có xem xét đến vận tải hành khách bằng Metro.
Tất cả nguồn vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, điểm dừng đỗ, trạm sửa chữa bảo dưỡng được sử dụng từ nguồn ngân sách. Còn phương tiện được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Hiện thực chủ trương này, Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 đã trúng thầu và trở thành đơn vị vận hành khai thác mạng lưới xe buýt nội thị với 5 tuyến, cùng tổng chiều dài mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP Đà Nẵng là 92,35 km.
Sau khi trúng thầu, Quảng An 1 đã đầu tư 61 xe buýt loại B40 (trong đó có 55 xe hoạt động và 06 xe dự phòng), cùng tổng số chuyến là 600 chuyến đi/ngày, thời gian hoạt động từ 05h30-21h00 hàng ngày, tần suất hoạt động vào giờ cao điểm 10 phút/chuyến, giờ bình thường 20 phút/chuyến.
Nhưng nếu so sánh với mục tiêu phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2020, hệ thống xe buýt phải đảm nhận 458.735 chuyến đi/ngày, với hàng chục tuyến xe buýt, thì quy hoạch của Đà Nẵng đang có nguy cơ không đạt, khi chỉ còn 2 năm nữa đã đến hạn mục tiêu, nhưng chỉ 5 tuyến đang hoạt động, với trợ giá từ ngân sách.
Vấn đề đặt ra với các nhà quản lý của Đà Nẵng, là ngay cả khi có trợ giá, mục tiêu phát triển xe buýt của thành phố vẫn không đạt. Như vậy, đâu giải pháp duy trì, phát triển cho vận tải xe buýt Đà nẵng, sau khi chi ngân sách hết 64,5 tỷ đồng trợ giá cho 5 tuyến trong 5 năm, thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Trợ giá xe buýt, do thế, vẫn giải pháp giao thông chưa có tính bền vững tại Đà Nẵng, bất chấp thực tế thành phố đã có hẳn một quy hoạch để xây dựng, duy trì loại hình vận tải này trở thành...bền vững.
Theo Sở GTVT, trong năm 2017, Đà Nẵng đã chi trợ giá số tiền 18,3 tỷ đồng và trong 06 tháng đầu năm 2018 đã chi 7,14 tỷ đồng. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, lượng hành khách sử dụng xe buýt chỉ đạt bình quân 15,5 hành khách/chuyến xe. |