WHO dùng chữ cái Hy Lạp đặt tên biến chủng COVID-19, tránh làm mất thể diện các nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các biến chủng COVID-19 sẽ được đặt tên theo ký tự trong bảng chữ cái Hy Lạp nhằm tránh sự phân biệt nhằm vào những nơi mà chúng được phát hiện.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Quezon, Philippines (Ảnh: AP)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Quezon, Philippines (Ảnh: AP)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hệ thống mới này được áp dụng cho các chủng biến thể “gây quan ngại” và các chủng biến thể mức độ 2 đang được theo dõi.

“Chúng sẽ không thay thế những cái tên khoa học đang tồn tại, mà nhằm hỗ trợ trong các cuộc thảo luận công khai” – Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, quan chức WHO, nói.

Theo hệ thống mới, các chủng biến thể quan ngại sẽ được đặt tên như sau: chủng B.1.1.7 của Anh có tên Alpha; chủng B.1.351 lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi sẽ có tên Beta, trong khi chủng P.1 phát hiện ở Brazil có tên Gamma. Chủng B.1.617 ở Ấn Độ được chia thành nhiều nhánh phụ, trong đó chủng quan ngại B.1.617.2 có tên Delta; chủng B.1.617.1 có tên Kappa.

Bên cạnh những cái tên này, cũng có 2 tên khoa học khác được sử dụng cho mỗi biến thể, trong khi các tên gọi gắn với vị trí địa lý được sử dụng để mô tả cùng một biến thể. Ví dụ, ở Anh, biến chủng mà các nước khác thường gọi là “biến chủng Anh” lại thường được gọi là “biến chủng Kent” – khu vực miền Nam nước Anh nơi mà biến chủng lần đầu tiên được phát hiện.

Những cái tên như B.1.1.7.2 sẽ tiếp tục được cộng đồng khoa học sử dụng, vì thông tin đột biến hàm chứa bên trong những cái tên này.

“Mặc dù cũng có lợi ích, nhưng những cái tên khoa học này có thể rất khó để phát âm hoặc ghi nhớ, và dễ bị nhầm lẫn khi báo cáo” – WHO nói trong một tuyên bố - “Bởi vậy mà nhiều người thường xuyên đọc tên các biến chủng theo tên địa phương mà chúng được phát hiện lần đầu, gây nên sự phân biệt. Để tránh điều này và đơn giản hóa việc thông tin cho cộng đồng, WHO khuyến khích chính quyền các nước, giới truyền thông và các tổ chức khác áp dụng tên mới”.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua một bộ luật về tội thù hận nhằm bảo vệ công dân Mỹ gốc Á khỏi các vụ tấn công mang tính phân biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Các nhóm phản đối cực đoan ở Mỹ cho hay, số lượng các vụ tấn công và tội thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng đột biến kể từ khi COVID-19 bắt đầu. Họ cũng đổ lỗi một phần cho cựu Tổng thống Donald Trump, người liên tiếp gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc”.

WHO đã nỗ lực suốt vài tháng qua để đưa ra hệ thống đặt tên mới cho các biến chủng của COVID-19. Bảng chữ cái Hy Lạp bao gồm 24 ký tự, và WHO hiện chưa có kế hoạch phòng khi các ký tự này được sử dụng hết. Epsilon, Zeta, Eta, Theta và Iota đều đã được sử dụng để đặt tên cho các chủng biến thể cần quan tâm.