WHO đã làm gì khi Trung Quốc công bố thông tin không đầy đủ trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán?

VietTimes -- Ông Hinnerk Feldwisch-Drentrup, một nhà báo tự do và đồng sáng lập của tạp chí trực tuyến MedWatch, đã có bài bình luận trên trang Foreign Policy ngày 2/4, nói rằng Bắc Kinh đang nỗ lực để trở thành một siêu cường về sức khỏe cộng đồng và đã nhanh chóng tìm được WHO – một đối tác quốc tế.
Ông Tedros Adhanom, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi tại Nhà khách bang Diaoyutai ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Naohiko Hatta /Reuters).
Ông Tedros Adhanom, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi tại Nhà khách bang Diaoyutai ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Naohiko Hatta /Reuters).

Trong khi đại dịch covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến toàn thế giới, thì giờ đây Trung Quốc đang cố gắng gây tầm ảnh hưởng quốc tế đáng kể trong một lĩnh vực mới – đó là sức khỏe.

Sau những phủ nhận ban đầu và che giấu, Trung Quốc tuyên bố họ đã ngăn chặn thành công dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng không phải tuyên bố trước khi nó lây lan ra toàn thế giới. Bất chấp những sai lầm ban đầu làm ảnh hưởng đến phản ứng của toàn cầu đối với dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng tô vẽ câu chuyện thành công của mình khi thế giới đang phải gồng mình gánh chịu.

Bắc Kinh đã thành công ngay từ đầu khi thâu tóm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức nhận tài trợ từ Bắc Kinh và được cho là phụ thuộc vào Trung Quốc. Các chuyên gia quốc tế của WHO đã không được vào Trung Quốc cho đến khi Tổng giám đốc Tedros Adhanom đến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 1. Trước đó, WHO đã lặp lại một cách không chính thức thông tin từ chính quyền Trung Quốc, phớt lờ những cảnh báo từ các bác sĩ Đài Loan, do họ không phải là thành viên của WHO, rồi cuối cùng cũng phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe y tế toàn cầu” mà đáng lẽ phải công bố từ cuộc họp khẩn cấp trước đó ngày 22/1.

Cuối cùng thì WHO cũng phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe y tế toàn cầu” mà đáng lẽ phải công bố từ cuộc họp khẩn cấp trước đó ngày 22/1- Ảnh internet.
Cuối cùng  thì WHO cũng phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe y tế toàn cầu” mà đáng lẽ phải công bố từ cuộc họp khẩn cấp trước đó ngày 22/1- Ảnh internet.

Tuy nhiên, sau chuyến thăm Bắc Kinh, WHO cho biết trong một tuyên bố rằng, họ “đặc biệt đánh giá cao cam kết từ lãnh đạo cao nhất và sự minh bạch mà Trung Quốc đã thể hiện”. Chỉ đến khi số liệu của Trung Quốc báo cáo một vài ca nhiễm mới mỗi ngày, thì WHO mới tuyên bố virus corona là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3, khi mà dịch bệnh đã thực sự lan rộng khắp thế giới vài tuần trước đó.

Trong báo cáo trở về sau chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 2, các chuyên gia của WHO mô tả rằng Bắc Kinh đã thực hiện một nỗ lực khống chế dịch bệnh đầy “tham vọng, nhanh chóng và quyết liệt nhất trong lịch sử”.

Báo cáo của WHO cho biết, “chính sách không khoan nhượng và sử dụng nghiêm ngặt các biện pháp phi dược phẩm” của Trung Quốc đã cung cấp những bài học quan trọng cho phản ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi giới thiệu chính sách kiểm soát dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc đối với thế giới, WHO đã bỏ qua các tác động tiêu cực từ bên ngoài – từ thiệt hại kinh tế đến việc không điều trị được cho nhiều bệnh nhân không mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán, tác động đến tâm lý và các giá trị nhân quyền.

Trong khi số ca nhiễm đang gia tăng ở khắp nơi trên thế giới cho thấy Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất thất bại trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, tuy nhiên câu chuyện đầy đủ về những thiệt hại của Trung Quốc có lẽ sẽ không bao giờ được biết đến và chắc chắn không được WHO hoặc các cơ quan khác công nhận.

Một lý do là dữ liệu Trung Quốc công bố thường không đáng tin cậy có thể dẫn đến các chính sách y tế không phù hợp ở các quốc gia khác, vì các nghiên cứu dựa trên thông tin từ Trung Quốc là những thông tin đầu tiên được sử dụng để tìm hiểu về COVID-19. Hàng loạt các trường hợp người chết tại nhà ở Vũ Hán, một số người được mô tả trong các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội có lẽ sẽ không bao giờ được thống kê. Và trong khi một báo cáo của Caixin về tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc nói rằng, một tỷ lệ đáng kể các ca nhiễm không có triệu chứng đã không được báo cáo, mà theo South China Morning Post thì nó chiếm khoảng 50% so với các ca nhiễm được biết đến ở Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng thành công lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là giúp WHO chỉ biết đến mặt tích cực trong phản ứng của Trung Quốc và bỏ qua các mặt tiêu cực”, Steve Tsang, giám đốc viện Trung Quốc tại Đại học SOAS London nói. “Việc WHO đề cập các phản ứng của Trung Quốc theo một khía cạnh tích cực, đã giúp chính quyền Trung Quốc thực hiện chiến dịch tuyên truyền của mình, bỏ qua những sai lầm ban đầu và phớt lờ các giá trị con người, xã hội và kinh tế”.

Các chuyên gia quốc tế của WHO đã không được vào Trung Quốc cho đến khi Tổng giám đốc Tedros Adhanom đến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 1- Ảnh internet.
Các chuyên gia quốc tế của WHO đã không được vào Trung Quốc cho đến khi Tổng giám đốc Tedros Adhanom đến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 1- Ảnh internet.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các chuyên gia của WHO đi đến Trung Quốc có hiểu tình hình thực tế hay không. Ví dụ, dựa trên những con số từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, WHO lập luận rằng các ca không bị phát hiện là rất hiếm. Tuy nhiên, một chương trình sàng lọc Covid-19 ở Trung Quốc được biết đến là chỉ bao gồm các bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng sốt. Mặt khác, ở Đức, hầu hết những người có kết quả xét nghiệm dương tính đều không thấy sốt. Ông Richard Neher, nhà virus học tại Đại học Basel, Thụy Sĩ cho biết, rất dễ để có một số lượng đáng kể các ca nhiễm không bị phát hiện, đó là “trường hợp không rõ ràng lớn nhất” trong các tính toán về tỷ lệ tử vong.

Bà Mareike Ohlberg từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin nói rằng các tuyên bố của WHO rõ ràng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Quốc. Bà cho biết bà đã rất ngạc nhiên, ngay từ đầu, nhiều chuyên gia đã lặp đi lặp lại một cách không chính thức thông tin từ Bắc Kinh với “sự tin tưởng vào WHO và chính quyền Trung Quốc”.

Ông Osman Dar, chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Viện Y tế Công cộng Anh và Viện các vấn đề Quốc tế Hoàng gia, cho rằng Trung Quốc không khác gì các quốc gia khác đang tìm cách gây ảnh hưởng.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thành lập từ năm 1948, với sự tham gia của 194 quốc gia thành viên, hoạt động nhờ gây quỹ của các quốc gia thành viên nên bị kiểm soát và chịu ảnh hưởng lớn từ lợi ích quốc gia, và gần đây có dấu hiệu bị thao túng [...].

Bắc Kinh tuyên bố không chỉ giúp phát triển WHO, mà còn giúp phát triển các chính sách y tế của ngày càng nhiều quốc gia. Đây cũng là một lĩnh vực quan trọng trong "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và các hoạt động của nước này ở châu Phi. Có nhiều lý do để có thể nghi ngờ rằng liệu Bắc Kinh có luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của các đối tác hay không, các nhà nghiên cứu của Pháp năm ngoái đã nhận định.

Từ góc độ nhân quyền, “chủ nghĩa độc đoán rất có hại cho sức khỏe của bạn”, bà Sophie Richardson, Giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chúng tôi có thể không bao giờ có một bức tranh rõ ràng về việc virus lây lan ra sao cùng với ai đã chết, và tại sao và ai bị từ chối tiếp cận các phương pháp điều trị”.

Thế giới hiện đang sống với hậu quả của sự thiếu công bố thông tin của chính quyền Trung Quốc, bà Richardson nói. “Chúng ta không chỉ gặp phải vấn đề này bây giờ, chúng ta có thể gặp lại nó trong tương lai”.

(Theo Hinnerk Feldwisch-Drentrup / Foreign Policy
Vanessa Đỗ biên dịch)