Washington bán tên lửa phòng không cho Đài Loan, Bắc Kinh giận dữ trừng phạt công ty vũ khí Mỹ

VietTimes – Giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung đang trong tình trạng căng thẳng chưa từng thấy trong nhiều năm qua, Mỹ lại quyết định bán số lượng lớn tên lửa phòng không hiện đại cho Đài Loan khiến Trung Quốc nổi xung, lập tức trừng phạt để trả đũa.
Mỹ quyết định bán tên lửa hiện đại Patriot-3 cho Đài Loan trị giá 620 triệu USD khiến Trung Quốc rất tức giận (Ảnh: Đông Phương).
Mỹ quyết định bán tên lửa hiện đại Patriot-3 cho Đài Loan trị giá 620 triệu USD khiến Trung Quốc rất tức giận (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 14/7, Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 7/7 đã tuyên bố họ đã phê duyệt cung cấp thiết bị tên lửa và công nghệ tên lửa phòng không Patriot-3 cho Đài Loan với tổng giá trị là 620 triệu USD. Hãng thầu cung cấp hàng là Lockheed Martin. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/7 đã công bố lệnh trừng phạt đối với công ty này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức vào thứ Ba (14/7); một số phóng viên đã đề cập đến vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết để trừng phạt các công ty vũ khí của Mỹ có liên quan.

Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, ông kêu gọi Hoa Kỳ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ, để không gây thêm thiệt hại cho mối quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.

Trong nhiệm kỳ của mình,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã 7 lần bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).
Trong nhiệm kỳ của mình,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã 7 lần bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).

Đáp lại việc bán vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan, Văn phòng Đài Loan Quốc Vụ viện Trung Quốc cùng ngày ra tuyên bố, họ phản đối quan hệ quân sự giữa Đài Loan và Hoa Kỳ dưới bất kỳ hình thức nào và nhấn mạnh rằng âm mưu "tìm kiếm độc lập bằng vũ lực" của chính quyền Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà Thái Anh Văn sẽ không thê thành công, sẽ chỉ phá hoại hòa bình và ổn định của Đài Loan và mang lại tai họa lớn hơn cho dân chúng Đài Loan.

Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Trung Quốc quyết định thực hiện các biện pháp cần thiết để áp dụng trừng phạt đối với Lockheed Martin, nhà thầu chính của thương vụ vũ khí này.

Theo trang tin Đa Chiều, tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo là vũ khí phòng thủ tầm cao quan trọng của Đài Loan, được triển khai xung quanh các thành phố lớn và các cơ sở quân sự quan trọng. Hiện nay, loại hình được sử dụng là loại Patriot-3 tiên tiến nhất. Khoảng cách đánh chặn tối đa có thể đạt tới 70 km, chiều cao đánh chặn hơn 24 km, khoảng cách radar phát hiện mục tiêu là 100 km và có thể theo dõi 100 mục tiêu cùng lúc.

Đây là lần thứ hai Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phê duyệt dự án bán vũ khí cho Đài Loan trong năm 2020. Lần trước được công bố vào ngày 19/5 là phê duyệt bán 18 quả ngư lôi hạng nặng trị giá 180 triệu USD.

Theo số liệu thống kê của trang tin tức Đa Chiều trong, kể từ khi vào Nhà Trắng đến nay, Tổng thống Donald Trump đã 7 lần bán vũ khí cho Đài Loan để “răn đe hành động xâm lược của Trung Quốc". Bao gồm: lần đầu tiên là vào tháng 6/2017, các vũ khí quân sự bao gồm ngư lôi hạng nặng MK-48 với số tiền khoảng 1,42 tỷ USD; lần thứ hai là vào tháng 9/2018, Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 và các phụ tùng máy bay chiến đấu khác cho Đài Loan, trị giá khoảng 330 triệu USD; lần thứ ba vào tháng 4/2019, tiếp tục chương trình huấn luyện phi công chiến đấu F-16 và hỗ trợ bảo trì hậu cần, trị giá khoảng 500 triệu USD; lần thứ tư là tháng 7/2019, Mỹ bán xe tăng chủ lực M1A2T và các thiết bị khác với doanh số khoảng 2,2 tỷ USD; lần thứ năm là tháng 8/2019, Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16V, trị giá khoảng 8 tỷ USD; lần thứ sáu là tháng 5/2020, Mỹ bán ngư lôi hạng nặng MK-48, trị giá khoảng 180 triệu USD; thứ bảy là chương trình bán tên lửa Patriot-3 lần này, trị giá khoảng 620 triệu USD. Xét về số lần bán, Mỹ đang thực hiện bình thường hóa việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot-3 Mỹ bán cho quân đội Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).
Hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot-3 Mỹ bán cho quân đội Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).

Liên quan đến việc Mỹ bán vũ khí lần này, ngày 10 tháng 7, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố: "Đạo luật Quan hệ Đài Loan và “Sáu điều bảo đảm” và việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ Đài Loan là cơ sở để duy trì sự ổn định trong khu vực. Việc bán vũ khí này giúp ích cho việc nâng cao khả năng phòng vệ của Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn đối với quyết định bán vũ khí của Mỹ”.

Chu Phụng Liên, người phát ngôn của Văn phòng Quan hệ Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc, ngày 14/7 tuyên bố: "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và bất kỳ hình thức liên lạc quân sự nào giữa Đài Loan và Hoa Kỳ. Chính quyền Đảng Dân tiến “dùng vũ lực mưu độc lập” sẽ không thành công, sẽ chỉ phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, mang lại thảm họa lớn hơn cho người dân Đài Loan”.

Ngoài ra, tài khoản WeChat công khai của Bộ Quốc phòng Trung Quốc mang tên “Bộ Quốc phòng công bố” hồi tháng 5 đã từng đưa ra một thông điệp sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, nói: “Hoa Kỳ ngang nhiên tuyên bố một vòng bán vũ khí mới cho Đài Loan và đưa ra tín hiệu nghiêm trọng cho chính quyền đảng DPP và lực lượng ly khai Đài Loan độc lập, làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan và làm tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển quan hệ giữa hai nước và hai quân đội Trung – Mỹ”.

Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu, khi đưa tin về làn sóng bán vũ khí mới của Mỹ cho Đài Loan trên Twitter đã viết: "PLA hoàn toàn có khả năng phá hủy tất cả các cơ sở quân sự của Đài Loan trong vài giờ; ít lâu sau đó sẽ chiếm lấy Đài Loan. Quân đội và nhân dân Trung Quốc có lòng tự tin như vậy. Đồng thời, chúng ta kiên quyết ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì hòa bình, cần tránh gây nên xung đột”.

Hệ thống nhiệt điện đại dương do Lockheed Martin liên doanh với Hoa Tân xây dựng (Ảnh: Guancha).
Hệ thống nhiệt điện đại dương do Lockheed Martin liên doanh với Hoa Tân xây dựng (Ảnh: Guancha).

Lệnh trừng phạt của Trung Quốc ảnh hưởng đến Lockheed Martin ra sao?

Đầu năm 2003, nhà sản xuất máy bay trực thăng nổi tiếng của Mỹ Sikorsky Airplane đã thành lập công ty liên doanh Shanghai Sikorsky Airplane Co., Ltd., chiếm 49% cổ phần, với tư cách là cổ đông lớn nhất và là người hưởng lợi cuối cùng .

Phạm vi kinh doanh của công ty liên doanh bao gồm: sản xuất phụ tùng máy bay trực thăng dân dụng, bảo dưỡng và sửa chữa máy bay trực thăng dân dụng, nhập khẩu và bán trực thăng cung các bộ phận, đại lý cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật và dịch vụ hậu mãi liên quan nêu trên.

Vào tháng 11/2015, Lockheed Martin đã hoàn thành việc mua lại Sikorsky với mức giá 9 tỷ USD và Công ty Máy bay Sikorsky chính thức trở thành một phần của Lockheed Martin.

Trong lĩnh vực năng lượng, Loma cũng có mặt tại Trung Quốc. Năm 2010, Công ty TNHH công nghệ điện hạt nhân quốc gia, công ty con của Tập đoàn đầu tư năng lượng quốc gia Trung Quốc, đã ký một thỏa thuận với Lockheed Martin tại Washington hợp tác phát triển hệ thống và nền tảng điều khiển an toàn kỹ thuật số.

Ngoài ra, vào năm 2013, Tập đoàn Hoa Bân có trụ sở tại Bắc Kinh đã ký thỏa thuận với Lockheed Martin để cùng phát triển nhà máy điện chênh lệch nhiệt độ đại dương (OTEC) trên đất liền 10 megawatt đầu tiên trên thế giới.