Vung tiền "ngay và luôn", giới trẻ Trung Quốc nguy cơ kéo đất nước vào khủng hoảng

VietTimes -- Giới trẻ Trung Quốc bắt đầu cuộc sống dựa trên tín dụng. Tổng số dư nợ cho vay tiêu dùng tăng 40% trong năm nay, ngân hàng đầu tư Trung Quốc CICC cho biết. Đồng thời, số nợ lớn rơi vào những người trẻ tuổi sinh ra sau những năm 1990. Thế hệ Trung Quốc "thế kỷ mới" tin rằng cần phải chi tiêu "ngay và luôn", Financial Times đưa tin.
Thanh niên Trung Quốc giờ đây không còn chi tiêu tiết kiệm như các thế hệ trước
Thanh niên Trung Quốc giờ đây không còn chi tiêu tiết kiệm như các thế hệ trước

Điện thoại iPhone mới nhất có thể trở thành gánh nặng - một khẩu hiệu lớn treo ở lối vào khuôn viên Đại Học Ngoại ngữ Thượng Hải  (SISU). Khẩu hiệu cảnh báo cho biết theo luật, tổng lãi suất của khoản vay không được vượt quá 36% mỗi năm. Tuy nhiên, mặc dù có các điều khoản như vậy, người ta vẫn dễ dàng cho vay cho bất kỳ mục đích nào mà không cần thế chấp và người bảo lãnh, có thể dẫn một sinh viên vào một vực thẳm nợ nần.

Những quảng cáo như vậy không chỉ đơn giản xuất hiện ở hầu hết các trường đại học lớn của Trung Quốc. Những năm gần đây, xuất hiện một số lượng lớn các tổ chức tín dụng và tài chính vi mô tập trung vào các khoản vay đắt đỏ cho các sinh viên, những người chi tiêu không kiểm soát cho những nhu cầu chưa cần thiết.

Trong lịch sử, sống trong nợ nần ở Trung Quốc được coi là việc đáng xấu hổ. Hơn nữa, người Trung Quốc luôn cố gắng tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt phòng cho những ngày khó khăn. Thế hệ lớn lên trong những năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mặc dù giàu nhanh hơn so với cha mẹ, nhưng vẫn còn không chắc chắn về tương lai và cố gắng để tạo một tấm "đệm an toàn". Số tiền đã được tiết kiệm chi cho việc giáo dục trẻ em, mua bất động sản, điều trị, góp thêm vào lương hưu.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi thế hệ "thế kỷ" bắt đầu gia nhập vào thị trường tiêu dùng. Thường đây là những đứa trẻ duy nhất trong gia đình đã quen với việc được người thân chăm sóc thường xuyên. Vì vậy, từ thời thơ ấu, họ đã quen với hành vi tiêu dùng. Những vật phẩm tạo dựng hình ảnh là điện thoại thông minh mới nhất, quần áo thương hiệu, selfi trên các mạng xã hội từ tiệm Starbucks. Và các tổ chức tín dụng nhanh chóng chạy đến chìa tay giúp đỡ, theo nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Tài chính thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc Liu Ying.

Liu Ying nói: "Đó là bằng chứng về sự phát triển của nền tài chính Trung Quốc, cũng như việc chuyển đổi ý thức tài chính của công dân Trung Quốc. Sự phát triển của các dịch vụ như cho vay P2P, thanh toán di động, tài trợ...Tất cả điều này chủ yếu hoạt động để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho mọi người. Điều này đặc biệt đúng với những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Trung Quốc, giữa nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong cuộc sống và sự phát triển không đồng đều và chưa đầy đủ, được công bố trong đại hội đảng 19 cộng sản Trung Quốc.

Ở đây tăng trưởng tín dụng tiêu dùng chỉ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong một cuộc sống tốt đẹp. Tất nhiên, chúng ta cần theo dõi tính hợp pháp của các điều kiện cho vay, đặc biệt là lãi suất. Điều này áp dụng cho tất cả các lĩnh vực - từ tín dụng vi mô truyền thống đến tài chính công nghệ. Điều cần thiết là gánh nặng tín dụng phải khả thi đối với người dân để họ có thể trả nợ. Chỉ trong trường hợp này mới có một sự phát triển bình thường".

Nhưng đây chính là những nguyên nhân chính. Do kinh nghiệm quản lý tài chính còn ít ỏi của họ, những người trẻ tuổi không ngần ngại vay tiền với lãi suất khổng lồ khi mua những món hàng đắt đỏ. Khi phải trả nợ, họ lại vay nợ tiếp từ các tổ chức tài chính khác. Có trường hợp khi vay mua Iphone cuối cùng biến thành món nợ hàng chục ngàn USD không phải là hiếm. Thường xuyên trên các phương tiện truyền thông có thông tin về những vụ tự tử của các sinh viên do không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã cố gắng làm cho tiêu dùng trong nước trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, có vẻ như, thế hệ "thế kỷ" sẽ trở thành động lực chính trong xã hội tiêu dùng. Nhưng vấn đề ở chỗ lượng tiêu thụ này đang làm tăng lên gánh nặng tín dụng.

Tổng số nợ hộ gia đình vào cuối năm 2017 là hơn 40% GDP hoặc 33.000 tỷ NDT, theo số liệu của Đại học Tài chính-Kinh tế Tây Nam Trung Quốc. Con số này cao hơn so với nhiều nước đang phát triển. Mặc dù vẫn thấp hơn ở EU và Mỹ (con số tương ứng là 60% và 80%). Mặt khác, ở Trung Quốc con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2011. Có lý do để tin rằng nợ hộ gia đình sẽ phát triển nhanh chóng, khi tính đến việc chính quyền Trung Quốc phát động chống lại đòn bẩy tài chính của các công ty (đã đạt đến 170% GDP), các tổ chức tín dụng trở nên sẵn sàng cung cấp các khoản vay tiêu dùng.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nếu nợ hộ gia đình vượt quá 60% GDP, mức tiêu thụ sẽ suy giảm đáng kể. Và sau đó phần lớn thu nhập của người dân dùng để trả nợ. Và trong trường hợp này, một mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên tiêu thụ trong nước có thể không khả thi. Khối lượng tín dụng tích lũy, cùng với sự suy giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, có thể phát sinh làn sóng vỡ nợ của các cá nhân.

Theo các chuyên gia cảnh báo, sự tăng trưởng cho vay mà không có đánh giá kỹ lưỡng về rủi ro tín dụng có thể dẫn đến hậu quả bi thảm không chỉ đối với người vay mà còn cho toàn bộ hệ thống tài chính của cả nước.