Vụ Sam Media “moi” hàng trăm tỷ của khách hàng, các nhà mạng hưởng lợi bao nhiêu?

VietTimes -- Tổng số tiền các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile được hưởng trong thương vụ Sam Media “moi tiền" khách hàng Việt là trên 140 tỷ đồng. Trong đó, Mobifone được hưởng 76,775 tỷ đồng; Vinaphone 53,635 tỷ đồng; Viettel 11,242 tỷ đồng và Vietnammobile 602,298 triệu đồng, nguồn tin riêng của VietTimes cho biết.
Các nhà mạng được hưởng khoảng 140 tỷ trong thương vụ Sam Media "móc túi" khách hàng - Ảnh minh họa/Báo Giao thông.
Các nhà mạng được hưởng khoảng 140 tỷ trong thương vụ Sam Media "móc túi" khách hàng - Ảnh minh họa/Báo Giao thông.

Chiêu “moi tiền” khách hàng

Cuối năm 2016 nhiều cơ quan truyền thông đã thông tin về vụ việc Công ty Sam Media đã “moi tiền” khách hàng của 4 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile tổng cộng 230,4 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa thông tin chi tiết về số tiền các nhà mạng này đã được hưởng trong thương vụ này.

Từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016 Sam Media và các công ty liên kết đã thu của khách hàng 04 hãng viễn thông Việt Nam (Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile) với tổng cộng số tiền là 230,5 tỷ đồng.
Nguồn tin của VietTimes cho biết, vụ việc thanh tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của Văn phòng đại diện Sam Media Limited tại Hà Nội được Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiến hành từ tháng 4/2016 kéo dài đến tháng 9/2016.

Qua đó phát hiện Công ty Sam Media đã “moi tiền” khách hàng Việt 230,5 tỷ đồng mà không ai hay biết trong vòng 03 năm thông qua việc ký kết hợp đồng với Công ty CP đầu tư ACOM, Công ty CP truyền thông Gapit và Công ty CP truyền thông VMG để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Cụ thể, theo thỏa thuận Công ty Sam Media chịu trách nhiệm triển khai và thiết kế dịch vụ, phát triển dịch vụ và cập nhật nội dung đáp ứng nhu cầu của khách hàng, quảng bá dịch vụ; đảm bảo chất lượng và duy trì hoạt động của hệ thống ứng dụng; quảng cáo dịch vụ; chịu trách nhiệm đầu tư các thiết bị phần cứng phục vụ truyền dẫn tại các điểm kết nối.

Ba công ty tại Việt Nam đầu tư hệ thống kỹ thuật làm trung gian kết nối giữa hệ thống kỹ thuật của Công ty Sam Media với hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng viễn thông di động để trả nội dung cho khách hàng thông qua tin nhắn. Hình thức đăng ký sử dụng dịch vụ được thiết lập qua tin nhắn (SMS) và Internet (OTP).

Các dịch vụ cung cấp cho khách hàng bao gồm trò chơi điện tử G2, G4; clip; tải phần mềm; học tiếng Anh; dịch vụ tử vi; trắc nghiệm IQ. Điểm đặc biệt là các loại dịch vụ này hầu hết được cung cấp với hình thức là các đường dẫn (link) nằm trong nội dung tin nhắn trả về cho khách hàng, khách hàng muốn sử dụng được thì click vào đường link và tải nội dung về máy điện thoại hoặc truy cập vào web.

Phương thức thực hiện quảng cáo khá tinh vi, phía Sam Media sử dụng tên miền vn-moziz.biz/vn là trang đích của quy trình quảng cáo và đăng ký dịch vụ. Để thông tin đến được với người tiêu dùng, Sam Media đã ký hợp đồng với đối tác có thương hiệu là Avazu để thực hiện quảng cáo dịch vụ.

Đối với nội dung quảng cáo cho các chương trình khuyến mại thẻ điện thoại phần trên là các khối hình họa và nội dung về các ưu điểm dịch vụ được thiết kế có kích thước và cỡ chữ lớn như: “Tăng tốc điện thoại”, “Tử vi Bính Thân 2016”, “Nhập số điện thoại ngay để học tiếng Anh”,… nhưng phần dưới chân màn hình là nội dung về thể lệ của chương trình khuyến mại thẻ điện thoại, cách đăng ký, hủy dịch vụ, số điện thoại hỗ trợ khách hàng và giá cước của dịch vụ lại được thiết kế với cỡ chữ nhỏ hơn nhiều so với phần trên.

Đối với nội dung quảng cáo cho các chương trình khuyến mại điện thoại và máy tính bảng phần trên là khối hình họa và thông tin về các giải thưởng cũng được thiết kế có kích thước và cỡ chữ rất lớn như: “Sở hữu tận tay iPHONE 6s; “Cơ hội vàng sở hữu Samsung Galaxy S6/S6 edge”; “Cơ hội trúng iPod”;… phần dưới chân màn hình nội dung về thể lệ của chương trình khuyến mại, cách đăng ký, hủy, giá cước,… lại được thiết kế với cỡ chữ nhỏ hơn nhiều so với phần trên.

Theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội với những câu từ dẫn dụ khách hàng một cách thống nhất trong toàn bộ quy trình quảng cáo, gây cho khách hàng lầm tưởng là mình đang tham gia một chương trình giải trí có thưởng trực tiếp mà không biết rằng phải sử dụng dịch vụ mất tiền của Công ty Sam Media mới được tham gia.

Kết quả cho thấy, tất cả các khách hàng được khảo sát đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ mất tiền, rất nhiều khách hàng phải nhận tin nhắn từ các đầu số hàng ngày nhưng không quan tâm vì nghĩ đó là tin rác.

Vụ Sam Media “moi” hàng trăm tỷ của khách hàng, các nhà mạng hưởng lợi bao nhiêu? ảnh 1Các nhà mạng cũng được hưởng lợi trong thương vụ này.

Hợp đồng ăn chia?

Như đã nói ở phần trên để thực hiện trót lọt thương vụ này Sam Media đã phải ký kết hợp đồng với Công ty CP đầu tư ACOM, Công ty CP truyền thông Gapit và Công ty CP truyền thông VMG cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua các đầu số.

Trong thương vụ Sam Media hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam lấy 230,5 tỷ đồng của khách hàng thì nhà mạng Mobifone được hưởng 76,775 tỷ đồng; Vinaphone 53,635 tỷ đồng; Viettel 11,242 tỷ đồng và Vietnamobile 602,298 triệu đồng.
Đối với hợp đồng với Công ty ACOM ký ngày 1/3/2014: Các đối tượng đã sử dụng đầu số 8926 để cung cấp dịch vụ cho khách hàng của các nhà mạng Mobifone, Vinaphone và Vietnamobile với giá cước 5000đ/ngày; Đầu số 6909 được sử dụng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng của nhà mạng Viettel giá cước 3000đ/ngày. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tính tới thời điểm ngày 19/7/2016 là 75.750 người.

Hợp đồng hợp tác với Công ty VMG ký kết ngày 01/6/2012: Các đối tượng sử dụng đầu số 8979 để cung cấp dịch vụ cho khách hàng của nhà mạng Mobifone giá cước 5000đ/ngày; Vinaphone giá cước 2000, 5000đ/ngày hoặc 10000đ/tuần. Đầu số 9988 được sử dụng cho khách hàng Mobifone với giá cước là 5000đ/ngày. Đầu số 1119 được sử dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng mạng Vietnamobile giá cước 1000 hoặc 5000đ/ngày. Số lượng khách hàng sử dụng tính tới thời điểm ngày 19/7/2016 là 15.460 người.

Đối với hợp đồng hợp tác với Công ty Gapit, ký ngày 01/5/2013: Đầu số 8969 sử dụng để cung cấp dịch vụ cho các khách hàng nhà mạng Mobifone giá cước 5000đ/ngày; Vinaphone giá cước 5000đ/ngày, 10000đ/tuần hoặc 15000đ/tuần; Vienammobile là 5000đ/ngày.

Đầu số 9988 được sử dụng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng Vinaphone giá cước 5000đ/ngày.

Đầu số 9242 được sử dụng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng Mobifone với giá cước 5000đ/ngày.

Thông qua hoạt động động này Công ty ACOM được hưởng 8,771 tỷ đồng sau thuế, VMG 981,711 triệu đồng sau thuế, Gapit 4,855 tỷ đồng sau thuế.

Tuy nhiên, qua 3 hợp đồng này phía Sam Media cũng đã thu được số tiền 52,655 tỷ đồng, trong khi đó nhà mạng Mobifone được hưởng 76,775 tỷ đồng; Vinaphone 53,635 tỷ đồng; Viettel 11,242 tỷ đồng và Vietnamobile 602,298 triệu đồng.

Theo tính toán của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016 đường dây này đã thu được từ khách hàng của 4 hãng viễn thông Việt Nam với tổng cộng số tiền là 230,5 tỷ đồng.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt Công ty Sam Media tổng cộng số tiền khoảng 55 triệu đồng thông qua 2 hành vi “Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định” và “Cung cấp thông tin về dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên trang thông tin điện tử, internet nhưng thông tin giá, giá cược hiển thị không cung cấp kiểu mã lệnh và có kích thước nhỏ hơn 2/3 kích thước mã lệnh”.

Sau khi sự việc bị phanh phui lần lượt các hãng viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile đã thông báo chấm dứt hợp tác với các đối tác ACOM, VMG, Gapit đồng thời trả lại số tiền đã lấy của khách hàng nếu khách hàng có khiếu nại, phản ánh.

Liệu còn tồn tại những “Sam Media” tương tự trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông nữa không? Những “ông trùm” đứng đằng sau thương vụ viễn thông phi pháp này là ai? VietTimes sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.