Vũ Mão- một con người trung thực, một cán bộ quý hiếm

VietTimes – "Anh là một người rất trung thực. Gần chục năm trực tiếp làm thư ký cho Anh, tôi chưa từng thấy Anh ăn không nói có cho ai bao giờ. Hơn thế nữa, Anh còn không ngại góp ý cho nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về những điều mà những người khôn ngoan khác sẽ không bao giờ nói ra"- TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH.


Mùa xuân năm 1980, với chức phận phóng viên tháp tùng, tôi theo tướng Đặng Quốc Bảo, UVTW Đảng Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn từ vùng chiến sự Móng Cái, Bình Liêu về ghé qua huyện Tiên Yên. Vốn bản tính cởi mở dân chủ, tướng Bảo cho chúng tôi dự cuộc làm việc với BCH huyện ủy Tiên Yên.

Được biết thêm, đồng chí Bí thư huyện ủy là cán bộ trẻ mới tăng cường. Trước đó là Trưởng ty Thủy lợi Quảng Ninh.

Trên đường về, tướng Bảo hé chuyện thoải mái rằng ông đang đi tìm nhân sự tìm thủ lĩnh cho Đoàn. Trong câu chuyện, có vẻ như ông giành nhiều thiện cảm cho vị Bí thư đứng đầu Huyện ủy Tiên Yên trẻ trung sung sức mới độ tuổi băm khi ấy…Đó là lần đầu tiên tôi biết mặt vị thủ lĩnh tương lai của Đoàn: Vũ Mão.

Rồi sau này, bao nhiêu là những chuyến đi cùng Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Vũ Mão về các công trường xây dựng lớn của đất nước, về các cơ sở Đoàn này khác. Và nhiều lần do công việc sự kiện mình được có mặt trong thời gian ông là Chủ nhiệm Văn phòng QH, Trưởng ban Đối ngoại QH…

Có lẽ cũng phải nói ngay, là thời điểm 1980 ấy, tướng Đặng Quốc Bảo cũng mới lần đầu gặp Vũ Mão. Rồi sau này, có ý kiến Vũ Mão lên được là do ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban tổ chức TƯ nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Nhưng họ lầm.

Vũ Mão có một tuổi thơ tất tả, cơ hàn. Lớn lên ở khu lao động nghèo khó Lương Yên Hà Nội. Trước Vũ Mão, hai người anh còn bé tí. Một người phải đem cho rồi sau thất lạc. Một người khác chết bệnh. Vũ Mão còn bé tí, bố mẹ đã bỏ nhau. Sau theo bố lên Việt Bắc học việc ở Công binh xưởng. May mắn được sang học ở Khu học xá Nam Ninh. Rồi lại trở về Hải Phòng sống cảnh dì ghẻ con chồng u ám.

Năm 1960. ông theo học ngành thủy nông và quy hoạch thủy lợi tại Học viện Thủy lợi Điện lực, rồi tốt nghiệp Kỹ sư Thủy lợi năm 1964. Sau khi tốt nghiệp ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy cho đến năm 1971.

Năm 1971, ông được điều chuyển về công tác tại Ty Thủy lợi Quảng Ninh làm đội trưởng đội quy hoạch. Cuối năm đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Ty Thủy lợi. Năm 1976, ông được thăng làm Trưởng Ty Thủy lợi.

THáng 1 năm 1979, ông được phân công làm Bi thư Huyện ủy Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 1980.

ông Vũ Mão và người bạn đời
ông Vũ Mão và người bạn đời

Hai ứng cử viên Thủ tướng

Luồng gió đổi mới khởi đầu bằng Những việc cần làm ngay của TBT Nguyễn Văn Linh bắt đầu lộng thổi. Luồng gió ấy dường như đã mang sinh khí ngay tại kỳ họp thứ 3 QH khóa 8 vào tháng 6  năm 1988.

Hình như cụm từ Đổng lý văn phòng rồi Chủ nhiệm Văn phòng QH nghe … sang hơn Chánh Văn phòng QH? Nhưng chức danh ấy đều định danh cái thứ cần phải quán xuyến mọi việc lớn bé của QH. Thời điểm ấy, ông Vũ Mão mới chân ướt chân ráo từ Trung ương Đoàn chuyển sang QH đảm cái chức mới Chánh Văn phòng QH.  

Một việc quan trọng của kỳ họp thứ 3 này là QH bầu Chủ tịch HĐBT mới thay thế đồng chí Phạm Hùng mới mất. Theo quy định của Hiến Pháp 1980, HĐNN giới thiệu chức danh Chủ tịch HĐBT để QH bầu. Việc giới thiệu của HĐNN là trên cơ sở kết quả thảo luận và biểu quyết của Hội nghị BCHTW Đảng. Và khi ấy BCHTW Đảng đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười để QH bầu Chủ tịch HĐBT.

Sau khi HĐNN trình QH phương án trên, các Đoàn ĐBQH tiến hành thảo luận.

Chánh Văn phòng QH Vũ Mão lãnh thêm trọng trách là Trưởng Đoàn thư ký của kỳ họp thứ 3.

Được Tòa báo cử theo dõi QH, tôi nhớ lại đó là những ngày ở các đoàn ĐBQH, một không khí thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi. Không những trong các buổi sinh hoạt tổ, đoàn mà ngay tại nơi ăn nghỉ của ĐBQH…

Như nhiều đồng nghiệp khác, tôi cố đeo bám ông Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Vũ Mão để có thêm thông tin.

Mặc dù ông khá kín nhưng chúng tôi cũng loáng thoáng biết được nguyên do của những sự thảo luận sôi nổi ấy ở các đoàn là nhiều ĐB và đoàn ĐBQH đã giới thiệu thêm một ứng cử viên (UCV) để bầu Chủ tịch HĐBT! Rồi điều mang máng ấy đã rõ rệt khi Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Vũ Mão dõng dạc trên toàn thể Hội trường, tất cả các đoàn đều giới thiệu đồng chí Đỗ Mười. Nhưng đồng thời có tới 37 đoàn (trong tổng số 53 đoàn) giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt để QH bầu chức danh Chủ tịch HĐBT.

Cũng xin mở ngoặc, thời điểm đó tướng Giáp được 4 đoàn giới thiệu, Nguyễn Cơ Thạch được 1 đoàn giới thiệu).

Phóng viên báo Tiền Phong phỏng vấn ông Vũ Mão bên lề kỳ họp Quốc hội
Phóng viên báo Tiền Phong phỏng vấn ông Vũ Mão bên lề kỳ họp Quốc hội

Tại cuộc họp HĐNN để thảo luận vấn này khá căng. Đa số các thành viên HĐNN nhất trí để hai UCV coi đây là một việc làm chưa có tiền lệ nhưng là động thái đổi mới tư duy, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động của QH.

Nhưng không phải tất cả đều thông! Ngay cả UCV Võ Văn Kiệt cũng phản ứng.

Không thể như thế được, Ban CHTW Đảng đã thống nhất giới thiệu anh Đỗ Mười làm chủ tịch HĐBT. Là một Đảng viên lại còn là một Ủy viên Bộ chính trị tôi phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Tôi chính thức đề nghị các anh báo cáo lại với QH rằng tôi rất cảm ơn và xin được rút tên không tham gia trong danh sách UCV Chủ tịch HĐBT (trích hồi ký Vũ Mão)

Chủ tịch nước Võ Chí Công đề nghị Chủ tịch QH Lê Quang Đạo cùng chánh VP QH Vũ Mão lên báo cáo tình hình với TBT Nguyễn Văn Linh.

Sau đó, TBT Nguyễn Văn Linh đã triệu tập cuộc họp BCT để bàn. BCT cuối cùng đã nhất trí để hai UCV để QH bầu.

Đây là lần đầu tiên QH nước ta đưa ra 2 UCV để QH bầu. Kết quả đồng chí Đỗ Mười được 63% số phiếu bầu, đồng chí Võ Văn Kiệt được 37%.

Là Trưởng đoàn TK kỳ họp, ông Vũ Mão có trách nhiệm chỉ đạo tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH. Đó là việc bình thường! Nhưng khi ấy nhiều ý kiến và dư luận cho rằng, chính từ đề xuất… táo bạo này của ông Vũ Mão mà Bộ Chính trị khi đó đã tiếp thu và đồng ý giới thiệu ông Kiệt để 2 chọn 1!

Rằng tình huống này cũng sẽ dẫn đến tình trạng dễ loãng phiếu. Mà một khi loãng phiếu thì có thể dễ tâm trạng với người trúng dù trúng cũng không cao và cả người được đề cử thêm có thể cũng có phần áy náy.

Rồi nữa,  kiểu gì phiếu cũng khó tập trung dù ai trúng cũng thế. Rằng người đứng đầu HĐBT (Chính phủ) số phiếu chưa phải là tuyệt đối liệu có nên?

Nhưng may mắn mọi sự cũng đã qua. Quốc hội khóa VIII đã hoàn thành trọng trách của mình. Đã hoàn thành, đã làm được một việc hy hữu. Cho đến tận bây giờ, 32 năm đã qua chưa một lần lặp lại!

Quang cảnh một kỳ họp Quốc hội
Quang cảnh một kỳ họp Quốc hội

Tạo nên dấu ấn đổi mới dân chủ ấy, đến tận bây giờ, nếu không phải là ông Vũ Mão đề nghị với tư cách Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan tham mưu cho Quốc hội thì có ai dám như ông mở lời?

Mà nữa, khi ấy ông Vũ Mão cũng mới chân ướt chân ráo từ Trung ương Đoàn sang nhận nhiệm vụ bên Quốc hội chứ không phải đã kỳ cựu? Và sự nghiệp chính trị của ông sẽ còn thênh thang ở cái tuổi chưa đến 50 tuổi nếu biết “né”, tránh đụng chạm này khác?!

(Những sự lo ngại khi ấy chả phải là vô cớ? Bằng cớ Ủy viên TƯ lúc chưa đầy 43 tuổi và lâu nhất đến 25 năm (5 khóa) và khi hết Thanh niên sang Quốc hội cũng chỉ là nghị sĩ đến 4 kỳ, Vũ Mão vẫn vui vẻ vơi các chức phận như thế?)

Trở lại thời điểm năm 1988 với những lo ngại dè chừng này khác, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão thời điểm đó vẫn thản nhiên bằng mấy vần thơ để … vịnh sự kiện hy hữu ấy.

Hai ứng cử viên vốn nổi danh/ Lần đầu mới có cuộc đua tranh/ Ngang tài ngang sức giàu tâm huyết/ Vì nước vì dân tâm đức lành.

Cuộc "Cách mạng bấm nút"

Cũng ngay từ kỳ họp ấy, có một sự đổi thay mang tính cách mạng.

Chánh văn phòng QH Vũ Mão đã đề nghị lên Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Chính trị để triển khai công nghệ “bấm nút” trong các kỳ họp Quốc hội.

Kể từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 1988, việc biểu quyết thông qua các văn bản pháp luật đã được thực hiện theo hình thức “bấm nút”.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút để biểu quyết
Các đại biểu Quốc hội bấm nút để biểu quyết

Còn nhớ sang năm 1992,  nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, công nghệ “bấm nút” được nâng cấp lên mức hiện đại hơn với 3 nút là tán thành, không tán thành và không biểu quyết.

Nhưng đã có một kỳ họp không thực hiện được!

Nguyên nhân có nhiều ĐBQH chưa nhất trí với việc có nút không biểu quyết vì cho rằng, đại biểu bấm nút không biểu quyết là người không có ý thức xây dựng.

Chánh VPQH Vũ Mão đã phải tất tả, khôn khéo chấn chỉnh. Từ kỳ họp cuối năm 1992  và cho đến… bây giờ đã giữ lại nút không biểu quyết ấy.

Từ những đổi mới mang lại nhiều tiện ích ấy, ông Vũ Mão mạnh dạn đi tiếp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Quốc hội đã đi trước rất nhiều so với các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Như website Quốc hội với tên miền www.na.gov.vn được xây dựng năm 2000, rồi sau này là cổng thông tin của Quốc hội (www.quochoi.vn) cũng đã được xây dựng. Từ năm 2007, mỗi đại biểu ngoài việc được cấp 1 máy tính xách tay còn được cấp một địa chỉ email dùng riêng với tên miền @qh.gov.vn.

Với ông Chánh Văn phòng Vũ Mão có những thứ đầu tiên khá độc đáo ở QH. Trộm nghĩ, có lẽ ngoài Vũ Mão, với bản tính cởi mở hồn nhiên ngay thẳng… khó ai làm? Chợt nhớ năm xa ấy, nhà thơ Tố Hữu - Phó chủ tịch HĐBT đã nói không biết thật hay đùa rằng Vũ Mão to gan thật, dám hát bài hát của mình trước cả Hội nghị Trung ương. Tớ chưa bao giờ dám đọc thơ mình trước một Hội nghị TƯ nào cả! Ấy là cái lần Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Vũ Mão hát vang ca khúc Bài ca trên công trường TNCS của mình sáng tác nhằm động viên khuyến khích sự chung lo của mọi người với công trình TNCS Sông Đà Hòa Bình.

Cái việc hy hữu ấy là Vũ Mão đã hồn nhiên làm chức phận của một quan… ngự sử! Đời xưa ông quan ngự sử chuyên làm cái việc khuyên răn cả vua lẫn quan khi có việc gì trái. Quan ấy thường đội mũ có hình cái sừng con trãi. Trãi vốn tính thấy trái thấy sai là dùng sừng ấy húc.

Ấy là đời xưa. Còn đời nay ở QH, ông Vũ Mão gặp một ông Thủ tướng chân thành góp ý là ráng bỏ cái câu có đúng như vậy không? trong khi phát biểu vì ít nhiều động thái ấy gây phản cảm và có tác dụng ngược?

Một lãnh đạo cao cấp khác khi phát biểu thường sử dụng văn bản soạn sẵn. Ông Vũ Mão cũng góp ý chân thành. Sau này vị ấy đã khắc phục.

Một vị khác tiếng địa phương hay ríu lại ở các âm tiết khi nói chuyện. Ông Vũ Mão lại táo gan khuyên phải cố luyện giọng. Thế mà vị ấy sửa được!

(Người viết bài này đã có dịp gặp cả 3 vị ấy và tò mò gạn lại cái chuyện rất khó hỏi, khó nói đó. Lạ và vui là các vị đều hoan hỷ xác nhận có cái chuyện như thế thật với ông Vũ Mão!) 

ông Vũ Mão cùng với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
ông Vũ Mão cùng với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Một con người nhân ái

Năm 2002, có một sự kiện diễn ra. Đó là Lễ tang tướng Trần Độ. Về cuộc tang hy hữu này, đã kha khá xôm tụ thông tin cả bên lề phải lẫn lề trái. Vậy bất tất phải nhắc lại ở đây.

Mà dịp này Lễ tang ông Vũ Mão, lần cuối đưa tiễn một nhân cách ngay thẳng trong sáng (bởi vì quá trong sáng nên có phần thực thà?) tôi muốn bạch hóa một tài liệu, nói đúng hơn là về những lời bộc bạch ngay thẳng của Anh.

Thực ra tài liệu này trong di cảo cũng như hồi ký của Anh đã có và nhiều người cũng đã tiếp cận qua nhiều kênh khác nhau. Nhưng tài liệu ấy đã cồm cộm trong ngăn tài liệu cũng trí nhớ của người viết bài này suốt 12 năm qua!

Tài liệu là một bức thư của ông viết tại Hội trường Ba Đình, nơi có trụ sở Quốc hội mà khi ấy ông là Đổng lý Văn phòng của cơ quan quyền lực bậc nhất quốc gia này!

Bức thư ấy không viết cho ai cả. Mà tựa hồ như viết và gửi cho nhiều người?  Một trong những bản photocopy ấy, ông có viết bên góc thân gửi người viết bài này.

Thư đề ngày 29-7-2007. Nguyên văn như sau:

Nghị sĩ làm Nghệ sĩ bất đắc dĩ

Tháng 7 năm 2007 này, vừa đúng năm năm lễ tang ông Trần Độ. Hôm nay tôi viết lại đôi dòng về một khía cạnh đã diễn ra ngày ấy. Tôi là người được Tổ chức phân công đọc Điếu văn vì tôi là Trưởng ban Lễ tang. Còn việc vì sao phân công tôi làm Trưởng ban Lễ tang sẽ được trình bày vào một dịp khác.

Điếu văn đọc tại Lễ tang Ông Trần Độ được phân công chuẩn bị khá công phu. Sau đó, có tham khảo ý kiến của gia quyến. Gia quyến đề nghị bỏ đoạn nói về thiếu sót, khuyết điểm của ông Trần Độ. Bộ phận soạn thảo cũng muốn vậy nhưng không được chấp nhận, vì lập luận rằng, phải công bằng và khách quan giữa cống hiến và khuyết điểm. Bản Dự thảo mới, tuy vẫn nói tới thiếu sót nhưng đã được giảm nhẹ và thu gọn lại. Đã có một cuộc họp nhanh, nói cho chính xác là có cuộc hội ý ngay sau phiên họp buổi chiều của Quốc hội. Các ý kiến phát biểu sôi nổi và vẫn giữ ý kiến như cũ, tức là phải nói cả công lao và thiếu sót. Cuối cùng, các đồng chí dự Hội nghị đã vui vẻ dặn tôi: Khi đọc Điếu văn, đoạn nói về những đóng góp của ông Trần Độ thì đọc to; còn về thiếu sót, khuyết điểm thì đọc nhỏ thôi.

Tôi chấp hành sự phân công của Tổ chức và tôi đã thực hiện nghiêm chỉnh.

Tại Lễ truy điệu, tôi đọc Điếu văn. Trong lời đọc của mình, khi nói về công lao, thành tích, cống hiến của ông Trần Độ đối với Cách mạng, đối với Tổ quốc và Nhân dân thì tôi đọc to và rõ ràng, hào hùng đầy khí thế. Tôi xúc động thực sự từ đáy lòng mình. Khi đọc đến thiếu sót tôi đọc rất nhỏ. Trong trường hợp này, có thể nói: “Tôi là một Nghị sĩ đã đóng vai một Nghệ sĩ xuất sắc trong diễn đạt và biểu cảm”.

Tôi tự ví von, mình là một Nghị sĩ đóng vai một Nghệ sĩ xuất sắc, âu cũng là sự hài hước để giảm nhẹ bớt nỗi đau của riêng mình. Thế mới biết, dù có dùng bất cứ một thứ nghệ thuật nào và trình độ diễn đạt có siêu đẳng đến mấy cũng không thể thay thế cái công bằng của sự thật, tình nhân ái của con người.

Hội trường Ba Đình, ngày 1/8/2007

Cái cảnh ngộ trớ trêu cùng bao nhiêu điều băn khoăn day dứt… của ông Vũ Mão liệu có cần thêm những lời bình cùng nhận xét ở đây? Vậy đó, có những thứ thực thà đến tội nghiệp. Có thứ trong sáng, trong sáng quá đến độ… không chịu được trong tính cách và đời sống chính trị vốn nghiêm cẩn trần trụi, nghiệt ngã?

Vâng, còn có nói được gì thêm trước cái thở dài như một thứ chân lý mà chính tác giả bức thư đã bộc bạch.

Thế mới biết, dù có dùng bất cứ một thứ nghệ thuật nào và trình độ diễn đạt có siêu đẳng đến mấy cũng không thể thay thế cái công bằng của sự thật, tình nhân ái của con người.

Ngữ nghĩa của cụm từ hai chữ thủy chung là đầu, cuối. Một thang trật đạo đức bầu nên sự tử tế của giống người là thủy chung, là ăn ở phải có trước có sau. Trộm nghĩ, ông Vũ Mão thuộc cái thang trật ấy. Và Vũ Mão chả thể khác đi được cái bản tính xưa nay của mình như TS Nguyễn Sĩ Dũng người thư ký gần 10 năm của ông đã gan ruột thời điểm ông vĩnh viễn đi xa. Thư ký? Có câu ngạn ngữ bên trời Tây, đại loại, chả có ai vĩ đại trong con mắt của người hầu phòng! Câu ấy nó toát lên sự chua chát của một sự thật khi tiếp cận nó ở một cự ly gần? Nhưng cần nói ngay cho vuông, chả phải mẹ hát, con khen hay mà tôi cũng như nhiều người đã biết, đã rành, cái tạng của ông Phó Chủ nhiệm VPQH, TS Nguyễn Sĩ Dũng - ông đồ xứ Nghệ. TS viết thế này:

Anh là một nhà lãnh đạo công tâm và nhân ái. Người đáng được khen ngợi, Anh sẽ khen ngợi; người đáng bị chê trách, Anh sẽ chê trách. Tuy nhiên, không vì khen ngợi hay chê trách mà Anh đối xử thiên vị, đối xử thiếu công bằng. Sau khen ngợi lại là sự nhắc nhở; sau chê trách lại là sự động viên.

Dưới sự lãnh đạo của Anh, tất cả mọi người đều tập trung phấn đấu để làm việc tốt nhất. Và ngự trị trong cơ quan là niềm tin rằng thủ trưởng sẽ nhận biết và đánh giá đúng phần đóng góp của mọi người và của mỗi người, rằng có năng lực chắc chắn sẽ được trọng dụng. Nhờ sự công tâm của Anh, mà đối với tôi, cũng như nhiều anh em khác, mỗi ngày đi làm ở Quốc hội thật sự là một ngày vui.

Anh là một người rất trung thực. Gần chục năm trực tiếp làm thư ký cho Anh, tôi chưa từng thấy Anh ăn không nói có cho ai bao giờ. Hơn thế nữa, Anh còn không ngại góp ý cho nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về những điều mà những người khôn ngoan khác sẽ không bao giờ nói ra…

ông Vũ Mão tại buổi gặp mặt các Bí thư Ban chấp hành TW Đoàn các thời kỳ
ông Vũ Mão tại buổi gặp mặt các Bí thư Ban chấp hành TW Đoàn các thời kỳ


Trở lại chuyện thủy chung, ăn ở có trước có sau, xin dẫn ra một bức thư của ông Vũ Mão hiện trong bộ sưu tập của gia đình tướng Trần Độ. Thời điểm 9 năm trước khi tướng Trần Độ đi xa…

Vũ Mão. Hà Nội ngày 17-2-1993

Thân gửi Anh Trần Độ

Tôi ghi lại mấy lời thơ này trong bài hát ngắn mà tôi đã tặng Anh trong Lễ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho anh vào chiều 16-2-1993 tại Hội trường Ba Đình.

Từ tuổi xuân tôi nghe tên Anh/ Theo Bác Hồ trung kiên trong đấu tranh/ Vì Dân vì Nước anh hiến dâng cuộc đời/ Anh là đóa hoa hồng đẹp tươi.

Chúc Anh dồi dào sức khỏe, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Thân ái

Vũ Mão.

Viết những dòng này về người thủ trưởng cũ của mình, tôi đang và sẽ hình dung thể nào mà chả có những chê trách thậm chí cả gạch đá nữa nhắm vào động thái múa vụng chê đất lệch? Và mẹ hát con khen hay?

Vâng nếu vậy cũng là sự thường của nhân tình thế thái mà các cụ mình đã dịch rất hay cụm từ ấy, đó là lòng người thói đời!

Người xưa nói Cái quan định luận, khi nắp quan tài đã đóng thì người ta mới rành rẽ những hay dở này khác về một phận người! Cũng na ná như ca từ của Trịnh Công Sơn, để gió mang ( cuốn) đi… Tôi muốn thả xuống huyệt mộ Anh Vũ Mão một viên đất nhỏ. Ấy là những lời bộc bạch thực lòng của Anh về một chuyện nhạy cảm năm 2002.

Và hy vọng cũng là những chiêu tuyết của người đời vậy!

Tha thẩn ngó suốt những gương mặt cũ mới đang tề tựu trong nhà tang lễ trưa nay, nhớ về anh cứ bần thần một day hứt, hình như Vũ Mão một dạng cán bộ hơi hiếm?  Hiếm, đã dành từ trước. Ngay bây giờ và xa chút nữa, vẫn là thứ của hiếm?