Vụ Lý Tử Thất bị đạo nhái: YouTube bất lực trước nạn 'xào nấu'

Các công cụ của YouTube chỉ giúp phát hiện các video sao chép y hệt mà không thể xử lý những video ăn cắp ý tưởng.

Vụ việc chủ nhân Bếp trên đỉnh đồi - kênh blog về ẩm thực, đời sống ở Việt Nam - bị tố đạo nhái ý tưởng của vlogger nổi tiếng người Trung Quốc Lý Tử Thất gây xôn xao trên mạng những ngày qua.

Hiện tại, những người trong cuộc và cả phía YouTube chưa lên tiếng hay có bất kỳ động thái nào. Thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên những lùm xùm về vấn đề ăn cắp, sao chép ý tưởng trên YouTube nổi lên, gây tranh cãi.

Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp bị tố đạo nhái tương tự, mọi việc chỉ dừng lại ở việc lên án, chỉ trích từ phía dân mạng. Người trong cuộc im lặng, đại diện nền tảng thờ ơ, thiếu biện pháp xử lý nên hoàn toàn không có bất kỳ kết luận cụ thể nào, tất cả nhanh chóng bị lãng quên.

"Bếp trên đỉnh đồi" bị tố đạo nhái video của vlogger Lý Tử Thất.

Cầu cứu vì bị ăn cắp ý tưởng


Tháng 4/2018, YouTuber Geoff Thew đã phải đăng đàn cầu cứu dân mạng vì bị một kênh khác có tên Mariana Delveccio ngang nhiên sao chép nội dung video. Theo Geoff Thew, kênh YouTube đạo nhái này copy hầu hết ý tưởng của cô và chỉ dịch từ tiếng Anh sang tiếng Bồ Đào Nha.

Geoff Thew còn làm một clip chứng minh, chỉ ra nhiều điểm trùng hợp vô lý giữa các sản phẩm của cô và Mariana Delveccio. Theo Thew, kênh Mariana Delveccio không chỉ đạo nhái clip của mình mà còn ăn cắp ý tưởng của nhiều kênh khác.

Tuy nhiên, lời cầu cứu của Geoff Thew chỉ nhận được sự quan tâm của dân mạng. Trong khi đó, YouTube không đưa ra biện pháp xử lý cụ thể.

Thời điểm bị đạo nhái sản phẩm, kênh YouTube của Geoff Thew chỉ có 522.000 người đăng ký trong khi Mariana Delveccio có 624.000 người đăng ký. Điều này càng khiến nhiều người bức xúc hơn.

Geoff Thew (bên trái) từng cầu cứu dân mạng vì bị ăn cắp ý tưởng làm video. Ảnh: Twitter.

Sau vụ lùm xùm, Mariana Delveccio đã xóa những video bị cáo buộc đạo nhái, khóa Facebook, Twitter. Tuy nhiên, ít lâu sau, kênh này trở lại hoạt động bình thường, ra video thường xuyên và hiện có hơn 500.000 người đăng ký.

Tương tự Geoff Thew, một YouTuber khác tên Eric Kotzian cũng từng bất lực vì bị một kênh khác có nhiều subscribe hơn nhái ý tưởng. Kênh của Eric Kotzian có khoảng hơn 39.000 người đăng ký, chuyên chia sẻ các clip đàn piano.

Cuối năm 2017, Kotzian lên tiếng tố một YouTuber khác tên Mateus Hwang có hơn 732.000 người đăng ký tự ý sử dụng các đoạn âm thanh của mình để lồng ghép vào các video ca nhạc.

Cuối cùng, vụ lùm xùm chấm dứt khi Mateus Hwang lặng lẽ gỡ các video vi phạm bản quyền khỏi kênh cá nhân dù không lên tiếng thừa nhận hay xin lỗi về hành vi

YouTube bất lực


Đối phó với nạn đạo nhái phi văn bản từ lâu đã là thách thức lớn đối với những nền tảng chia sẻ video trực tuyến như YouTube. Khi Google mua lại YouTube vào năm 2006, nền tảng này từng bị ví là “thiên đường” của nội dung ăn cắp, vi phạm bản quyền.

Để khắc phục tình trạng này, YouTube khởi chạy Content ID, một hệ thống tự động phát hiện và xử lý các video trùng lặp. Content ID không quá hoàn hảo nhưng cũng đã làm giảm đáng kể số lượng nội dung lậu, sao chép trái phép.

Tuy nhiên, trong khi vấn đề vi phạm bản quyền vẫn chưa được giải quyết triệt để, YouTube với sứ mệnh ban đầu là trở thành thiên đường cho những người sáng tạo, lại đang trở thành mục tiêu của những "kẻ ăn cắp".

Trong thời đại mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ video phát triển mạnh, nội dung liên tục được sáng tạo và cập nhật tạo ra nhiều trend, xu hướng. Các xu hướng lại rất nhanh hết thời. Chính vì vậy, việc chạy theo xu hướng trở thành áp lực với người sáng tạo nội dung.

Thay vì mất thời gian đầu tư, suy nghĩ kịch bản, cách thể hiện hợp trend, nhiều người chọn “đón đầu” xu hướng bằng cách ăn theo, thậm chí sao chép các video có sẵn đang được quan tâm.

Các công cụ chống vi phạm bản quyền của YouTube không xử lý được nạn đạo văn. Illustration: Hà My.

Bằng cách dịch, thay đổi một vài âm thanh, hình ảnh, những clip "sao y bản chính" đã dễ dàng qua mắt các công cụ phát hiện vi phạm bản quyền của YouTube. Đạo nhái và bản quyền vốn là 2 khái niệm khác nhau. Các công cụ của YouTube chỉ giúp phát hiện các video sao chép y hệt mà không thể xử lý những video ăn cắp ý tưởng.

Nói một cách đơn giản, rất nhiều YouTuber đang tìm cách “lách luật” bằng việc đạo nhái ý tưởng nhưng thay đổi các chi tiết như âm thanh, hình ảnh để tránh vi phạm bản quyền.

Theo Jonathan Bailey, người sáng lập trang Plagiarism Today đồng thời là nhà tư vấn chiến lược cho các webmaster, nạn đạo nhái, trong cộng đồng YouTuber, như một con virus, một khi bắt đầu xâm chiếm, gần như không thể chống lại và sẽ dần giết chết những người sáng tạo nội dung chân chính.

“Nếu YouTube và cộng đồng YouTuber không muốn điều này trở thành bình thường, họ phải đẩy lùi nó ngay bây giờ. YouTube cần bổ sung, làm rõ hơn các điều khoản sử dụng dịch vụ để góp phần ngăn chặn những kẻ đạo nhái”, ông Bailey nói.

Theo Zing