Vụ khu du lịch biển Phan Thiết: Cấp dưới khai bị cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận chỉ đạo, thúc ép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nguyễn Ngọc, Lê Quang Vinh khai nhận lý do phạm tội do áp lực công việc, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, thúc ép yêu cầu sớm đề xuất phương án giá đất.

"Không muốn đùn đẩy trách nhiệm phê duyệt giá đất cho người kế nhiệm"

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng trạng truy tố 17 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Trong đó, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng nhiều cấp dưới bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo cơ quan chức năng, ông Lê Tiến Phương đã thừa nhận hành vi phê duyệt giá đất được quy định trái quy định pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khai do áp lực công việc nên thường xuyên chỉ đạo phải sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất, sớm thu tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước để dự án sớm triển khai, tạo điểm nhấn cho du lịch thành phố, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Anh 1.png
Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

"Phương án giá đất tại dự án cũng đã làm đi làm lại nhiều lần nên không muốn đùn đẩy trách nhiệm phê duyệt giá đất cho người kế nhiệm giữ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh", cáo trạng nêu lời khai của ông Phương.

Cáo trạng xác định ông Phương được báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định tư vấn xác định giá đất và dự thảo phương án giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, bị can vẫn phê duyệt giá đất dự án trên trái quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kết quả, giá đất tại dự án được phê duyệt là hơn 2,5 triệu đồng/m2, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng cho Nhà nước.

Vì sao 17 bị can không phải khắc phục hơn 308 tỷ đồng?

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cũng thừa nhận hành vi tham mưu để ông Phương phê duyệt giá đất trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Ông Ngọc khai vi phạm do áp lực công việc và chủ tịch tỉnh thường xuyên chỉ đạo phải sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất, sớm thu tiền sử dụng đất cho ngân sách để dự án sớm triển khai, tạo điểm nhấn cho du lịch của thành phố, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Lý do này cũng trùng khớp với lời khai về nguyên nhân phạm tội của cựu Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận Lê Quang Vinh.

Ông Vinh đã làm trái với nhiệm vụ được giao trong việc thẩm định, có ý kiến độc lập với tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, đề xuất của ông Lê Tiến Phương phê duyệt giá đất trái quy định, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.

Tương tự các bị can thuộc Tổng Công ty thẩm định giá Miền Nam (Công ty SIVC) như Nguyễn Văn Thọ, Trương Văn Ri, Hồ Như Hải thừa nhận, việc xây dựng chứng thư thẩm định giá không đúng. Tuy nhiên, các bị can đổ lỗi lý do vì tổ chức xác định giá đất làm lại nhiều lần, mong muốn sớm thanh lý, thu tiền theo hợp đồng đã ký.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của 17 bị can là nguyên nhân trực tiếp gây thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 308 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Rạng Đông được hưởng số tiền này.

Quá trình điều tra, Công ty Rạng Đông đã nộp 90 tỷ đồng khắc phục một phần hậu quả.

Theo kết luận điều tra, đối với số tiền hơn 308 tỷ đồng là tiền chênh lệch giữa kết quả định giá của hội đồng định giá cấp Chính phủ với quyết định phê duyệt giá đất của UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân là do các yếu tố giả định trong phương án giá đất của các hội đồng định giá khác nhau, không phải là hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can gây ra. Do đó, không có căn cứ buộc các bị can phải khắc phục trong vụ án.

Viện kiểm sát cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với chủ đầu tư Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết để giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo cáo trạng, năm 2013, Công ty Cổ phần Rạng Đông (trụ sở tại TP Phan Thiết, Bình Thuận do ông Nguyễn Văn Đông làm Chủ tịch HĐQ) mua lại toàn bộ cổ phần của Regent International OverSeas Corp tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết với giá 2,5 triệu USD.

Qua đó, Công ty Rạng Đông được tiếp tục thực hiện dự án Ocean Dunes Golf Club (sân golf Phan Thiết). Tháng 11/2013, ông Lê Tiến Phương ký cấp giấy chứng nhận cho Công ty Rạng Đông kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền và lợi ích của chủ đầu tư cũ.

Có được giấy phép, Công ty Rạng Đông đề nghị cơ quan chức năng cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị tại dự án Ocean Dunes Golf Club.

VKS xác định trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ông Phương đã trực tiếp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Phan Thiết, cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.Giá đất tại dự án được phê duyệt là hơn 2,5 triệu đồng/m2 đã trái quy định, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng cho Nhà nước.

Trong 17 bị can bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, có 14 bị can là cựu cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, 3 bị can thuộc công ty tư vấn thẩm định giá.