Vụ dàn xếp thế kỷ có thể đem lại hòa bình cho Syria?

VietTimes -- Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến Syria là sai lầm trong quá khứ, khi vùng đất của đế chế Ottoman bị phân chia thành các khu ủy trị dựa trên lợi ích của Anh và Pháp mà không tính tới những yếu tố phức tạp về dân tộc và tôn giáo ở đây. Nếu dàn xếp theo những yếu tố đó, rất có thể sẽ đem lại hòa bình cho vùng đất đau thương này?!
Bản đồ Syria
Bản đồ Syria

Chiến tranh Syria vẫn chưa thể kết thúc do cả hai phía đều còn nhiều điều để chiến đấu với nhau. Điều này là một phần của thực tế là cả hai bên đều không có phương án thua và cả hai đều được hỗ trợ tài chính bởi nguồn tiền từ dầu mỏ.

Khởi đầu là cuộc nội chiến vào năm 2011 rồi nhanh chóng biến thành cuộc chiến tranh giữa các dòng Shiite (gồm Iran, Alawite Syria và Hezbollah) với những người Sunni tại chỗ được hỗ trợ và kích động bởi Saudi Arabia, các quốc gia Vùng Vịnh khác và có lúc cả bởi Thổ Nhĩ Kỳ.

Hầu như ngay từ đầu, Tổng thống Obama đã ủng hộ kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ và một vài quốc gia Vùng Vịnh với ý định đưa tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo Syria giống như ông đã đưa Anh em Hồi giáo lãnh đạo Ai Cập.

Phía Sunni hầu như đã giành được thắng lợi, nhưng rồi nước Nga nhảy vào cuộc đấu bên phía Shiite và làm thay đổi tình thế. Ông Obama đang theo đuổi chính sách với Iran, vào một thời điểm nào đó, đã từ bỏ kế hoạch ban đầu là loại bỏ Assad. Sự thỏa thuận này đã đem lại cho Iran 150 tỷ USD, củng cố đáng kể vị thế, “cấp giấy phép xác lập bá quyền” cho nước này.

Hình ảnh đối lập trước và sau chiến tranh của Aleppo
Hình ảnh đối lập trước và sau chiến tranh của Aleppo

 Cuộc xung đột giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite bắt nguồn từ việc chọn người kế vị Muhammad đứng đầu cộng đồng Hồi giáo khi ông mất vào năm 632. Sau trận chiến Karbala, khi Hussein ibn Ali và vợ con bị vua Hồi Yazid đệ Nhất của nhà Umayyad giết hại thì xung đột càng trở nên gay gắt và những lời kêu gọi trả thù đã làm chia rẽ cộng đồng Hồi giáo làm hai dòng thù hận.

Ngày nay, ít nhất 85% tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni, nhưng tại các nước như Iran, Iraq, Li băng, Syria và Bahrain, tín đồ dòng Shiite lại chiếm đa số.

Cuộc chiến tranh Iran - Iraq kéo dài suốt 8 năm, bắt đầu từ ngày 22/9/1980 khi Iraq đem quân đánh Iran. Nguyên nhân chủ yếu là do Saddam Hussein lo sợ cuộc cách mạng Iran năm 1979 sẽ khuyến khích cuộc mổi dậy của cộng đồng người Shiite, vốn chiếm đa số nhưng đã bị đè nén từ lâu tại Iraq và cũng là để biến tham vọng thay thế Iran trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng đứng đầu tại vùng Vịnh.

Năm 2003, tổng thống Bush hạ bệ Saddam Hussain ở Iraq và mưu đồ chuyển Iraq sang con đường dân chủ. Kết quả là những người dòng Shiite chiếm đa số được giao quyền lực và ảnh hưởng của Iran đối với Iraq nhanh chóng được gia tăng. Động thái này, thực tế đã dỡ bỏ lá chắn bảo vệ quan trọng bậc nhất ngăn cản tham vọng bá quyền của Iran.

Ngược lại với điều nay, cuộc chiến Syria đang kéo dài năm thứ 6.

Có thể tìm thấy chính xác những mớ lộn xộn ở Lebanon, Syria và Iraq trong Hiệp định Sykes-Picot mà Anh, Pháp, Nga ký vào năm 1916, với niềm tin họ sẽ giành chiến thắng trước đế quốc Ottoman trong chiến tranh Thế giới Thứ Nhất. Thực chất là, trong Hiệp định đó, ba nước đã chia vùng đất này thành ba khu vực  chịu ảnh hưởng của từng nước. Sau khi Nga rút khỏi chiến tranh (việc này xảy ra năm 1917, khi tại nước này có sự thay đổi chế độ, Nga hoàng bị lật đổ), thì những gì liên quan đến Nga cũng không còn là một phần của hiệp định nữa.

Do vấp phải sự la lối và phản đối sau khi được công bố, hiệp ước Sykes-Picot sau đó biến thành sự phân chia đế quốc Ottoman một cách hợp lý hơn, thành những vùng đất ủy trị, cụ thể là vùng ủy trị Palestine, Syria và Iraq, với mục đích xác lập nền độc lập cho dân chúng từng vùng. Khi đó, người ta không hề tính đến sự phân chia theo dòng tôn giáo Sunni hay Shiite, thậm chí yếu tố này còn hoàn toàn bị bỏ qua. Chính điều đó đã dẫn đến các xung đột theo dòng tôn giáo ở Syria và Iraq.

Mặc dù thoạt đầu, Palestine được lập ra với vị thế là vùng ủy trị để hình thành quốc gia Do thái, nước Anh đã ngăn cản mục tiêu này bằng cách hạn chế người Do Thái quay về và khuyến khích người Hồi giáo nhập cư. Bằng cách đó, họ tạo ra xung đột tôn giáo ở Israel. Cuộc xung đột này đã châm ngòi cho nhiều cuộc chiến tranh và không tìm ra được giải pháp nào.

Qua 6 năm chiến tranh ở Syria và Iraq, đến nay cũng chưa tìm ra được giải pháp do không có sự lựa chọn hợp lý.

Frank Gaffney Jr., trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, với chủ đề phế truất (tổng thống Syria) Assad đã nói: “Rất không may, các lựa chọn giờ đây cũng vẫn như cũ. Sự lựa chọn được coi là khá hơn khi phe Assad được Nga, thêm Iran và cả Hezbollah ủng hộ. Sự lựa chọn thứ hai là phe Sunni tuân thủ luật Hồi giáo Sharia, được ùng hộ bởi Ả rập Xê út, người Thổ và có thể là al - Queda hay Nhà nước Hồi giáo IS, hay thậm chí được Anh em Hồi giáo ủng hộ. Theo suy nghĩ của tôi, cả hai lựa chọn đều rất tệ”.

Frank Gaffney Jr, mặc dù vậy, vẫn ủng hộ sự ra đời của nhà nước Kurdistan độc lập trên cả phần lãnh thổ Syria và Iraq. “Cá nhân tôi nghĩ rằng, tổng thống Hoa Kỳ cần nghĩ về Kurdistan, ít nhất là trên phần lãnh thổ Syria, nếu có thể thì ở cả Iraq và Iran - nơi có người Kurd, như thế sẽ có cơ hội hoặc có nền tảng để trở thành nơi trú an toàn cho các tộc ít người, hiện vẫn đang bị đe dọa và hiện vẫn đang được người Kurd cưu mang”.

Thế nhưng còn các lãnh thổ do người dòng Sunni chiếm đa số thì sao?

Frank Gaffney lo ngại rằng, Tổng thống Trump sẽ từ bỏ mục tiêu đánh bại chủ nghĩa khủng bố  Hồi giáo cực đoan và nền tảng tư tưởng của chúng. Ông bày tỏ: “Tôi cho rằng, Tổng thống hiện đang phải chống chọi với một số cá nhân, những người không đồng ý với ưu tiên của ông muốn đánh bại chủ nghĩa  Hồi giáo cực đoan, như là ông gọi tên, và những người khác, thay vào đó, lại có quan điểm rằng chúng ta cần đứng chung hàng ngũ với những lực lượng đứng sau chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Có thể kể đến Ả Rập Xê út. Có thể kể đến Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể kể đến Quatar và những nước khác trong khu vực. Tôi nghĩ rằng đó là sự lo ngại rất nghiêm túc”.

Quân chính phủ Syria đã giành lại Aleppo
Quân chính phủ Syria đã giành lại Aleppo

Tôi chia sẻ sự lo ngại của Frank Gaffney và có một số đề xuất:

Ngay từ khi bùng phát chiến tranh Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã có quan điểm muốn thu hồi cả Syria và tái lập đế chế Ottoman. Tại sao không tận dụng điều đó.

Hãy thử xem, nếu Tổng thống Trump là một bậc thầy về dàn xếp, ông sẽ tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ với những đề xuất thế này:

  1. Hãy từ bỏ ý định “quốc gia Tân Ottoman thánh chiến”, thay vào đó tái lập một quốc gia thế tục, hiện đại dựa trên những cải cách mà Ataturk (cha đẻ của nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ) đã khởi tạo từ năm 1923.

  2. Cho phép tách miền Nam Thổ nơi có hơn 10 triệu người Kurd cư trú để họ có thể sống độc lập và sáp nhập với Tân Kurdistan  nếu họ lựa chọn điều đó.

  3. Đổi lại, Mỹ sẽ hỗ trợ người Thổ để thu hồi các vùng đất người Sunni ở Syria, Iraq và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sáp nhập các vùng đất đó nếu mong muốn. Điều đó sẽ cho phép vẫn giữ lại vùng đất Syria của người theo dòng Alawite với tư cách là một quốc gia, còn Nga thì vẫn có cảng và sân bay tại đó.

Có gì mà không thích?

Nếu thực hiện được vụ dàn xếp này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trút bỏ gánh nặng về tài chính và những cuộc bạo động kéo dài nhiều thập kỷ, lại giành thêm được nhiều lãnh thổ hơn là phải nhượng lại.

Nga giữ được cái mà họ cho là quan trọng đối với mình.

Những người theo dòng Alawite có được quốc gia riêng của mình và Assad thì vẫn nắm quyền lực.

Israel sẽ có chung đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ mới có lãnh thổ mở rộng và có quan hệ ngoại giao bình thường.

Người Kurd cuối cùng có thể có một quốc gia riêng với dân số ít nhất cũng gấp đôi Israel. Nước Mỹ  thì có những đồng minh thân cận là Israel và Kurdstan ở hai phía của vùng đất đầy vấn đề.

Và cuối cùng, ông Trump cũng hoàn thành được vụ dàn xếp thế kỷ của mình.

Frank J. Gaffney Jr. (sinh ngày 5/4/ 1953).  Là người theo thuyết âm mưu. Ông sáng lập và là Chủ tịch Trung tâm Chính sách an ninh. Từng làm việc trong chính quyền Mỹ, trong đó có 7 tháng giữ chức vụ Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế.

Tác giả Ted Belman là một luật sư đã nghỉ hưu và là biên tập viên tạp chí Israpundit (Học giả Israel)

Bài đăng trên trang American Thinker ra ngày 16/4/2017 và phản ánh quan điểm riêng của tác giả.