|
Tranh chấp bản quyền kịch bản phim hoạt hình Ba tôi chưa có hồi kết. |
Gần đây nhất, sau khi VTV3 phát sóng chương trình Quà tặng cuộc sống vào tối 25/6/2015, ngày 1/7/2015 trên trang Facebook Thăng Fly (của họa sỹ truyện tranh Bùi Đình Thăng) đã xuất hiện thông tin tố cáo chương trình Quà tặng cuộc sống đã ăn cắp nội dung kịch bản phim “Ba tôi”. Ngay sau đó, công ty CP Truyền thông Sunrise (Sunrise Media - đơn vị sản xuất nội dung chương trình Quà tặng cuộc sống, phát sóng hàng ngày trên VTV3) đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. Cả Sunrise Media và Thăng Fly đều công bố sẽ đề nghị cơ quan chức năng xác minh xem tác giả thật sự của truyền ngắn “Ba tôi” là ai, tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn chưa được hạ hồi phân giải.
Sau khi Thăng Fly lên tố cáo VTV và Sunrise Media vi phạm bản quyền, ông Phạm Văn Ba (bút danh Phạm Tử Văn, Tử Văn) cũng lên tiếng tố cáo 3 truyện ngắn: Nhành hoa dại cho cha, Chuyện của quạ con, Chữ hiếu thầy dạy tôi của tác giả này đã được chuyển thể thành phim ngắn, phát trong hai chương trình Quà tặng cuộc sống và Khoảnh khắc kỳ diệu, nhưng tên tác giả không được ghi trong phần Ending (kết thúc chương trình) và chậm thanh toán nhuận bút.
Ba tác phẩm nói trên do ông Ba gửi dự thi sáng tác truyện ngắn cho chương trình Quà tặng cuộc sống năm 2010 do Sunrise Media tổ chức. Theo Thể lệ cuộc thi này, những tác phẩm nào được sử dụng để chuyển thể thành phim và được phát sóng, tác giả sẽ được thanh toán nhuận bút.
Chiều ngày 10/7, Sunrise Media đã gửi văn bản đến giới báo chí giải thích nguyên nhân chậm thanh toán nhuận bút cho một số tác giả có tác phẩm dự thi sáng tác truyện ngắn trong chương trình Quà tặng cuộc sống năm 2010. Nguyên nhân, Sunrise Media gặp khó khăn trong việc liên lạc với tác giả có các tác phẩm dự thi do không có địa chỉ liên lạc rõ ràng, hoặc có sai lệch thông tin cá nhân trong quá trình nhập dữ liệu.
Sunrise Media thừa nhận "trong quá trình dàn dựng đã có thiếu sót dẫn đến việc không ghi tên tác giả ở phần Ending (kết thúc chương trình)". Sunrise Media đã chính thức gửi lời xin lỗi tới tác giả Phạm Văn Ba, đồng thời Sunrise Media cũng hứa sẽ tìm cách liên lạc với các tác giả khác có tác phẩm đã được chuyển thể thành phim để thanh toán nhuận bút.
Hôm 1/5/2015, truyền thông đã phản ánh việc, trong phóng sự phát trên VTV1 ngày 30/4, chương trình Chuyển động 24h đã sử dụng cảnh quay cầu Hiền Lương từ trên cao của tác giả Bùi Minh Tuấn, nhưng không xin phép.
Những cảnh quay rất đẹp từ trên cao được quay bằng flycam của anh Tuấn đã được đăng tải trên Youtube từ tháng 11/2014. Ngoài ra, chương trình cũng sử dụng một số hình ảnh khác, cũng của Bùi Minh Tuấn, vừa đăng tải hôm 26/4/2015. Điều đáng nói là các dòng chữ bản quyền trên clip của anh Tuấn "Copyright by Yamaha Trung Ta" đã bị VTV cắt đi cũng như chẳng hề đề cập đến tác giả là anh Tuấn. Sau khi anh Tuấn lên tiếng, VTV đã cử người liên hệ lại với anh và hứa sẽ ghi chú nguồn tư liệu. Hiện video clip phóng sự do Chuyển động 24h đưa lên YouTube đã bị xóa bỏ với ghi chú cho biết video bị xóa bỏ vì vi phạm bản quyền.
Tại Hội thảo quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 9/2014, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Việt Nam đã thẳng thắn lên tiếng về việc, 2 doanh nghiệp truyền hình trả tiền trực thuộc VTV là VTVcab, SCTV vẫn chưa chịu trả tiền bản quyền tác giả các tác phẩm âm nhạc phát sóng trên các kênh sóng truyền hình trả tiền. Trong khi đó, đơn vị chủ quản là VTV cũng chưa có sự chỉ đạo các đơn vị truyền hình cáp về vấn đề quyền tác giả. Đề nghị các đơn vị truyền hình cáp cần lưu tâm đến vẫn đề quyền tác giả, không chỉ trong nước mà cả bản quyền quốc tế nữa.
“Không ở đâu phức tạp bằng giải quyết bản quyền trên truyền hình, vi phạm diễn ra ở khắp các lĩnh vực từ văn học, âm nhạc, phim ảnh, game show. Các nhà cung cấp truyền hình trả tiền vừa vi phạm bản quyền, nhưng chính các đài truyền hình lại là chủ sở hữu quyền để ngăn chặn các đơn vị khác xâm phạm bản quyền, đặc biệt là vi phạm trên Internet”, ông Phương nói.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương còn cho biết: “Chúng tôi phải cử nhân viên ngồi xem tất cả các kênh truyền hình hằng ngày để ghi nhận lại những nội dung âm nhạc được phát sóng. Dù có cố gắng lắm cũng chỉ có thể kiểm soát được các kênh của VTV, tức là chỉ 2% tổng số chương trình và các kênh phát sóng”.
Trước đó, VTV bị tố vi phạm bản quyền nhất là ở các chương trình gameshow. Như chương trình The Voice mùa thứ nhất là ca khúc “Nơi tình yêu bắt đầu” qua phần thể hiện của Bùi Anh Tuấn, bị tố “hát chùa”. Cả ca sĩ lẫn ban tổ chức đều không xin phép tác giả khi trình diễn ca khúc này trên sóng truyền hình.
The Voice mùa thứ 2 lại vô tư lặp lại vi phạm này với ca khúc “Chạy mưa” và “Những ngày yêu như mơ”. Vietnam Idol 2013 bị tố “xài chùa” ca khúc “Nơi ấy bình yên” được độc quyền bởi ca sĩ Thảo Trang. Trước đó, cũng trong cuộc thi Vietnam Idol, thí sinh Uyên Linh sử dụng ca khúc “Đường cong” độc quyền của Thu Minh để dự thi dấy lên những lùm xùm về vấn đề tác quyền âm nhạc.
Theo Ictnews