VPBank “nâng tầm” mảng kinh doanh bảo hiểm, mục tiêu lọt Top 3 thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Song song với hoạt động sáp nhập một công ty chứng khoán, phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ giúp VPBank xây dựng được một hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh, mở rộng tệp khách hàng, tăng cường bán chéo.
Nền móng vững chắc về vốn và kinh nghiệm sẽ là điều kiện tốt giúp VPBank dành lợi thế trong lĩnh vực bảo hiểm
Nền móng vững chắc về vốn và kinh nghiệm sẽ là điều kiện tốt giúp VPBank dành lợi thế trong lĩnh vực bảo hiểm

Cơ hội lớn

Theo một thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 10% dân số. Tới năm 2025, tỷ lệ này ước tính có thể tăng lên 15%. Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam dao động quanh mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức xấp xỉ 10% tại các thị trường phát triển. Phí bảo hiểm bình quân đầu người cũng ở mức thấp, khoảng 75 USD so với con số hơn 4.600 USD tại các thị trường phát triển.

Trước dư địa lớn của thị trường như vậy, VPBank không che giấu tham vọng đưa mảng kinh doanh này lọt vào Top 3 tăng trưởng bền vững, thậm chí chiếm vị trí Top 1 về doanh thu toàn ngành trong năm 2022 và 2023, như chia sẻ của ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân VPBank, tại cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh quý I. Kết thúc quý I, VPBank là ngân hàng đang ở vị trí thứ 6 về doanh số bán bảo hiểm nhân thọ.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, một thoả thuận gia hạn hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng giữa VPBank và AIA đã được nâng lên thành 19 năm, từ 15 năm theo dự định ban đầu, trong quý I vừa qua. VPBank, theo đó, sẽ triển khai mô hình phân phối và may đo sản phẩm theo phân khúc khách hàng, phục vụ từ nhóm khách hàng trung lưu, cận trung lưu, tới thượng lưu và hộ gia đình.

Theo ông Khương, từ quý III/2022, VPBank sẽ chuyển đổi mô hình bán hàng từ giới thiệu khách hàng sang mô hình bán trực tiếp, và bắt đầu áp dụng từ đầu năm sau. Mô hình mới được kỳ vọng sẽ mang tới kết quả kinh doanh tốt hơn và trải nghiệm khách hàng trọn vẹn hơn, khi tính chất đặc thù của sản phẩm bảo hiểm đòi hỏi dịch vụ chăm sóc và tư vấn khách hàng trực tiếp.

Ngay sau khi công bố gia hạn hợp đồng cùng AIA Việt Nam từ 15 năm lên 19 năm, VPBank tiếp tục gây bất ngờ với một kế hoạch tham vọng khác để mở rộng sự hiện diện trong mảng kinh doanh bảo hiểm. Ngân hàng dự kiến sẽ mua 100%, hoặc trên 90%, cổ phần của công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES. Ban lãnh đạo VPBank cho biết, quyết định sáp nhập công ty bảo hiểm OPES là một trong những bước đi mở rộng hệ sinh thái tài chính của ngân hàng nhằm mở rộng tệp khách hàng và tăng tỷ trọng doanh thu.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc thường trực của VPBank, nhấn mạnh rằng, nền móng vững chắc về vốn và kinh nghiệm sẽ là điều kiện tốt giúp ngân hàng nhanh chóng dành lợi thế của mình trong lĩnh vực bảo hiểm cũng như những lĩnh vực kinh doanh khác. Đại diện ngân hàng khẳng định việc thâu tóm OPES sẽ không mâu thuẫn với thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền giữa VPBank và AIA Việt Nam. Thực tế, sự kết hợp giữa OPES và thỏa thuận với AIA Việt Nam sẽ giúp VPBank mở rộng hoạt động kinh doanh ở tất cả các phân khúc bảo hiểm, gồm cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đang có nhiều dư địa tăng trưởng.

Lợi ích lâu bền

Không ngạc nhiên khi VPBank đặt cược lớn vào mảng bảo hiểm, khi hoạt động kinh doanh này đóng góp không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận hàng năm.

Tập trung khai thác thoả thuận phân phối bảo hiểm độc quyền, VPBank có thể bỏ túi khoản phí hỗ trợ ban đầu từ AIA, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, bên cạnh nguồn thu phí hoa hồng bán bảo hiểm và phí thưởng từ thoả thuận độc quyền hàng năm.

Khoản thưởng ước tính sẽ còn lớn hơn cả phần phí hoa hồng. Theo báo cáo tài chính của VPBank, trong năm 2021, doanh thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ đại lý bảo hiểm đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Theo bề dày hợp tác độc quyền giữa ngân hàng và bảo hiểm, tổng số phí hoa hồng và thưởng ngân hàng được hưởng có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng - một con số không hề nhỏ và có tính ổn định trong nhiều năm. Và nếu kết sáp nhập thành công OPES, doanh thu của ngân hàng sẽ được đẩy mạnh hơn nhờ các hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.

Bên cạnh lợi ích lâu dài về tài chính, thỏa thuận phân phối độc quyền cũng mang đến những lợi ích phi tài chính có vai trò quan trọng không kém. Theo đó, phân phối sản phẩm bảo hiểm sẽ đưa ngân hàng trở thành một tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Sự gắn kết giữa khách hàng và ngân hàng cũng được lâu dài hơn, do một hợp đồng bảo hiểm thường có thời hạn dài từ 10-15 năm, từ đó khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn.