Vớt hơn 100 tấn cá chết tại Hồ Tây, tổng kiểm tra hiện trạng các hồ tại Hà Nội

VietTimes -- Chiều 3/10, đã có gần 108,6 tấn cá chết ở Hồ Tây đã được vớt và đưa đi xử lý tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) . Cùng lúc, Thủ tướng đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ cá chết và Hà Nội cũng tổ chức tổng kiểm tra các hồ trên địa bàn thành phố
Hơn 100 tấn cá chết tại Hồ Tây đã được thu vớt, đưa đi xử lý.
Hơn 100 tấn cá chết tại Hồ Tây đã được thu vớt, đưa đi xử lý.

Gần 108,6 tấn cá được tiêu hủy

Ngay sau khi các đơn vị tập trung vớt phần lớn lượng cá chết nổi trên Hồ Tây, UBND TP Hà Nội đã dùng 4,5 tấn chế phẩm Redoxy- 3C rải trên khu vực cá chết bất thường để khử độc, làm sạch mặt nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp đến thị sát, đôn đốc công tác thu dọn, vệ sinh mặt nước Hồ Tây.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp đến thị sát, đôn đốc công tác thu dọn, vệ sinh mặt nước Hồ Tây.

Cùng với đó, trưa ngày 3/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp đến thị sát, đôn đốc công tác thu dọn, vệ sinh mặt nước Hồ Tây. Về cơ bản đến chiều ngày 3/10, lượng cá chết đã được thu vớt, đưa đi xử lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều xác cá nhỏ trôi nổi rải rác tại nhiều nơi.

Đồng thời, ngày 3/10, UBND TP đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND về tăng cường công tác kiểm tra quản lý các hồ nước trên địa bàn thành phố. Để đảm bảo an toàn tại các hồ nước trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã, Công ty TNHH MTV MTĐT Hà Nội (URENCO), Công ty MTV thoát nước Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn.

Tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại nơi sinh hoạt. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hồ nước trên địa bàn. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường phải thực hiện các phương án xử lý ngay và báo cáo UBND TP để kịp thời chỉ đạo.

Thanh niên tình nguyện tập chung vớt cá chết.
Thanh niên tình nguyện tập trung vớt cá chết.
Về cơ bản lượng cá chết đã được thu vớt, đưa đi xử lý.
Về cơ bản lượng cá chết đã được thu vớt, đưa đi xử lý.

Nguyên nhân cá chết do thiếu oxy là vô lý

 Liên quan đến việc lấy mẫu cá và nước Hồ Tây đi kiểm nghiệm để tìm ra nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Chi cục đã lấy mẫu cá chết và mẫu nước tại Hồ Tây để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác khiến cá Hồ Tây bị chết hàng loạt những ngày qua.

Cùng ngày, Thủ tướng chính phủ có chỉ đạo, yêu cầu Hà Nội sớm làm rõ nguyên nhân cá Hồ Tây chết bất thường

Theo văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, UBND thành phố Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.

Nhận định vấn đề cá chết hàng loạt tại Hồ Tây, GS.TS Mai Đình Yên, Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về các loài cá cho biết, mặt Hồ Tây rất thoáng, nếu nói cá chết do thiếu oxy là vô lý. Hồ Tây có bị ô nhiễm, nhưng mức độ là rất thấp không thể khiến cá chết hàng loạt như thế này được.

"Khi chưa có kết quả kiểm nghiệm chính thức từ cơ quan chức năng thì tất cả chỉ là phỏng đoán, tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng bị đổ trộm chất thải... Ngoài ra, nguyên nhân do tảo nở hoa cũng có thể lắm?", GS.TS Mai Đình Yên nhận định.

Viện sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường (Bộ Y Tế) lấy mẫu nước để kiểm nghiệm.
Viện sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường (Bộ Y Tế) lấy mẫu nước để kiểm nghiệm.

Trong khi đó, một trong những chuyên gia đầu ngành về thủy sản, TS Bùi Quang Tề nhận định, hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây những ngày qua là do nhiều nguyên nhân gộp lại. Nhưng nguyên nhân lớn nhất có thể là do nước trong Hồ Tây đã bị ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép. Mà nguồn ô nhiễm hữu cơ chủ yếu xuất phát từ nước thải sinh hoạt của các hộ dân, các khu đô thị lớn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí ven Hồ Tây đổ thẳng vào hồ.

“Lượng nước thải hữu cơ đổ vào quá lớn sẽ khiến hàm lượng NH3 tăng cao, dẫn đến giảm hàm lượng ô xy trong nước. Việc thiếu ô xy chính là nguyên nhân khiến cá chết. Cũng có thể xét đến hiện tượng tảo nở hoa nhưng tôi cho rằng, thiếu ô xy  để phân hủy các chất hữu cơ là nguyên nhân là chính”, TS. Bùi Quang Tề phân tích.

Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải thì cho rằng, các nhà khoa học và cơ quan chức năng nên chú trọng xem xét, điều tra các yếu tố về môi trường, có thể loại trừ khả năng tác động của thời tiết khiến cá chết hàng loạt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao nhiệm vụ cho Sở Y tế Hà Nội tập trung các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch sau sự cố cá chết tại khu vực Hồ Tây. Cử 10 đội phòng chống dịch cơ động với đầy đủ các phương tiện, máy móc, hóa chất, nguồn lực cùng các lực lượng TP tập trung phun thuốc khử khuẩn cá chết. Tiến hành điều tra dịch tễ học, lấy mẫu xét nghiệm nước Hồ Tây và các hồ, nguồn nước lân cận tìm nguyên nhân cá chết. Giao Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cử 2 đội cấp cứu thường trực 24/24 giờ, phục vụ công tác xử lý xác cá, ô nhiễm trong khu vực.