Vốn FDI giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, phục hồi về mặt bằng năm 2019

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Báo cáo “Dữ liệu vĩ mô Việt Nam tháng 10/2020” của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi trong tháng 10/2020. Dòng vốn FDI cho dấu hiệu tích cực hơn.

Biểu đồ vốn FDI giải ngân (Nguồn: SSI, Tổng cục Thống kê, Bộ KHĐT)

Biểu đồ vốn FDI giải ngân (Nguồn: SSI, Tổng cục Thống kê, Bộ KHĐT)

Cụ thể, vốn FDI đăng ký trong tháng 10/2020 đạt 1,89 tỉ USD, cao gấp hơn 2 lần so với tháng trước, qua đó nâng tổng giá trị FDI đăng ký từ đầu năm đến nay lên đạt 17,37 tỉ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Mặt khác, vốn FDI giải ngân cũng phục hồi dần về mặt bằng năm 2019, với luỹ kế đạt 15,8 tỉ USD, giảm nhẹ 2,5%.

Trong các lĩnh vực thu hút dòng vốn FDI, ngành chế biến chế tạo nhận được lượng vốn cao nhất với tỷ trọng 45,7% vốn đăng ký, tiếp theo là năng lượng (20,5%), bất động sản (15%), và bán lẻ (5,8%).

Bên cạnh đó, dữ liệu SSI còn cho thấy xu hướng tiếp tục phục hồi của hầu hết các ngành chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 10/2020 tăng 5,4%, cao gấp đôi mức tăng trưởng của 10 tháng đầu năm là 2,7%. Trong đó, ngành chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính với mức tăng trong tháng 10 đạt 8,3%.

Bên cạnh đó, một số ngành khác cũng có mức tăng trưởng mạnh như sản xuất thuốc (tăng 25,3%), sản xuất kim loại (tăng 15,2%), sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 16,8%).

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiếp tục phục hồi với mức tăng cao nhất kể từ tháng 2. Tháng 10/2020, chỉ số này tăng 6,12% so với cùng kỳ năm ngoái, tính chung 10 tháng đầu năm tăng trưởng 1,27%. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ loại trừ lạm phát vẫn giảm 3% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, qua đó giúp CPI 10 tháng chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm.

Tháng 10/2020, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng tích cực với mức tăng lần lượt là 9,9% và 10,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ đó, nhập khẩu luỹ kế 10 tháng đã quay về mức tăng trưởng dương với mức tăng 0,4%, trong khi xuất khẩu đạt mức tăng 4,7%.

Cụ thể hơn, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 10 với mức tăng 24%, thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng 14%, trong khi EU giảm 3%, Asean giảm 11,6%, Hàn Quốc giảm 2,6% và Nhật Bản giảm 7%.

Thặng dư thương mại trong tháng 10/2020 đạt khoảng 2,2 tỉ USD, nâng luỹ kế 10 tháng lên mức kỷ lục với 18,72 tỉ USD./.