"Với 60-70% dân số VN là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc CĐS"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn sáng 18/6.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Mic
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Mic

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Chuyển đổi số (CĐS) thì những nơi đi sau lại có thể đi trước, và vì thế mà CĐS có thể giúp thay đổi vị thế, thứ hạng. CĐS thì ai đi trước, người đó có nhiều cơ hội hơn. CĐS thì chỗ nào, nơi nào, việc nào nhiều khó khăn nhất và là khó khăn kéo dài thì chỗ đó, nơi đó, việc đó sẽ hiệu quả nhất, dễ thành công nhất.

CĐS giải quyết việc lớn dễ hơn là giải quyết việc nhỏ, giải quyết việc khó thì dễ hơn là giải quyết việc dễ. Lực cản CĐS của một tổ chức thì chủ yếu là ở người đứng đầu chứ không phải ở nhân viên, vì nhân viên và đối tượng phục vụ của tổ chức đó luôn được hưởng lợi từ CĐS.

Bộ trưởng Hùng chỉ ra một loạt khó khăn của người nông dân cần tháo gỡ mà không gì khác chính là CĐS: "Khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng, vì thế giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn. Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu, và vì thế mà giá rất thấp. Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không. Khó khăn của người nông dân là quả chuối ngàn đời vẫn là quả chuối và do vậy mà giá không tăng được, nhưng những sản phẩm khác thì đổi mới không ngừng với những chất lượng mới và do vậy mà giá tăng lên…"

Từ đó người đứng đầu Bộ TT&TT đã nói lên vai trò của CĐS có tác động trực tiếp trong việc giải quyết khó khăn cho người nông dân:” Mùa vải năm nay, sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò đã kết nối hàng triệu hộ gia đình và hàng trăm ngàn hộ gia đình đã mua được quả vải tươi. Nhiều người ở Cà Mau, ở Đà Lạt cả đời chưa được ăn quả vải Bắc Giang vì chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đặt hàng để quả vải tươi về đến nhà mình. Năm nay thì đã khác, trên 25 triệu hộ gia đình Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất này, đều có thể mua cân vải và nhận quả vải tươi sau nhiều nhất là 48 tiếng. Dự kiến năm nay, trên 8.000 tấn vải sẽ được tiêu thụ trên các sàn này để đến tận tay người tiêu dùng. 8.000 tấn thì mới là 4-5% sản lượng vải, nhưng những năm trước là chưa từng có. Một khởi đầu như vậy đã tạo ra một niềm tin về sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân, và sau quả vải này sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán thì chỉ cuối năm nay thôi sẽ là hàng chục triệu”.

Nói về sự đồng hành của Bộ TT&TT trong quá trình chuyển đổi số đối với người nông dân, Bộ trưởng Hùng chia sẻ: “ Bộ TT&TT cũng đưa ra danh sách một số ứng dụng CĐS nông nghiệp mà các nước đã làm thành công, một số ứng dụng Việt Nam đã bước đầu đưa vào áp dụng thành công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. CĐS là quá trình học hỏi. Có một cách làm CĐS hiệu quả là xem các nước khác đã áp dụng cái gì và thế nào một cách thành công rồi từ đó áp dụng cho Việt Nam. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó đoán định thì sẽ không ai dám nhận mình là người giỏi nhất. Nhưng người biết ai giỏi nhất cái gì lại sẽ là người giỏi nhất. Đó là người học hỏi. Người học hỏi giỏi nhất là người vừa biết và vừa không biết. Tức là người biết nhưng sẵn sàng nhận thức lại cái mình đã biết. Bộ NN&PTNT cùng với Bộ TT&TT sẽ hợp tác thành một cặp vừa biết vừa không biết để trở thành xuất sắc trong CĐS nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.

Bộ trưởng Hùng phân tích: “Vì CĐS thì ứng dụng quan trọng hơn công nghệ. Người ứng dụng quan trọng hơn người làm ra công nghệ. Không có người đi tiên phong ứng dụng công nghệ thì không có công nghệ. Với công nghệ số thì càng ứng dụng nhiều công nghệ sẽ càng thông minh, càng nhiều người dùng thì giá càng rẻ. Vậy là làm cho công nghệ số thông minh lên và giá rẻ đi là do nhiều người ứng dụng. Với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc CĐS Việt Nam”.