Vợ chồng đại gia chịu đựng nỗi đau mất hai ngàn tỷ

Hàng loạt các doanh nhân giàu có trên sàn chứng khoán bất ngờ mất cả nghìn tỷ đồng trong một khoảng thời gian ngắn. Không ít đại gia đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để chặn đà giảm giá cổ phiếu nhưng không dễ như ý.
Bầu Đức đổ tiền vào chăn nuôi
Bầu Đức đổ tiền vào chăn nuôi

Bốc hơi nghìn tỷ

Chỉ quay đầu tăng điểm được 2 phiên hồi đầu tháng, giá cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di Động tiếp tục đà đi xuống trong những phiên gần đây.

Kể từ cuối tháng 3/2015 cho tới nay, cổ phiếu MWG của ông chủ Nguyễn Đức Tài đã giảm khoảng 35%, từ mức 114.000 đồng/cp xuống còn 74.000 đồng/cp, về gần với mức giá tham chiếu mà cổ phiếu này chào sàn hồi giữa tháng 7 năm ngoái, 68.000 đồng/cp.

Với gần 140 triệu cổ phiếu, vốn hóa thị trường của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động trong khoảng 2,5 tháng qua đã bốc hơi khoảng 5.600 tỷ đồng.

Vợ chồng đại gia chịu đựng nỗi đau mất hai ngàn tỷ ảnh 1
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức

Trực tiếp sở hữu 2,85 triệu cổ phiếu MWG và “giấu” tài sản ở Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ - DN hiện đang nắm giữ hơn 19,3 triệu cổ phiếu MWG (tương đương 13,8%), ông Tài đã chứng kiến túi tiền của mình bốc hơi 5-7 trăm tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn.

Đại gia từng vượt qua các tên tuổi lừng lẫy như Trương Gia Bình, Hồ Hùng Anh, Trần Kim Thành, Đặng Thành Tâm... dù không muốn hiện diện trong tốp những người giàu nhất trên TTCK nhưng chắc chắn không vui vẻ khi giá cổ phiếu giảm mạnh như vậy.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Nguyễn Đức Tài, đại gia lâu năm trên sàn chứng khoán, ông Trần Đình Long, người xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng đã chứng kiến cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm từ 35.000 đồng/cp hồi cuối tháng 2 về 25.000 đồng/cp hồi đầu tháng 6, tương đương mất gần 30%.

Ông Long hiện nắm giữ hơn 174 triệu cổ phiếu HPG, tương đương hơn 23% cổ phần của Tập đoàn Hòa Phát. Với việc cổ phiếu này giảm khoảng 10.000 đồng/cp trong vòng 3 tháng qua, túi tiền của ông Long bốc hơi hơn 1.700 tỷ đồng. Vợ ông Long, bà Vũ Thị Hiền, đang nắm giữ hơn 53 triệu cổ phiếu, cũng mất khoảng 530 tỷ đồng. Như vậy, cả hai vợ chồng ông Long đã mất đi hơn 2200 tỷ đồng giá trị cổ phiếu

Cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) giảm gần 20% kể từ đầu năm đến nay, bào mòn gần 1.500 tỷ đồng túi tiền của đại gia phố núi, người nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK.

Không ít các cổ đông nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu của các tập đoàn nói trên đã chứng kiến tài sản của mình bốc hơi hàng trăm tỷ đồng.

DN bất thường hay thị trường suy yếu?

Trái ngược với diễn biến không mấy sáng sủa của một số cổ phiếu nói trên, TTCK trong 2 tuần qua khá sôi động. Sau khi rớt về gần 530 điểm, VN-Index đã tăng mạnh trở lại và hiện vẫn đang trụ trên ngưỡng 580 điểm. Điểm nổi bật của thị trường trong thời gian gần đây là giao dịch sôi động với nhiều phiên lên đến 4.000 tỷ đồng được chuyển nhượng. Thị trường khởi sắc khiến không ít các cổ đông của HAG, HPG, MWG sốt ruột.

Ông Nguyễn Hoàng, một NĐT trên sàn SSI băn khoăn về sự hồi phục chậm chạm của cổ phiếu HAG. Theo NĐT này, HAG hồi phục không đáng kể cho dù chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã bỏ ra gần 100 tỷ để mua 5 triệu cổ phiếu HAG với mục đích đầu tư dài hạn.

Vợ chồng đại gia chịu đựng nỗi đau mất hai ngàn tỷ ảnh 2
Ông Trần Đình Long

Hoàng Anh Gia Lai cũng đã có kế hoạch bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để gom 10 cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 10/6 đến 9/7. Các tin đồn thất thiệt về khối nợ khổng lồ của HAG đã qua đi nhưng cổ phiếu này vẫn chưa hồi phục và không theo kịp được đà tăng của TTCK.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng đã công bố thông tin đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu công ty nhằm tăng tỷ lệ sở hữu từ 23,78% (174,3 triệu cổ phiếu) lên 25,15% (184,3 triệu cổ phiếu). Ước tính đại gia này sẽ phải bỏ ra khoảng 270 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu đã đăng ký. VOF Investments cũng đã đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 6,09% (29,77 triệu cổ phiếu).

Trên thực tế, tiềm năng của nhiều DN trên sàn rất lớn. MWG thuộc tốp đầu trên thị trường bán lẻ điện thoại di động. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm và số tiền người Việt chi ra mỗi năm khoảng 2 tỷ USD để mua điện thoại.

HAG của bầu Đức sở hữu khối tài sản khổng lồ ở trong và ngoài nước. Cả trăm nghìn hectare đất trồng cao su, mía, cọ… cũng đã phần nào cho thấy được tiềm năng to lớn của DN này. Hay như vị trí đứng đầu ngành thép của Hòa Phát đã minh chứng được sức hút của cổ phiếu HPG.

Mặc dù vậy, TTCK nhiều khi khó đoán. Gần đây, nhiều NĐT tỏ ý lo ngại về khả năng cạnh tranh của Hòa Phát trong bối cảnh thế mạnh của tập đoàn này nằm ở các mỏ quặng trong nước đã không được khai thác. Cũng giống như nhiều DN ngành thép đang vật lộn với khó khăn khác, từ đầu năm tới nay HPG đã đẩy mạnh nhập quặng về để sản xuất. Lượng cung trong nước vượt cầu cũng là một khó khăn. Quyết định chuyển hướng thêm sang mảng nông nghiệp, sản xuất thức ăn gia súc khiến không ít NĐT lo ngại về triển vọng dài hạn của DN này.

HAG của bầu Đức chưa hề dính nợ xấu. Tuy nhiên, những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng và những khoản trái phiếu chuyển đổi trị giá cũng hàng nghìn tỷ đồng khiến nhiều NĐT tỏ ra lo ngại. Những cú phát hành cổ phiếu các loại ồ ạt của MWG khiến nhiều người lo lắng.

Hàng loạt các báo cáo trong và ngoài nước gần đây đều khẳng định, giá cổ phiếu Việt đang ở mức hấp dẫn so với khu vực. Rất nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, trả cổ tức đều đặn, P/E thấp và giá chỉ loanh quanh 10.000 đồng/cp. Lựa chọn tốt là khá nhiều và không ít người đã từ bỏ những lựa chọn mang tính dài lâu mà độ chắc chắn chưa thực sự cao.

Theo VNN