VNM: Sau phiên đấu giá thất bại, F&N tiếp tục đăng ký mua thêm 1,5% cổ phần

VietTimes – Trước sự cạnh tranh quyết liệt từ JC&C, tập đoàn F&N dường như đã chấp nhận một mức giá cao hơn dành cho Vinamilk. Tuy nhiên, xét về giá vốn bình quân của cổ phiếu này, F&N vẫn được hưởng lợi quá nhiều từ “đối thủ” mới. 
Ảnh minh họa (Nguồn: VNM)
Ảnh minh họa (Nguồn: VNM)

Công ty F&N Dairy Investments PTE. LDT (F&N Dairy) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE: VNM) diễn ra từ ngày 06/11 – 05/12/2017.

Cụ thể, F&N Dairy đã mua vào 4.739.540 cổ phiếu (đạt 21%) trên tổng số 21.769.846 cổ phiếu đã đăng ký. Lý do mà F&N Dairy đưa ra cho việc không mua hết số lượng cổ phiếu đã đăng ký là do “Điều kiện thị trường không phù hợp và đấu giá không thành công”.

Có thể thấy nhà đầu tư này cũng đã rất quan tâm tới phiên đấu giá của SCIC bán 3,33% vốn cổ phần tại VNM diễn ra vào ngày 10/11/2017 vừa qua.

Với số lượng cổ phần mua thêm, F&N Dairy hiện đang nắm giữ 16,36% cổ phần tại VNM, nâng tỷ lệ nắm giữ của tập đoàn mẹ Fraser and Neave (F&N) lên mức 19,06%.

F&N Dairy cũng tỏ ra rất kiên trì với việc đầu tư vào VNM khi tiếp tục đăng ký mua vào 21.769.846 cổ phần, tương ứng với 1,5% vốn điều lệ của VNM nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 17,86%.

Phương thức thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận và giao dịch khớp lệnh qua sàn. Thời gian dự kiến từ ngày 08/12/2017 đến ngày 05/01/2018.

VNM: Sau phiên đấu giá thất bại, F&N tiếp tục đăng ký mua thêm 1,5% cổ phần ảnh 1

Cơ cấu cổ đông VNM theo các tài liệu Vinamilk công bố tại ngày 06/12/2017 (Ảnh: P.D

Với tỷ lệ cơ cấu cổ đông hiện tại, F&N và Platinum Victory Pte. Ltd (PVPL) cũng khó lòng trông chờ việc SCIC tiếp tục chào bán tiếp cổ phần trong thời gian ngắn sắp tới, do đơn vị này hiện nắm giữ 36% vốn điều lệ, mức tối thiểu để vẫn còn giữ vị thế quyền lực quan trọng trong VNM. Vì vậy, nếu muốn gia tăng tầm ảnh hưởng của mình tại VNM thì cách nhanh nhất vẫn là giao dịch mua qua thị trường chứng khoán.

Kể cả với mức giá đóng cửa ngày 06/12/2017 của VNM trên thị trường là 195.000 đồng/cổ phần thì chi phí vốn bình quân của F&N sau khi mua thêm vẫn là khá rẻ do đã đầu tư từ lâu vào VNM, chưa kể tới việc giá đã điều chỉnh và hưởng cổ tức trong suốt nhiều năm đầu tư vào VNM. Do đó, với vị thế là cổ đông lớn thứ 2 sau SCIC, F&N vẫn có quyền “đủng đỉnh” mua gom cổ phiếu VNM nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược dài hạn của mình.

Về phần mình, tập đoàn Jardine Cycle & Carraiage (JC&C) đã thông qua công ty con là Platinum Victory Pte. Ltd (PVPL) liên tiếp mua vào cổ phiếu VNM để nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 10,03% khá nhanh chóng qua đấu giá và giao dịch trên sàn chứng khoán. Hiện tập đoàn này vẫn đang để ngỏ khả năng mua thêm sẽ khiến cho cuộc đua giữa 02 doanh nghiệp ngoại này tại VNM trở nên hấp dẫn trong thời gian tới.

Để VNM có được mức tăng giá 30% chỉ trong vòng 01 tháng, so với lần trúng giá thành công gần nhất vào tháng 12/2016 (chưa tính cổ tức) F&N cũng phải “cảm ơn” hoạt động đầu tư mạnh tay của tập đoàn đến từ Singapore này.