Vinamilk: 'Người khổng lồ' gửi nhà băng và vay nợ ngàn tỷ

Mặt bằng lãi suất liên tục được kéo thấp nhưng Vinamilk vẫn tích cực mang hàng nghìn tỷ nhàn rỗi đi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Nhưng mặt khác, người khổng lồ ngành sữa Việt Nam cũng đi vay cả ngàn tỷ đồng...
Nữ tướng của Vinamilk Mai Kiều Liên
Nữ tướng của Vinamilk Mai Kiều Liên

“Cây đa, cây đề” trong làng sữa Việt

Theo số liệu công bố mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường uy tín Nielsen (là một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu toàn cầu về thông tin và đo lường các hành vi của người tiêu dùng với trụ sở đặt tại New York, Hoa Kỳ và hiện đang hoạt động trên 100 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam) về thị trường sữa tươi ở Việt Nam: Sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng bán ra lẫn doanh số bán ra trong phân khúc nhóm các nhãn hiệu sữa tươi.

Đây là kết quả được Nielsen thực hiện trên 36 thành phố, theo thị phần doanh thu và sản lượng của phân khúc nhóm các nhãn hiệu sữa tươi trong ngành hàng sản phẩm sữa nước từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2014.

Bà Mai Kiều Liên trong một hoạt động xã hội từ thiện
Bà Mai Kiều Liên trong một hoạt động xã hội từ thiện

Như vậy, bất chấp cuộc chiến thị phần đang ngày thêm nóng bỏng với sự góp mặt của hàng loạt “tay chơi lớn” trong nước và thế giới, Vinamilk vẫn tiếp tục khẳng định vị thế “cây đa, cây đề” trên thị trường sữa nước Việt Nam. Gần đây nhất, cùng với “tứ đại gia” FPT, Vietcombank, Vingroup và PetroVietnam Gas, Vinamilk cũng vinh dự trở thành 5 doanh nghiệp Việt hiếm hoi được Tạp chí Nikkei Asian Review đưa vào danh sách đáng được theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên tại khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá về thương hiệu nổi tiếng với slogan “Vươn cao Việt Nam”,  Nikkei Asian Review cho biết: “Vinamilk là hãng sữa lớn nhất Việt Nam, có sản phẩm đa dạng và chiếm khoảng 50% thị phần trong nước”.

Hay trước đó, theo một khảo sát được công bố vào cuối năm 2013 của Kantar World Panel, trung bình cứ 100 gia đình Việt Nam thì có tới 94 gia đình sử dụng ít nhất một sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk.

 Với tham vọng trở thành một trong 50 doanh nghiệp chế bến sữa lớn nhất thế giới và đề ra mục tiêu doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017, “anh cả” sinh năm 1976 của ngành sữa Việt Nam đã liên tiếp mở 2 siêu nhà máy ở Bình Dương với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2013 – 2014. Không dừng lại ở thị trường trong nước, hãng cũng tăng hiện diện ở nước ngoài bằng việc đầu tư thêm cho hai nhà máy ở Mỹ và New Zealand, đồng thời xây dựng cơ sở mới tại Campuchia. Tiếp đó, Vinamilk cũng đã rót hơn 1.600 tỷ đồng cho các trang trại bò sữa công nghệ cao của Thụy Điển và Mỹ, nhằm nội địa hóa 40% nguyên liệu đầu vào năm 2016.

Ngoài đầu tư dự án mới, Vinamilk cũng rất thành công trong việc đầu tư và vận hành một loạt dự án đã được đầu tư trước đó. Tại Mỹ, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết để mua 70% cổ phần của Nhà máy sữa Driftwood, dự án Driftwood đã chính thức khai thác một cách hiệu quả  khi có sự điều hành của Vinamilk. Driftwood là một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất tại California (Mỹ) và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học theo chương trình sữa học đường của Los Angeles thuộc bang California. “Vươn cao Việt Nam” đã vươn rộng khắp địa cầu khi mà sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt tại hơn 31 nước trên thế giới.

Không ngừng mở rộng thị trường, chiếm lĩnh thị phần, Vinamilk liên tục xuất quỹ những khoản tiền nghìn tỷ để đầu tư các dự án kinh doanh mới. Tuy nhiên, quan sát Báo cáo tài chính gần nhất của Vinamilk (Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho giai đoạn chín tháng kết thúc ngày 30/09/2014) dẫu đã rất tích cực đầu tư thì “ông lớn” ngành sữa vẫn còn đang dư dả rất nhiều tiền.

Dư nghìn tỷ gửi tiết kiệm nhà băng

Nhìn qua Bảng cân đối kế toán thì giá trị Tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm đáng kể chỉ còn ¼ so với thời điểm đầu năm từ mức hơn 2.745 tỷ đồng về chỉ còn 670 tỷ đồng.

Vậy gần 2.100 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền của Vinamilk đã đi đâu?

Tiếp tục quan sát Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho giai đoạn chín tháng kết thúc ngày 30 tháng 9 năm 2014 thì nhận thấy đa phần tiền nhàn rỗi của Vinamilk đã được đem đi ngân hàng để… gửi tiết kiệm.

Cụ thể, tiểu khoản Tiền gửi có kỳ hạn trong khoản mục Các khoản đầu tư ngắn hạn đã tăng lên gấp rưỡi từ 3.600 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm lên 5.453,5 tỷ đồng. Như vậy, 3 quý đầu năm 2014, Công ty của nữ Chủ tịch Mai Kiều Liên đã đã đem tiền đi gửi tiết kiệm ngắn hạn tại các nhà băng tới 1.853,5 tỷ đồng. Và tiểu khoản Tiền gửi ngân hàng cũng là tiểu khoản duy nhất tăng trong các tiểu khoản tại khoản mục Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Vinamilk, thậm chí giá trị đầu tư vào Chứng khoán niêm yết còn giảm gần 9,5 tỷ đồng.

Không chỉ gửi ngắn hạn, Vinamilk còn quyết định gửi gắm thêm gần một nghìn tỷ đồng dài hạn vào các nhà băng. Cụ thể, tại thời điểm 30/09/2014, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam và các công ty con có tới 946,596 tỷ đồng tiền gửi dài hạn, đáng chú ý, đầu năm, tiểu khoản tiền gửi dài hạn vẫn “trắng”.

Và không chỉ gửi tiết kiệm để hưởng lãi nhà băng, Vinamilk còn tiếp tục đặt trọn niềm tin vào nơi các ngân hàng khi “rút két” thêm 300 trăm tỷ để đầu tư dài hạn vào trái phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chính Minh (HD Bank).

Cất hàng nghìn tỷ đồng vô ngân hàng, tuy nhiên, “cây đa cổ thụ” của làng sữa Việt lại khá “rón rén” trong các quyết định đầu tư vào công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát. Cụ thể, cổ phần của Vinamilk tại Miraka Limited, Công ty Cổ phần Nguyên liệu Thực phẩm Á châu Sài Gòn hay Dự án Căn hộ Horizon vẫn dậm chân tại chỗ với các tỷ lệ lần lượt là 19,3%; 15% và 24,5%.

Nhưng lại đi vay ngân hàng nghìn tỷ

Dư dả cả “khối” tiền đem gửi tiết kiệm nhưng doanh nghiệp chiếm tới 50% thị trường sữa Việt Nam cũng lại rất tích cực đi vay và đa phần các khoản vay đều tính theo USD.

Về chi tiết, tại thời điểm cuối quý 3/2014, Vinamilk Vay ngắn hạn số ngoại tệ trị giá 1.253 tỷ đồng với lãi suất giao động từ 1,46% - 3,75% tại 3 tổ chức tín dụng: The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ Ltd.-Chi nhánh Tp. HCM, Vietcombank Chi nhánh Tp. HCM và Wells Fargo.

Không chỉ vay ngắn hạn, Vinamilk cũng đi vay dài hạn nhiều trăm tỷ đồng (đa phần các khoản vay được tính dưới dạng USD) từ Wells Fargo, Lincoln National, Sumitomo Mitsui, Banking Corporation và các cá nhân khác với lãi suất dao động từ 1,98-15%/năm và thời gian đáo hạn từ năm 2015 đến năm 2039. Tổng Vay dài hạn của Vinamilk tại thời điểm 30/09/2014 là 370,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, Chi phí lãi vay của Công ty cũng tăng vọt lên mức 30,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh, cùng kỳ năm 2013, Công ty không phát sinh chi phí lãi vay.

Tuy vậy, những khoản tiền gửi tiết kiệm khổng lồ tại các nhà băng cũng đã đem lại cho Vinamilk khoản lãi tiền gửi “khủng” lên đến 124 tỷ đồng, ngoài ra lãi trái phiếu cũng giúp “ông lớn” này thu về khoản tiền 5,6 tỷ đồng.

Có phải là quyết định khôn ngoan?

Thu lãi trăm tỷ từ các khoản tiền gửi ngân hàng, tuy nhiên, trong một giai đoạn kinh tế đầy năng động như hiện nay, vấn đề xoay vòng đồng vốn  luôn được các nhà kinh doanh đặc biệt chú trọng. Gửi tiền nhàn rỗi cũng là một lựa chọn nhưng kênh gửi tiền tiết kiệm lâu nay vẫn được đánh giá như một kênh mang tính trú ẩn nhiều hơn, đồng thời tỷ suất lợi nhuận từ việc đem tiền gửi tại các nhà băng cũng lại là rất thấp nếu so sánh với việc đồng tiền được sử dụng kinh doanh phù hợp và khôn ngoan.

Bên cạnh đó, trong năm 2014, cũng như dự báo 2015, mặt bằng lãi suất đã và sẽ liên tục được kéo thấp, nên e rằng quyết định đem cả nghìn tỷ đồng “cất” ở ngân hàng của Vinamilk chưa chắc đã là một kênh đầu tư thực sự hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trên thị trường sữa trong nước đang ngày càng khốc liệt với sự dấn thân của rất nhiều “ông kẹ”.

Người viết xin được kết bài bằng một câu hỏi (hay lo ngại) mà một cổ đông đã nêu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam: “Hiện nay tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có thể được nói là công ty đi đầu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Và hiện nay, công ty này đang có xu hướng thâm nhập thị trường sữa. Nếu thành công, khả năng tác động rất mạnh đến thị phần của Vinamilk. Bởi vì, nếu phân tích tất cả các điều kiện hiện nay thì HAGL sẽ gần như thành công trong lĩnh vực này. Vậy Vinamilk đã tính đến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh? Phương án đối phó…”.

(Còn nữa)                                                                                  

Theo ANTT