Vinachem 'cầu cứu' Chính phủ khoản vay Trung Quốc 250 triệu USD

VietTimes -- Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng về quan điểm đối với đề xuất khoanh, giãn nợ với khoản vay 250 triệu USD từ China Eximbank của Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) để triển khai dự án Đạm Ninh Bình hồi năm 2008.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình

Trước đó, Bộ Tài chính đã nhận được công văn của Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính về vấn đề cân đối nguồn trả nợ khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) khi triển khai dự án Đạm Ninh Bình hồi năm 2008.

Theo đó, Dự án Đạm Ninh Bình có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỉ đồng, do Vinachem sở hữu 100% vốn. Để có tiền đầu tư, Vinachem đã vay Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc. Tính đến ngày 31-3-2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, trong đó Vinachem đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền 87,5 triệu USD.

Tuy nhiên, do kinh doanh khó khăn, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định. Đồng thời, chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ. Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank.  Tiếp đó, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính.

Vinachem cũng đề xuất loạt giải pháp xử lý khoản nợ này, trong đó tập đoàn kiến nghị sẽ chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc còn lại của khoản vay 162,5 triệu USD sẽ được chủ đầu tư tiếp tục trả từ 2022 đến hết năm 2028. Tuy nhiên, kế hoạch dòng tiền để trả nợ đính kèm của Tập đoàn chỉ tính tới năm 2022. Do vậy, từ năm 2017 đến 2022 ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinchem khoảng 125 triệu USD. 

Sau khi rà soát Bộ Tài chính cho rằng, nguồn thu Quỹ tích luỹ trả nợ hiện rất hạn chế và đang phải trả cho nhiều dự án khó khăn khác, như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin, hay SBIC)... nên việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là “chưa phù hợp”.

Cũng theo cơ quan này, việc đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín, đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.

Vì thế, Bộ Tài chính yêu cầu Vinachem tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017 để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ.

Ngoài ra, tiếp tục chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn giãn nợ vay trong nước, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy năm 2016, Vinachem lỗ 895 tỉ đồng do giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp tăng cao, chi phí lãi vay tăng 346 tỉ đồng, trong khi các doanh thu và thu nhập khác đều giảm. Chỉ tiêu sinh lời năm 2016 bị âm, chứng tỏ tập đoàn kinh doanh chưa hiệu quả, cần điều chỉnh, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế thị trường. Sức ép về tài chính trong thời gian tới là rất cao, do vẫn tham gia góp vốn vào 40 đơn vị, doanh nghiệp.

Với Công ty Đạm Ninh Bình, năm 2016 tổng tài sản đạt 10.075 tỉ đồng, giảm 8,65% so với năm 2015, nhà máy đã vận hành ổn định, tình hình sản xuất, tiêu thụ đã khả quan hơn. Tuy nhiên, do giá phân bón trên thị trường quốc tế giảm sâu dẫn đến doanh thu không bù đắp được chi phí dẫn đến lỗ thêm 1.132 tỉ đồng, nâng mức lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 3.058 tỉ đồng.

Trong năm 2016, Vinachem đã hỗ trợ Đạm Ninh Bình thanh toán nợ đến hạn trả, trong đó có 25 triệu USD để trả China Eximbank.