Viết tiếp “những ông chủ ngân hàng đến và đi”

Hãy bắt đầu bằng một thông tin diễn ra tuần trước: Công ty Chứng khoán Ngân hàng VietinBank công bố 16,9 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn, của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) bán đấu giá đã được bán hết cho hai cá nhân với giá 12.500 đồng/cổ phiếu.
VietinBank vừa bán 16,9 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn, của Saigonbank với giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Ảnh: Tuệ Doanh
VietinBank vừa bán 16,9 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn, của Saigonbank với giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Ảnh: Tuệ Doanh

Số lượng cổ phần đăng ký mua lên tới 67,5 triệu đơn vị, gấp 4 lần khối lượng chào bán. Đây là số cổ phần Saigonbank do VietinBank sở hữu. Sau đợt bán này, VietinBank còn nắm giữ 4,91% cổ phần Saigonbank và không còn là cổ đông lớn. Việc VietinBank giảm tỷ lệ sở hữu ở Saigonbank là thực hiện quy định của Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), theo đó một tổ chức tín dụng chỉ được tham gia đầu tư tối đa ở hai ngân hàng khác.

“Gái nhà lành có người dạm ngõ”

Thoạt nhìn việc bán đấu giá thành công cổ phần Saigonbank của VietinBank có vẻ “may mắn” vì trước đó những cuộc đấu giá cổ phần ngân hàng nhằm thoái vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã không tìm được người mua cho dù giá bán có đợt dưới mệnh giá. Tuy nhiên Saigonbank không giống những ngân hàng kia. Đây là ngân hàng duy nhất mà năm ngoái khi nhận được yêu cầu của NHNN bán 500 tỉ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), ban lãnh đạo đã “cuống quít” vì không biết kiếm đâu ra đủ nợ để bán. Với tổng dư nợ khoảng 11.000 tỉ đồng, nợ xấu của Saigonbank chỉ chưa đầy 200 tỉ đồng. Cuối cùng vét mãi Saigonbank bán cho VAMC được 100 tỉ đồng nợ xấu. Vốn điều lệ 3.080 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế quí 1-2016 đạt 83 tỉ đồng.

Trong tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, dĩ nhiên Saigonbank có nhiều người “dòm ngó”. Đã có thời điểm, Vietcombank, đang nắm giữ khoảng 4,8% cổ phần Saigonbank, và Saigonbank đã cùng thương thảo để sáp nhập Saigonbank vào Vietcombank. Nhưng cuộc thương lượng chưa đi đến kết quả vì cả hai chưa tìm được tiếng nói chung về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.

Mới đây, trao đổi với TBKTSG, đại diện Vietcombank cho biết sẵn sàng nối lại thương thảo trong trường hợp Saigonbank vẫn giữ nguyên ý định. Phương án sáp nhập vào Vietcombank được giới tài chính đánh giá là “đẹp” cho Saigonbank cả về phương diện tài chính cũng như uy tín. Xử lý phương án này thế nào, phần lớn phụ thuộc vào cổ đông lớn của Saigonbank.

Vietcombank hiện đang nắm giữ cổ phần của bốn tổ chức tín dụng cổ phần, trong đó đã được phép của NHNN cho giữ lại vai trò cổ đông ở Ngân hàng TMCP Quân đội và Eximbank. Thực tế, giá trị khoản đầu tư ở Saigonbank của Vietcombank rất nhỏ so với vốn chủ sở hữu cũng như quy mô của ngân hàng, nên nếu không thể nhận sáp nhập, khả năng thoái vốn khỏi Saigonbank của Vietcombank là hiện thực.

Ngân hàng ở thời điểm nào cũng là mảnh đất màu mỡ, là con đường ngắn nhất để tiếp cận nguồn vốn cho bản thân các ông chủ hoặc cho khách hàng của họ.
Nếu các cá nhân nào đó mua cổ phần Saigonbank để đầu tư tài chính thì không nói làm gì. Song, nếu họ là nhóm nhà đầu tư và có ý định mua hẳn một ngân hàng, vấn đề đối với họ là sẽ tạo dựng mối quan hệ sao đây với cổ đông lớn? Bao nhiêu năm nay, Saigonbank với cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tương đối mạnh (lãnh đạo của Saigonbank đều xuất thân từ Vietcombank), đáng lẽ đã có thể phát triển và ở một vị thế khác nếu có một cơ chế kinh doanh và sự năng động của cổ đông lớn.

Những cuộc “se duyên” bất động sản - ngân hàng

Câu chuyện chuyển nhượng, mua bán ngân hàng tưởng đã lặng sóng dưới đáy hồ nước do nợ xấu, do sở hữu chéo và do các ông chủ đầu tư vào ngân hàng từ mươi năm nay vẫn đang lỗ và lỗ vì thị giá cổ phiếu tiếp tục đi xuống. Đã thế, không ít cổ đông nước ngoài ở một số ngân hàng liên tục lên tiếng thoái vốn. Hầu hết các khoản đầu tư của nước ngoài vào một số tổ chức tín dụng cổ phần có thâm niên đã 7-10 năm. Họ giờ đây đã có ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam và việc tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua một tổ chức tín dụng cổ phần nội địa không còn nhiều ý nghĩa như trước. Các khoản đầu tư, như phân tích của một quỹ đầu tư ngoại, thuần túy mang tính đầu tư tài chính nhiều hơn.

Ai sẽ cáng đáng khoản thoái vốn của cổ đông ngoại ở một số ngân hàng? Các tổ chức nước ngoài vẫn đang muốn đầu tư vào ngân hàng Việt, nhưng nhận chuyển nhượng lại 10-15% cổ phần của một tổ chức tín dụng liệu có tác dụng gì khi mà họ không thể nắm quyền kiểm soát, thay đổi quản trị điều hành. Trong các cuộc tiếp xúc gần đây với giới ngân hàng nội địa, các tổ chức nước ngoài đều bày tỏ mong muốn được mua 51% cổ phần trở lên của một tổ chức tín dụng.

Con đường thoái vốn của cổ đông ngoại, dẫu thế, mở ra một hướng đi khác cho những người muốn trở thành các ông chủ ngân hàng qua kênh thâu tóm. Thử hình dung một ngân hàng đang được nước ngoài sở hữu 30%, 2-3 nhóm cổ đông lớn sở hữu khoảng 10%/nhóm, thì việc thâu tóm trên 51% không mấy khó khăn.

Đầu tiên là các cuộc đàm phán với đối tác ngoại và thông thường mức giá được trả cho các cổ đông nước ngoài cao hơn so với giá thị trường. Chẳng có gì khó hiểu, việc mua một “cục” để hướng tới bàn đạp cho việc thu gom cổ phần của những cổ đông khác luôn phải được tiến hành ở một mức giá khiến bên bán ngả nghiêng mà chấp nhận. Vài năm trước Dragon Capital đã chuyển nhượng cổ phần ở ngân hàng VPBank cho các cổ đông trong nước ở mức giá cao gấp hai lần rưỡi giá thị trường bấy giờ.

Nếu ngân hàng bị thâu tóm đang niêm yết, quá trình tiến hành sẽ thuận lợi gấp bội. Việc mua thêm vài ba phần trăm cổ phần trên sàn thông qua giao dịch thỏa thuận hay khớp lệnh sẽ giúp phía đi thâu tóm nâng tỷ lệ sở hữu cần thiết, đủ để “thừa thắng xông lên”.

Ngân hàng ở thời điểm nào cũng là mảnh đất màu mỡ, là con đường ngắn nhất để tiếp cận nguồn vốn cho bản thân các ông chủ hoặc cho khách hàng của họ. Kinh doanh bất động sản vẫn đang là một trong những mảng lớn nhất của nền kinh tế, mà bất động sản luôn gắn với tài chính, với dòng tiền, với cung ứng vốn. Những cuộc “se duyên” của các chủ đầu tư bất động sản với các ngân hàng, vì thế, có thể sẽ sớm ra mắt thị trường tới đây.

Theo TBKTSG