|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT đang góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hai nước Việt - Pháp" |
Đó là một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và ông Jean Vincent Place - Quốc vụ khanh phụ trách cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính Pháp, vừa diễn ra chiều nay (24/2).
Việt Nam thành nước mạnh về CNTT vào năm 2020
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chào mừng ngài Quốc vụ khanh và phái đoàn đến thăm và làm việc với Bộ TT&TT Việt Nam. Bộ trưởng nhận định, chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện các nội dung cam kết hợp tác của Ý định thư giữa Pháp và Việt Nam về chính phủ điện tử được ký kết tại Paris ngày 30/10/2016, qua đó xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Pháp về CNTT-TT.
Bộ trưởng cũng khẳng định quan hệ đối tác giữa Pháp và Việt Nam đã và đang phát triển trên mọi lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2013. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT đang góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hai nước Việt Nam và Pháp. Pháp hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp trong lĩnh vực viễn thông, CNTT như Alcatel, France Telecom, Thales … đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ gần 30 năm trước, thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đều đã gặt hái thành công tại thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam coi CNTT là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội của đất nước. CNTT hiện là ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ phát triển hàng năm cao hơn so với các ngành khác. Doanh thu công nghiệp CNTT đạt 40 tỷ USD, đóng góp 25% GDP quốc gia. Tỷ lệ kết nối máy tính đạt 90%. Hiện tại, Việt Nam có hơn 50 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook, chiếm hơn 50% tổng dân số, trong đó có 21 triệu người thường xuyên sử dụng Facebook qua điện thoại thông minh. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Facebook lớn thứ 2 tại châu Á.
Về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng cho biết, đã có 26 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép, trong đó một số doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, quản lý khai thác đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Viettel, VNPT…
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu to lớn mà Pháp đạt được trong lĩnh vực CNTT: “Công nghiệp CNTT tiên tiến đã tạo nền tảng thuận lợi cho Pháp khi tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn gọi là cuộc cách mạng số hóa. Đây cũng chính là sự khích lệ lớn đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam”. Bộ trưởng tin tưởng rằng, những kinh nghiệm quý báu của Pháp sẽ giúp Việt Nam rất nhiều trong việc phổ cập ứng dụng và sử dụng các dịch vụ CNTT-TT trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.
Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là phải xây dựng Việt Nam thành nước mạnh về CNTT, xây dựng chính quyền điện tử từ Trung ương đến địa phương, xây dựng ít nhất 05 thành phố thông minh... Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng chính phủ điện tử là nhiệm vụ hàng đầu để cải thiện chất lượng hoạt động của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa. Nhiệm vụ trọng tâm khi xây dựng chính phủ điện tử chính là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ điện tử phát triển mạnh mẽ không những giúp cải thiện năng suất mà còn tạo sự minh bạch, góp phần hiện đại hóa bộ máy hành chính nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế“, Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Công cuộc" Chính phủ điện tử còn nhiều vướng mắc
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các giải pháp chính phủ điện tử cho người dân và doanh nghiệp và đã có những bước phát triển khởi đầu về chính phủ điện tử với các dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai rộng khắp ở các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, đây là những lĩnh vực mới đối với Việt Nam nên trong quá trình triển khai phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Cụ thể, Việt Nam đang cần phải xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ đi đôi với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Việt Nam cũng đang trong quá trình xác định mô hình chính phủ điện tử điển hình ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, từ đó phổ biến rộng khắp. Môi trường pháp lý đã từng bước hoàn thiện nhưng còn thiếu, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm từ các nước phát triển về CNTT để đảm bảo và đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật còn thiếu kỹ năng, công nghệ và kinh nghiệm triển khai các dịch vụ ở quy mô lớn. Do vậy việc chuyển giao công nghệ, giao lưu học hỏi và đào tạo từ phía các công ty, tổ chức giàu kinh nghiệm trong việc triển khai các dịch vụ chính phủ điện tử là rất cần thiết.
Quốc vụ khanh phụ trách cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính Pháp Jean Vincent Place tại buổi làm việc với Bộ TT&TT Việt Nam
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị phía Pháp hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử thông qua chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách quản lý, triển khai các đề án Chính phủ điện tử và đảm bảo an toàn an ninh thông tin dưới hình thức các khóa họp song phương, hội nghị hội thảo chuyên đề...; Mở các khóa đào tạo đội ngũ cán bộ công chức Việt Nam về quản lý cấp nhà nước đối với lĩnh vực CNTT-TT; Hợp tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Đề nghị Cơ quan Phát triển Pháp AFD xem xét khả năng tài trợ và cung cấp tài chính (ODA) của Chính phủ Pháp cho việc thực hiện các đề án, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp tham gia vào các chương trình đề án về chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin.
Kinh tế số là ưu tiên hàng đầu của Pháp
Đáp từ Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Quốc vụ khanh phụ trách cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính Pháp Jean Vincent Place nhất trí rằng Chính phủ Pháp và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về định hướng phát triển chung. Chính phủ Pháp hiện cũng coi kinh tế số là sự ưu tiên hàng đầu. Pháp đang tiến hành số hóa tất cả các thủ tục hành chính từ thuế, an sinh xã hội cho đến hưu trí. Công cụ số chính là phương thức hữu hiệu để tiến hành cải cách hành chính. Đối với người dân, chỉ cần với một chiếc điện thoại thông minh có thể thực hiện các thủ tục hành chính quả là điều tuyệt vời. Đây cũng chính là thị trường nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiên phong, biết tự đổi mới mình“, ngài Quốc vụ khanh chia sẻ thêm.
Quốc vụ khanh Jean Vincent Place cho biết, hai mục tiêu Chính phủ Pháp đang ưu tiên triển khai hiện nay là tạo cơ hội cho người dân truy cập trực tuyến tất cả các dịch vụ công, đồng thời mở rộng hệ thống chính phủ điện tử đến tận chính quyền địa phương. Khó khăn gặp phải ở đây là một mặt Chính phủ thì muốn mở cơ sở dữ liệu cho tất cả người dân truy cập, mặt khác lại cần phải đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Theo kinh nghiệm của Pháp, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn thông tin vì họ chính là những người hiểu rõ vấn đề, và có giải pháp phù hợp cho cả chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và các đại biểu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với phái đoàn Pháp
Liên quan đến các đề nghị của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về trao đổi hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên, Quốc vụ khanh cho biết, phía Pháp sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT-TT, xây dựng chính phủ điện tử và đào tạo nhân lực về ATTT.