Việt Nam làm gì để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045?

"Để đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm phải tăng lên 5,4%, yêu cầu phải nâng cao năng suất và cải tiến công nghiệp", GS.Yasuhiro Yamada, Thành viên cao cấp về chính sách ERIA, Việt Nam tư vấn.

Thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngày 24/10, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế mang chủ đề “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và trường Đại học Đông Á đồng tổ chức diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, đại diện các cơ quan quản lý của Việt Nam và Nhật Bản, cùng gần 200 các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu,… ở Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày từ 24-25/10, chia thành 4 phiên làm việc và 1 diễn đàn. Hội thảo quy tụ 14 báo cáo chuyên đề là những góc nhìn sâu sắc về kinh tế của Việt Nam

Tham luận “Mô hình Việt Nam: hướng đi cho sự phát triển cân bằng” của TS.Võ Trí Thành (Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam, Chuyên gia cao cấp, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đã phản ánh quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Nhìn về phía trước, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Các hành động chính sách quan trọng bao gồm tăng cường năng lực công, cải thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tái cơ cấu, nâng cao phát triển nguồn nhân lực và củng cố Hệ thống Đổi mới Quốc gia để vượt qua 'bẫy thu nhập trung bình' và đạt được các mục tiêu phát triển”, TS.Võ Trí Thành nói.

TS.Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam

Dẫn số liệu Việt Nam đã bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp vào năm 2008, với thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người đạt 3.560 USD vào năm 2021, tham luận “Về vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng: Chính sách tránh bẫy thu nhập trung bình” của GS.Trần Văn Thọ (Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản) đã chỉ ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và vai trò của cải cách thể chế trong việc duy trì tăng trưởng.

GS.Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản)

“Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được tăng trưởng dài hạn, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cải thiện thị trường yếu tố sản xuất, nâng cao giáo dục và đào tạo, cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D)", GS. Trần Văn Thọ nói.

Còn ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đặt trọng tâm mạnh mẽ vào đổi mới và chuyển đổi số.

Sự phát triển của nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập, với mục tiêu cuối cùng là đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

“Để đạt được nền kinh tế số, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức, bao gồm cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành các luật cơ bản để hỗ trợ chuyển đổi số, và phát triển nguồn nhân lực am hiểu công nghệ số”, ông Nguyễn Ánh Dương chia sẻ.

Phải nâng cao năng suất và cải tiến công nghiệp

Theo GS.Yasuhiro Yamada, Thành viên cao cấp về chính sách ERIA, Việt Nam đã duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao kể từ đầu những năm 1990, nhờ vào các cải cách kinh tế và sự mở cửa với thế giới. Tăng trưởng thu nhập quốc dân thực (GNI) bình quân đầu người hàng năm đã liên tục ở mức khoảng 5,0% từ năm 1995 đến 2019, vượt trội hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển.

“Để đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm phải tăng lên 5,4%, yêu cầu phải nâng cao năng suất và cải tiến công nghiệp.

Kinh tế cần chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh vào vốn nhân lực, hiệu quả thị trường lao động và vốn, cạnh tranh và ứng dụng công nghệ.

Công nghệ số đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này.

Các ngành công nghiệp chính như điện tử, nông nghiệp tiên tiến, dệt may, các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số (DX), ô tô, chăm sóc sức khỏe và năng lượng dự kiến sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nền kinh tế tuần hoàn”, GS.Yasuhiro Yamada tư vấn.

Gần 200 chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu của Việt Nam, Nhật Bản và các nước trong khu vực chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo khoa học quốc tế mang chủ đề “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”

Cũng theo GS. Yasuhiro Yamada, hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực Chuyển đổi số (DX), mang lại tiềm năng đáng kể để tiến gần hơn tới mục tiêu đạt được trạng thái quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Thêm vào đó, Việt Nam nên theo đuổi các sáng kiến hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ngành công nghiệp ô tô, nông nghiệp tiên tiến, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nền kinh tế tuần hoàn, và giải quyết các thách thức do xã hội già hóa