Thông tin trên được đề cập tại bản công bố Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số, do Trường Fletcher (thuộc Đại học Tufts) hợp tác cùng Mastercard thực hiện. Chỉ số thống kê những tiến bộ các quốc gia đã đạt được trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, tích hợp khả năng kết nối vào cuộc sống.
Theo đó, Việt Nam đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng 90 nền kinh tế với 62 điểm về động lực thúc đẩy phát triển kỹ thuật số. Trong phần xếp hạng về yếu tố thúc đẩy niềm tin, báo cáo cho biết Việt Nam đứng thứ 30/42 về yếu tố trải nghiệm, thứ 17/42 về yếu tố hành vi sử dụng kỹ thuật số, thứ 3/42 về yếu tố thái độ.
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao khi ngày càng có thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với tương lai chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, có tiềm năng đầu tư lớn. Đặc biệt, báo cáo khẳng định Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tăng trưởng trong năm nay nhờ kinh nghiệm và các phương án phản ứng nhanh để đối phó với dịch bệnh. Việt Nam sẵn sàng thực hiện các biện pháp giãn cách phòng ngừa sớm, tuy nhiên vẫn duy trì khả năng linh hoạt với sự tìm kiếm cơ hội và phát triển các phương thức kinh doanh mới, thúc đẩy số hóa rất nhanh.
Đánh giá về bối cảnh kinh tế toàn cầu trước ảnh hưởng của đại dịch, đại diện trường Fletcher – một trong những đơn vị thực hiện nghiên cứu – nêu quan điểm: “Đại dịch có thể là phép thử thuần túy nhất về sự tiến bộ của thế giới trong công cuộc số hóa. Chúng ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về cách các nền kinh tế số năng động có thể đóng góp vào sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh toàn cầu rơi vào hỗn loạn chưa từng có, đồng thời được xác định vai trò trong quá trình phục hồi và thay đổi”.
Năm nay, chỉ số tập trung khắc họa bối cảnh phát triển kỹ thuật số toàn cầu, phân tích những yếu tố, động lực chính thúc đẩy thay đổi trước các thách thức của đại dịch toàn cầu và tương lai hậu đại dịch. Chỉ số năm nay xét 2 thành phần gồm phát triển kỹ thuật số và niềm tin kỹ thuật số. Những chỉ số này được phân thành 4 nhóm, đó là các nền kinh tế nổi bật, các nền kinh tế đình trệ, các nền kinh tế bứt phá và các nền kinh tế cảnh báo.