Đứng thứ 28 thế giới về chứng chỉ LEED
LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là chứng chỉ dành cho các thiết kế đạt chuẩn về năng lượng và môi trường, được cấp bởi tổ chức phi chính phủ Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC). Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn công nhận rộng rãi nhất trên thế giới. Các tiêu chí được đề ra gồm mức độ thân thiện môi trường, tạo ra các mảng xanh trên dự án bất động sản song vẫn đảm bảo đáp ứng ngân sách chủ thầu đề ra.
Tại Việt Nam, hành trình kiến tạo chuỗi các công trình xanh khởi động khá muộn. Những dự án đầu tiên đạt chứng chỉ LEED Bạc vào năm 2010-2011 gồm nhà máy Colgate và trung tâm kho vận của công ty YCH Protrade Distripark. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam thời điểm đó chưa thực sự chú trọng các yếu tố xanh như môi trường, con người, cắt giảm và xử lý chất thải.
Tuy vậy, hơn 10 năm qua, mặt bằng chung các dự án bất động sản đa lĩnh vực đã có sự thay đổi rõ rệt về khía cạnh nghiên cứu và thiết kế xanh. Bằng chứng là hàng loạt công trình mới đã tự tin nộp đơn đăng ký chứng nhận LEED. Đến nay đã có hơn 400 dự án gửi đơn đăng ký đến Hội đồng Công trình xanh Mỹ để kiểm chứng yếu tố xanh bền vững.
Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 28 về số công trình xanh đạt chứng chỉ LEED. Theo ông Gopalakrishnan Padmanabhan - Giám đốc điều hành GBCI Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, đây là một bước tiến rất xa so với thời điểm lần đầu Hội đồng Công trình xanh Mỹ và GBCI tiếp nhận đơn đăng ký cấp chứng chỉ vào giai đoạn 2008-2010.
So với các nước lân cận như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Việt Nam là một trong những quốc gia có số tổ chức, doanh nghiệp cho thấy nhu cầu cấp chứng chỉ LEED cao hàng đầu. LEED phổ biến ở mọi lĩnh vực, từ công trình văn phòng thương mại, kho công nghiệp, khách sạn, khu chế xuất… Trong khi các công trình cần chứng chỉ LEED ở Malaysia hầu như chỉ tập trung ở mảng sản xuất.
“Nhu cầu cấp chứng chỉ LEED tăng mạnh là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang dần phát triển nhanh chóng và ý thức hơn về ESG cũng như công trình xanh. Việt Nam xét về số lượng công trình đạt LEED có thể xếp sau các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên trong 5 năm tới, chúng ta có thể thấy một tương lai tươi sáng rằng ngày sẽ càng có nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt xu thế này”, ông Gopalakrishnan Padmanabhan khẳng định.
DN Việt ngày càng quan tâm đến ESG trong thiết kế kiến trúc, vận hành hoạt động
Theo ông Gopalakrishnan Padmanabhan, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia phát triển nhanh trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp dẫn đầu ngành trong nước lẫn quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam từ lĩnh vực thương mại, quy hoạch dân cư, công nghiệp, dịch vụ lẫn chăm sóc sức khỏe… cũng chọn ESG làm mục tiêu vận hành trong tương lai.
ESG là những tiêu chí về môi trường (Environment), xã hội (Social) và quản trị doanh nghiệp (Governance). Những chỉ số này được tạo ra nhằm hướng các tổ chức và doanh nghiệp vượt ra ngoài phạm vi mục tiêu lợi nhuận, tham gia vào chương trình rộng lớn hơn về khí hậu, xã hội và quản trị.
“Nếu các doanh nghiệp đầu ngành tiên phong thực hành ESG và sở hữu chứng chỉ LEED, họ sẽ tạo một làn sóng công trình xanh mạnh mẽ, truyền cảm hứng và thúc đẩy các DN khác trong và ngoài nước nối bước theo”, ông Padmanabhan cho biết.
Đồng ý kiến với ông Padmanabhan, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập GreenViet cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển và gia tăng số lượng công trình xanh trên toàn lãnh thổ.
Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn các chứng nhận công trình xanh, ông Quang cho rằng các tổ chức, doanh nghiệp Việt hiện vẫn còn gặp khó ở một số khía cạnh như chi phí, nguyên vật liệu, thiết kế và triển khai… Các yếu tố này ảnh hưởng nhiều đến việc một công trình xanh có đạt các tiêu chí để cấp chứng chỉ LEED hay không.
Theo ông, tỷ lệ công trình xanh không cao, thiếu các chứng chỉ công nhận có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định lên kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài khó tạo động lực thúc đẩy cho các DN “chưa xanh” noi theo, việc thiếu hụt công trình xanh còn có thể gây khó khăn cho hành trình hiện thực hóa cam kết Net Zero 2050 mà Chính phủ đề ra.
Ông Gopalakrishnan Padmanabhan cũng nhận định ESG rất quan trọng với Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường này, bất kể họ ở lĩnh vực nào. Đồng thời để hiện thực hóa mục tiêu phát thải bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, thực hành ESG là yếu tố bắt buộc, không chỉ trong tổ chức xã hội, đô thị mà còn cả các lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, sản xuất…
“Trong đó, thúc đẩy tăng trưởng số lượng công trình xanh đạt các tiêu chuẩn LEED đưa ra cũng là một trong những giải pháp góp phần đẩy nhanh quá trình này và khắc phục những điểm còn thiếu của mặt bằng công trình xây dựng nói chung tại Việt Nam”, ông Gopalakrishnan Padmanabhan chia sẻ.
Chính phủ Việt Nam cũng kỳ vọng “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” sẽ là công cụ góp phần thiết lập dữ liệu về phát triển bền vững. Chương trình là một phần trong những nỗ lực hướng đến mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết thực hiện tại Hội nghị COP26 vào năm 2050.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” của Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững sẽ được nâng cao. Chương trình sẽ hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp phát triển bền vững