Phiên họp đã bàn về các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của Ủy hội, nhằm hướng tới hoàn toàn tự chủ về tài chính vào năm 2030 bao gồm việc cải tổ cấu trúc, tài chính, nhân sự và các vấn đề về sử dụng nguồn nước mà các nước thành viên quan tâm.
Tại phiên họp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đã tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam ở vùngđồng bằng sông Cửu Long; hoan nghênh việc Trung Quốc xả nước đập Cảnh Hồng; kêu gọi các nước thành viên Ủy hội hợp tác và điều phối trong việc xả nước các đập thủy điện dòng nhánh và có biện pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả dòng nước xả trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng hiện nay.
Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại và đề nghị Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án chuyển nước từ Huay Luang, một dòng nhánh của sông Mekong để sử dụng cho nông nghiệp. Phía Thái Lan cho biết dự án mới đang trong quá trình nghiên cứu và cam kết sẽ sớm cung cấp thông tin. Thời gian gần đây, nhiều thông tin từ báo Singapore và Campuchia đăng tải cho biết Thái Lan đã hút lượng nước lớn xả từ sông Mekong để dự trữ, xây cửa chặn, hồ để dự trữ, phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước này.
Phản ứng trước những thông tin này, người phát ngôn cho biết, VN nhiều lần nêu rõ lập trường về việc sử dụng nước sông Mekong: Các nước liên quan phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, đảm bảo công trình thuỷ điện trên dòng sông Mekong ko gây ảnh hưởng môi trường các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn, đúng thông lệ quốc tế, để đảm bảo lợi ích của các nước và cuộc sống người dân trong khu vực.
Ngày 16/3, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội đã có công hàm chính thức gửi Ủy ban sông Mekong các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan kêu gọi các nước tăng cường quan tâm và cố gắng hết sức trong việc sử dụng hiệu quả, hợp lý và bền vững nguồn nước.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/3 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố xả nước từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng để cứu hạn các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đến ngày 10/4. Tuy nhiên, có một số ý kiến chuyên gia cho rằng, lượng nước đến tới sông Cửu Long không đủ để đẩy mặn. Đồng thời, lượng nước tại đập Thuỷ điện Cảnh Hồng không đủ xả tới ngày 10/4.
Trước những quan điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: Thông qua các kênh ngoại giao, Việt Nam đã đề nghị TQ gia tăng lưu lượng xả nước từ thuỷ điện Cảnh Hồng ở Vân Nam xuống khu vực hạ lưu sông Mekong để góp phần khắc phục hạn hán và tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu long tại VN. Theo thông tin từ Đại sứ quán VN tại Trung Quốc, từ ngày 14/3, đại diện bộ thuỷ lợi TQ đã gặp đại diện Đại sứ quán VN tại TQ thông báo, từ ngày 15/3 đến 10/4, TQ sẽ tăng lưu lượng xả nước từ đập thuỷ điện Cảnh hồng xuống khu vực hạ lưu từ 1.100 m3/s lên 2190m3/s - gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ông Bình nhấn mạnh, trước khi đề nghị với TQ, các cơ quan chức năng VN đã phối hợp chặt chẽ và lên các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn tại các tỉnh miền Nam. Đối với đánh giá cụ thể về tác động, các cơ quan chức năng liên quan sẽ có đánh giá chi tiết và sâu hơn. Bô Ngoại giao tiếp tục tích cực trao đổi với TQ và các quốc gia trong khu vực sông Mekong, cùng nhau sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong để đảm bảo hài hoà lợi ích các quốc gia, đảm bảo cuộc sống người dân trong khu vực.
Theo Giao Thông