Việt Nam đề nghị Nhật cung cấp tàu tuần duyên bảo vệ biển đảo

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức đề nghị Nhật Bản viện trợ nhiều tàu tuần duyên mới để bảo vệ biển đảo đang bị Trung Quốc lấn chiếm, RFI dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Kyodo của Nhật cho biết.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam cùng "lo ngại về những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông". Ảnh REUTERS
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam cùng "lo ngại về những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông". Ảnh REUTERS

Lãnh đạo 5 nước Đông Nam Á vùng sông Mêkông và Nhật Bản họp thượng đỉnh tại Tokyo hôm thứ Bảy 4 tháng Bảy đã thông qua chiến lược hợp tác 2016-2018 trong đó có kế hoạch viện trợ phát triển 6,1 tỷ USD và củng cố an ninh hàng hải tại Biển Đông.

Theo hãng thông tấn Kyodo , trong cuộc họp báo chung kết thúc thượng đỉnh "Mekong-Nhật Bản" lần thứ 7 tại Tokyo cuối tuần qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố "chia sẻ lo ngại sâu xa về những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông, tu bồi các đảo nhân tạo".

Hai nhà lãnh đạo Nhật - Việt xác định thêm "sẽ cùng hợp tác thêm để xây dựng trật tự trên biển, trên không và trên bộ" tại khu vực này.

Tuy không gọi đích danh một nước nào nhưng rõ ràng lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam ám chỉ chính sách tranh đoạt chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thủ tướng Việt Nam cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ Nhật Bản cung cấp thêm tầu tuần tra để bảo vệ an ninh biển đảo.

Năm 2014, Tokyo loan báo sẽ cấp cho Việt Nam 6 tầu tuần duyên. Đầu năm nay, cảnh sát biển Việt Nam đã nhận được chiếc đầu tiên, đã được Nhật sử dụng từ năm 1991.

Bộ ngoại giao Nhật Bản xác nhận tin này và cho biết sẽ thảo luận để đáp ứng trong thời hạn sớm nhất. 

Với "Chiến lược 2015" thông qua tại Tokyo, trong ba năm tới đây, Nhật sẽ viện trợ cho năm nước Đông Nam Á vùng Mêkông 6,1 tỷ USD để trợ giúp tăng trưởng và ổn định.

Theo AFP, không rõ 6,1 tỷ USD này là ngân khoản mới hay tính chung trong kế hoạch được loan báo trước đây là 10 tỷ USD cho 10 nước Đông Nam Á.

Trong bản tuyên bố chung, Thượng đỉnh Mêkông nhấn mạnh đến "vai trò quan trọng của biển, lợi khí chung của thế giới" cũng như nhu cầu hợp tác "chặt chẽ hơn để bảo đảm an toàn lưu thông và an ninh khu vực".

Trước tham vọng của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông và bành trướng ảnh hưởng qua Ngân hàng Đầu tư châu Á, Nhật Bản cũng tìm cách tăng cường quan hệ với Đông Nam Á.

Theo Bizlive