Tại Hội thảo VNNIC Internet Conference 2022 diễn ra mới đây, 300 chuyên gia hàng đầu về Internet trong nước và quốc tế đã thảo luận định hướng để phát triển hạ tầng mạng lõi Intenet Việt Nam, phát triển mạng Internet trong nước và nắm bắt cơ hội đưa Việt Nam trở thành Trung tâm kết nối số của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong dự thảo quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021 - 2030 được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đặt ra yêu cầu phát triển đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành Digital Hub - nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới. Thực tế, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện tại, khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện đang có 3 Digital Hub là Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản. Theo các chuyên gia, một Digital Hub của khu vực cần đáp ứng một số tiêu chí như: vị trí địa lý, hạ tầng kết nối băng thông rộng, tin cậy, giá cả phải chăng với hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo,…
Các chuyên gia cũng cho rằng để trở thành trung tâm số của khu vực, Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ với một số quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia trong “cuộc đua” giành vị trí trung tâm số tiếp theo trong khu vực. Thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế hơn. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần phải hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hạ tầng Internet, hạ tầng số.
Tọa đàm với chủ đề “Tương lai của Internet” tại sự kiện VNNIC Internet Conference 2022. |
Với tinh thần “đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam”, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu (IDC) hiện đại; nhằm góp phần đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.
Thời điểm gần đây, Viettel công bố có kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu Việt Nam hơn 6 ngàn tỷ đồng; VNPT triển khai hợp tác với Amazon Web Service (AWS), các doanh nghiệp lớn nước ngoài nhằm bổ trợ cho hạ tầng hiện có của Tập đoàn; CMC Telecom đã sở hữu 3 Data Center trung lập,…
Tuy nhiên, thẳng thắn chỉ ra hạn chế của Internet Việt Nam cần giải quyết ngay, ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam nêu vấn đề ngoài việc tập trung phát triển các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề hạn chế về Internet hiện tại như mất cân bằng giữa băng thông trong nước và quốc tế, phụ thuộc và nền tảng, nội dung quốc tế và vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn, toàn vẹn dữ liệu của Internet Việt Nam.
"Hiện tại 80% dữ liệu Internet Việt Nam đang ở nước ngoài. Rõ ràng, chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng, giá trị của dữ liệu trên Internet” - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam thẳng thắn.
Một số các giải pháp, định hướng lớn được thảo luận tại Hội thảo VNNIC Internet Conference 2022, đồng thời cũng đề cập rõ trong chiến lược phát triển hạ tầng Internet Việt Nam tại “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX); mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển; phát triển các Trung tâm dữ liệu (IDC), đặc biệt là IDC trung lập, nền tảng Cloud, CND và các dịch vụ số trong nước. Để thực hiện được chiến lược trên, cộng đồng Internet Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp cần chung tay, hợp tác phát triển đưa Việt Nam trở thành trung tâm kết nối số với 100% người dân Internet Việt Nam truy cập Internet, thu hẹp khoảng cách số để không ai bị bỏ lại phía sau.