Việt Nam có thể bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0?

VietTimes -- Khi được hỏi “Việt Nam có bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không”, kết quả kèm theo tràng pháo tay buồn: 67% số người khảo sát cho rằng Việt Nam không bắt kịp được cách mạng công nghiệp, và chỉ có 33% cho rằng có thể.
Các diễn giả tại diễn đàn
Các diễn giả tại diễn đàn

Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?

Tại diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất" tổ chức chiều 7/4, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam cho biết, bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của nền kinh tế vật lý, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo. Trong tương lai, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp.

Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dự báo, với cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp lục len lỏi vào từng gia đình. Các thiết bị nhỏ nhất trong mỗi nhà cũng dần dần được kết nối Internet, thực hiện nhiều việc giúp đời sống mỗi người thuận tiện hơn.

TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, đây là cuộc cách mạng công nghiệp chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, giúp năng suất tăng lên đáng kể nhờ khoa học kỹ thuật nhưng chu kỳ sản phẩm lại ngắn đi nhiều so với hiện nay.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT chủ trì diễn đàn

Ông Doanh cho biết, đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng từ cuộc cách mạng không ai khác chính là trí thức, như bác sỹ, luật sư, kiểm toán viên... hay những người làm trong ngành tài chính. Ông đưa ra ví dụ, nhiều luật sư mới ra trường có thể thất nghiệp khi các công tìm kiếm dựa trên trí thông minh nhân tạo hoàn toàn có khả năng trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến pháp luật.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hòa giải khi có tranh chấp... Có nghĩa là con người vẫn còn chỗ đứng trong nhiều lĩnh vực cụ thể.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận xét, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, đối với riêng ngành dệt may, bà Huyền dự báo, đa số lao động ngành dệt may, da giày Việt Nam trong tương lai sẽ thất nghiệp do khả năng cạnh tranh của máy móc.

Việt Nam có thể bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0?

“Nói Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cuộc cách mạng này là lạc quan tếu”, bà Nguyễn Thanh Huyền, TGĐ Công ty May 10 cho biết.

Lạc quan với câu hỏi này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định: “Việt Nam hoàn toàn có thể”.

Ông phân tích, hiện tại, TPBank đã triển khai các điểm giao dịch ngân hàng tự động từ tháng 2/2017. Theo đó, người sử dụng dịch vụ có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng cơ bản như nộp tiền mặt, đăng ký tài khoản thanh toán, các khoản vay, mở thẻ ghi nợ, gửi tiền có kỳ hạn... 

Ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam

Còn người đứng đầu Uber Việt Nam, ông Đặng Việt Dũng, lại cho rằng trong ngắn hạn thì Việt Nam chưa thể bắt kịp, còn trung hạn vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi theo ông, về bản chất, muốn đón nhận thế nào còn phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách.

Kém lạc quan hơn, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: "Câu trả lời là "không". Cuộc cách mạng thứ 3 chúng ta cũng chưa bắt kịp. Cách mạng thứ 4 thách thức quá lớn. Nếu phát triển 1 cách tự nhiên trước sau thì cái gì cũng phải tiến đến, phải theo nhưng khoảng cách vẫn là thách thức, không biết có rút ngắn được hay không".

Trong khi đó, Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận định cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm, vì thế chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này. Việt Nam mình đi sau, ba cuộc cách mạng trước chúng ta xây dựng nền tảng chưa đáng bao nhiêu. Trong khi các nước phát triển thì bỏ hàng triệu tỷ USD vào đó rồi nên có dám bỏ nó đi không, chắc chắn rất khó. Mình chưa có cái trước mình làm ngay cái mới thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam. Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì”, ông nói.

Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế lớn, lúc này khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới bắt đầu, thì Chính phủ đã có sự quan tâm rất nhiều. Bên cạnh đó, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.

Ông Bình cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, không phải của các đại gia, mà là cuộc cách mạng công nghệ của mọi người, trong đó có những nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.