Viện Hoover của Mỹ: Hợp tác nghiên cứu khoa học Mỹ - Trung đã “giúp Trung Quốc mài gươm”!

VietTimes – Một báo cáo mới đây của Viện Hoover thuộc Đại học Stanford tuyên bố sự hợp tác giữa các học giả và tổ chức nghiên cứu của Mỹ với Trung Quốc đã “giúp Trung Quốc mài gươm”, trực tiếp giúp thúc đẩy Trung Quốc hiện đại hóa quân đội.
Quốc kỳ Trung Quốc, Mỹ và cờ đảng Trung Quốc được trưng bày tại một trung tâm thương mại ở tỉnh Chiết Giang (Ảnh: Reuters).
Quốc kỳ Trung Quốc, Mỹ và cờ đảng Trung Quốc được trưng bày tại một trung tâm thương mại ở tỉnh Chiết Giang (Ảnh: Reuters).

 Báo cáo cũng cho rằng việc cấp thiết hiện nay là phải có các phương pháp mới để xác định và quản lý nguy cơ; đồng thời đề xuất một kế hoạch chính sách tổng hợp nhằm kết hợp giữa việc thực hiện cam kết về mở cửa và toàn cầu hóa nghiên cứu với nhu cầu cần thiết bảo vệ an ninh quốc gia và sức cạnh tranh kinh tế của Mỹ.

254 tác phẩm của “Quốc phòng thất tử”

Theo trang tin Hoa ngữ Creader ngày 31/7, bản báo cáo được Hoover Institution công bố hôm thứ Năm (30/7) có tiêu đề “Global Engagement: Rethinking Risk in the Research Enterprise” (Tham gia toàn cầu: Xem xét lại rủi ro trong các doanh nghiệp nghiên cứu). Các nhà nghiên cứu của Viện Hoover đã tìm thấy trong mạng CNKI chuyên về cơ sở dữ liệu học thuật công cộng được hỗ trợ bởi chính phủ Trung Quốc 254 bản luận văn có đồng tác giả là các nhà nghiên cứu từ 115 trường đại học và phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ và các nhân viên nghiên cứu của 7 trường đại học và viện nghiên cứu Trung Quốc có liên quan đến PLA được gọi là “Quốc phòng thất tử” (7 người con của quốc phòng).

Viện Hoover - tác giả bản báo cáo gây xôn xao về hợp tác nghiên cứu khoa học Mỹ - Trung (Ảnh: Medium).
Viện Hoover - tác giả bản báo cáo gây xôn xao về hợp tác nghiên cứu khoa học Mỹ - Trung (Ảnh: Medium).

Các luận văn này bao gồm một loạt các chủ đề từ hóa học, quang điện, khoa học vật liệu đến kỹ thuật hải quân. Báo cáo của Viện Hoover chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị nghi ngờ đã che giấu mối liên hệ thực sự của họ với các dự án quốc phòng.

“Quốc phòng thất tử” bao gồm Đại học Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, Đại học Công nghiệp Tây Bắc, Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh và Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh. Trong số 7 trường đại học này có 4 trường nằm trong danh sách các thực thể bị Bộ Thương mại Mỹ quản chế xuất khẩu.

“Cao sản” nhất trong “Quốc phòng thất tử” là Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, 106 trong số 254 bản luận văn đứng tên chung có liên quan đến trường này. Đối tác liên kết với Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân có tới 63 cơ quan nghiên cứu Mỹ, trong đó có Đại học Columbia.

Báo cáo của Viện Hoover tuyên bố: “Việc hợp tác phát triển quân sự với Trung Quốc không phù hợp với lợi ích quốc gia của nước Mỹ”, “sự hợp tác sâu rộng như vậy có thể giúp tăng cường sức mạnh của Trung Quốc như là một đối thủ quân sự của Hoa Kỳ”.

Báo cáo kiến nghị các cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ mở rộng điều tra và đánh giá sự hợp tác với các đối tác Trung Quốc, thiết lập đạo đức và các tiêu chuẩn đạo đức chung để “ngăn chặn sự hợp tác có thể giúp chính phủ tập quyền hoặc việc vi phạm các giá trị dân chủ”.

Chuyên gia quốc phòng Timothy Heath: Cần xem xét cẩn thận hơn các đề xuất hợp tác với các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc và từ chối mọi sự hợp tác có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ” (Ảnh: usc.edu).

Chuyên gia quốc phòng  Timothy Heath: Cần xem xét cẩn thận hơn các đề xuất hợp tác với các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc và từ chối mọi sự hợp tác có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ” (Ảnh: usc.edu).

Mô hình quản lý và đánh giá rủi ro mới

Viện Hoover tuyên bố trong báo cáo rằng cả chính phủ Hoa Kỳ và các trường đại học và phòng thí nghiệm quốc gia của Hoa Kỳ “đều không quản lý đầy đủ các rủi ro khi tiếp xúc nghiên cứu với các thực thể nước ngoài”. “Để bù đắp cho sự thiếu sót này, giới nghiên cứu cần áp dụng mô hình quản lý và đánh giá rủi ro mới và chủ động dựa trên bảo mật hoạt động (OPSEC) và thực hiện thông qua mô hình trưởng thành năng lực (capability maturity modeling)”.

Ông Timothy Heath, một chuyên gia quốc phòng cấp cao của công ty RAND của Mỹ, cũng cho rằng các nhà trường và cơ quan nghiên cứu của Mỹ cần thực hiện các biện pháp giám sát và bảo vệ hiệu quả hơn. Ông nói với VOA: “Cần xem xét cẩn thận hơn các đề xuất hợp tác với các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc và từ chối mọi sự hợp tác có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ”.

Báo cáo chỉ ra rằng các cơ quan nghiên cứu cần đề ra kế hoạch tham gia chiến lược toàn cầu và đánh giá, quản lý rủi ro (GERAMP) và thành lập Văn phòng xem xét tham gia toàn cầu (GERO).

Viện Hoover cũng kiến nghị các tổ chức nghiên cứu thay đổi mô hình của họ, áp dụng bảo mật hoạt động (OPSEC) như một mô hình quản lý để đánh giá và quản lý rủi ro về sợ tham gia của nước ngoài; chính quy hóa và tối ưu hóa khả năng nội bộ thông qua Mô hình tham gia và trưởng thành toàn cầu (GEMM).

Ngoài ra, báo cáo còn đề nghị thành lập một thực thể do chính phủ tài trợ để hỗ trợ tốt hơn việc ra quyết sách.

Đường Quyên,sĩ quan PLA che giấu nhân thân tới Mỹ nghiên cứu vừa bị cơ quan an ninh bắt và khởi tố về tội hoạt động gián điệp (Ảnh: twitter).
Đường Quyên,sĩ quan PLA che giấu nhân thân tới Mỹ nghiên cứu vừa bị cơ quan an ninh bắt và khởi tố về tội hoạt động gián điệp (Ảnh: twitter).

Làm thế nào để đối phó với rủi ro?

“National Review” (Tạp chí quốc gia) từng đăng một bài báo nói rằng Trung Quốc đang gửi các sĩ quan PLA ra nước ngoài để đào tạo, “lợi dụng sự cởi mở và tự do học thuật của các nền dân chủ phương Tây để thu thập thông tin tình báo hoặc thậm chí tiến hành hoạt động gián điệp nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghệ và cạnh tranh quân sự của Trung Quốc”.

Trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ án các học giả Trung Quốc có bối cảnh quân đội đánh cắp kết quả nghiên cứu và công nghệ Mỹ, đe dọa lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ. Làm thế nào để đối phó với những nguy cơ này đã trở thành một vấn đề lớn. Hồi tháng 6, Mỹ đã tuyên bố cấm các công dân Trung Quốc có liên quan đến quân đội vào Mỹ bằng visa sinh viên và học giả. Lệnh cấm này liên quan đến công dân Trung Quốc có visa loại F dùng cho sinh viên tốt nghiệp tham gia nghiên cứu sau đại học và sau tiến sĩ và visa loại J dùng cho học giả đến thăm, nghiên cứu, trao đổi học thuật; các sinh viên, lưu học sinh tới Mỹ du học chuyên ngành sẽ không bị ảnh hưởng.

Jeffrey Stoff, một nhà phân tích cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nói tại cuộc thảo luận về báo cáo của Viện Hoover hôm 30/7: “Có rất nhiều ví dụ trong báo cáo, có thể còn có nhiều sự cố tình trà trộn và làm sai lệch về nhân thân, công việc họ làm và thậm chí nơi họ làm việc”. Do đó, cả chính phủ và giới học thuật đều có trách nhiệm tiến hành điều tra chi tiết hơn về một số dự án.

Ông Stoff cũng nói: “Chúng ta không phải lúc nào cũng biết liệu các nghiên cứu được công bố có tính cơ bản hay không. Điều này đòi hỏi phải kiểm tra cẩn thận hơn, nhưng họ có thể ứng dụng nhiều hơn”.

Tiến sĩ Kevin Gamache, chuyên gia về an ninh nghiên cứu của Đại học Texas A & M, nói tại hội thảo, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với rủi ro. Ông nói: "Khi nói đến việc giảm bớt rủi ro, một phần của nó liên quan đến một quá trình liên tục để đảm bảo rằng chúng ta biết ai đang thực hiện nghiên cứu”.

Ông cũng cho rằng giảm thiểu những rủi ro này là ưu tiên hàng đầu ở cấp quốc gia. “Tác dụng của một trường đại học không vượt quá vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này; cũng như vậy nếu bạn chấp nhận rằng (giảm rủi ro) là một quá trình liên tục, thì các trường đại học chắc chắn có thể phát huy được tác dụng”.

Ông Larry Diamond, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hoover, phát biểu tại hội thảo rằng bản báo cáo được công bố hôm 30/7 không có nghĩa là nhằm loại bỏ người của bất kỳ quốc gia nào. Báo cáo này là về hiểu biết các rủi ro để giúp mọi người có thể thực hiện các biện pháp giảm thiểu thích hợp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân: Hoa Kỳ gần đây đã thổi phồng "sự xâm nhập của Trung Quốc" và “vấn đề gián điệp” nhằm bôi đen Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc Uông Văn Bân: Hoa Kỳ gần đây đã thổi phồng "sự xâm nhập của Trung Quốc" và “vấn đề gián điệp” nhằm bôi đen Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Howard Stoffer, giáo sư Đại học New Haven, người từng giữ chức phó Chủ nhiệm điều hành Ủy ban chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nói với VOA: “Chúng ta phải cẩn thận, không được cung cấp thông tin quân sự chiến lược có thể được một số người Trung Quốc sử dụng. Những người này không thân Mỹ, họ sẽ công kích Mỹ”; “Tôi nghĩ rằng mỗi lần hợp tác đều cần phải được xem xét. Sự hợp tác này có thực sự gây tổn hại cho chúng ta, hay sẽ giúp ích cho chúng ta. Nếu hợp tác có lợi cho cả hai bên thì chúng ta nên làm”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân từng nói rằng để bôi đen và đàn áp Trung Quốc, Hoa Kỳ gần đây đã thổi phồng "sự xâm nhập của Trung Quốc" và “vấn đề gián điệp Trung Quốc”, “đã đạt đến mức ‘thảo mộc giai binh’ và sợ bóng sợ gió”. Ông nói, “Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ ngừng sử dụng cái gọi là vấn đề gián điệp để bôi nhọ Trung Quốc”.