Video: VTV lại... “khoe sai” khi nói về lịch sử?

"Đàn trực thăng trong hình là loại trực thăng UH-1 của quân đội Mỹ, được sản xuất thử từ khoảng năm 1955, đưa vào sử dụng thử trong quân sự vào năm 1959 và tới tận năm 1962 mới sản xuất hàng loạt. Chính vì vậy, nó không thể xuất hiện vào thời điểm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được".
Hình ảnh cắt ghép nhưng sai sót rất nhiều về mặt kiến thức lịch sử được sử dụng trong bản tin của kênh VTV8 (Ảnh chụp màn hình)
Hình ảnh cắt ghép nhưng sai sót rất nhiều về mặt kiến thức lịch sử được sử dụng trong bản tin của kênh VTV8 (Ảnh chụp màn hình)

Sáng ngày 8/5/2016, một độc giả ký tên Lê Trần Nam (ở Đồng Nai) đính kèm đoạn video clip dài 4 phút 15 giây được cho là ghi lại bản tin sáng ngày 7/5/2016 của kênh truyền hình VTV8 (Kênh truyền hình quảng bá dành cho người dân miền Trung – Tây Nguyên). Trong email của mình, độc giả Lê Trần Nam tỏ ra khá bức xúc bởi “Đài truyền hình Việt Nam lại thêm một lần nữa thể hiện sự cẩu thả khi sản xuất, duyệt chương trình và sự thiếu hụt kiến thức lịch sử cơ bản một cách trầm trọng”.

Theo đó, trong một bản tin kỷ niệm 62 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được phát vào sáng ngày 7/5/2016 trên kênh VTV8, người xem đã không thể giấu được sự ngỡ ngàng bởi những hình ảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của nhà đài.

Theo anh Lê Trần Nam, những cái sai trong hình ảnh làm nền phía sau 2 Biên tập viên trong chương trình sáng ngày 7/5 là “không thể chấp nhận được”.

“Nhìn vào hình, chỉ cần một người có chút am hiểu lịch sử nước nhà, người ta sẽ nhận thấy hình ảnh này được cắt ghép rất vô tội vạ. Đàn trực thăng đang bay trong hình là loại trực thăng UH-1 của quân đội Mỹ, được sản xuất thử từ khoảng năm 1955, đưa vào sử dụng thử trong quân sự vào năm 1959 và tới tận năm 1962 mới sản xuất hàng loạt. Chính vì vậy, loại máy bay này không thể xuất hiện vào thời điểm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được. Đàn trực thăng UH-1 này gắn liền với chiến thuật “trực thăng vận” rất đặc trưng của quân đội Mỹ thời chiến tranh Việt Nam và nó cũng gợi nhớ đến những trận càn đẫm máu ở miền Nam Việt Nam thời thập niên 1960 -1970”, anh Lê Trần Nam viết.

Nhưng đó vẫn chưa hết, hình ảnh kéo pháo vào trận địa ở phía góc phải bên dưới của tấm hình phông nền cũng là loại pháo nòng dài 130 ly, xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta chủ yếu sử dụng pháo 105 ly).

“Thật buồn cười là họ đưa cả hình ảnh tên lửa SAM vào bức ảnh nói về chiến thắng Điện Biên Phủ”, độc giả Nam bình luận.

Video clip về bản tin sai sót kiến thức lịch sử do độc giả Lê Trần Nam gửi:

“Tôi hoan nghênh việc Đài Truyền hình Việt Nam đưa những bản tin nhằm gợi nhớ và có tính giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ như thế này. Nhưng khi nói về lịch sử thì chính VTV phải là người am hiểu lịch sử trước đã. Dùng hình ảnh “râu ông nọ, cắm cằm bà kia” thể hiện chính người của nhà đài cũng dốt lịch sử thì hiệu quả gần như không có. Điều nguy hiểm hơn là khi kiến thức lịch sử bị trình bày sai lệch, người xem, đặc biệt là giới trẻ sẽ ngày càng “mù mờ” hơn về lịch sử nước nhà”, độc giả Lê Trần Nam kết thúc bức email của mình.

Cũng cần phải nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên sự sai lệch và nhầm lẫn về kiến thức lịch sử cơ bản xuất hiện trong chương trình của VTV. Hồi tháng 2/2016, trong chương trình S-Việt Nam "Đầu năm vãn cảnh đình Hàng Kênh" phát trên VTV1 xảy ra nhầm lẫn nghiêm trọng khi nói vị anh hùng 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông là Ngô Quyền.

Video: VTV lại... “khoe sai” khi nói về lịch sử? ảnh 1
Trong chương trình S-Việt Nam "Đầu năm vãn cảnh đình Hàng Kênh" phát trên VTV1 xảy ra nhầm lẫn nghiêm trọng khi nói vị anh hùng 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông là Ngô Quyền.

Trước đó, VTV đã làm dậy sóng khán giả khi thuyết minh nhầm vua Thiệu Trị (triều Nguyễn, Việt Nam) thành vua Thuận Trị (triều Thanh, Trung Quốc) trong chương trình “Câu chuyện văn hóa” phát sóng trên VTV1. Không chỉ có những sai sót về kiến thức lịch sử, nhiều chương trình phát trên sóng truyền hình còn có những sự nhầm lẫn về địa lý. Sự nhầm lẫn, sai sót này không còn là chuyện nhỏ, khiến khán giả chỉ trích quyết liệt. VTV cũng từng bị phạt 15 triệu đồng vì việc phát sai bản đồ Việt Nam trong chương trình truyền hình thực tế “Điệp vụ tuyệt mật”. 

Theo Infonet