Trận vòng cung Kursk, hay như lịch sử Nga vẫn gọi là Chiến dịch phòng ngự - phản công Kursk là một trong những chiến dịch lớn nhất trên chiến trường Xô-Đức trong Thế chiến thứ hai, kéo dài từ ngày 5 tháng 7 đến 23 tháng 8 năm 1943 giữa quân đội Liên Xô và quân đội Đức Quốc xã tại vùng đồng bằng giữa các thành phố Kursk (tiếng Nga: Курск), Oryol (Орёл), Belgorod (Белгород) và Kharkov (Харьков) thuộc Liên Xô (cũ), nay thuộc miền trung tây nước Nga và đông Ukraina.
Trong chiến dịch này, có trận đánh này nổi tiếng là trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh bắt đầu từ ngày 10 tháng 7 tại Pokrovka (Покровка) và lên đến đến đỉnh điểm là ngày 12 tháng 7 tại cánh đồng Prokhorovka (Прохоровка). Biến Pokrovka trở thành một trong những trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới.
Cụ thể, lực lượng Đức trong trận Prokhorovka chủ yếu bao gồm 6 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn cơ giới, trong đó có 3 sư đoàn xe tăng SS vốn đã chịu nhiều thiệt hại nặng từ những ngày đầu của trận Kursk. Đến ngày 11 tháng 7, Sư đoàn xe tăng 1 SS Adolf Hitler ngày 11 tháng 7 còn 92 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 2 SS Đế chế còn 94 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 3 SS Đầu lâu còn 105 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 3 (Quân đoàn xe tăng 48) còn 50 xe tăng, Sư đoàn cơ giới "Đại Đức" (Quân đoàn xe tăng 48) còn 123 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 6 (Quân đoàn xe tăng 3) còn 48 xe tăng, Sư đoàn xe tăng 7 (Quân đoàn xe tăng 3) còn 66 xe tăng. Tổng số xe tăng kiểu Tiger I của bảy sư đoàn này là 145 chiếc.
Các tài liệu Liên Xô cho rằng phát xít Đức tung 500–700 xe tăng trong trận này. Theo các nguồn của Đức thống kê được, có 294 xe tăng trong ngày 11 tháng 7, nằm trong biên chế các sư đoàn xe tăng SS số 1, số 2 và số 3 với số lượng lần lượt là 77, 95 và 122 chiếc, sang ngày 12 con số tương ứng là: không rõ, 103 và 121 chiếc, ngày 13 còn 70, 107 và 74 chiếc, đến ngày 14 là 78, 115 và 73 chiếc, và ngày 15 giảm xuống 85, 99 và 77 chiếc. Số liệu cuối cùng được ghi nhận vào ngày 16 là 96, 103 và 96 chiếc. Riêng Quân đoàn xe tăng 2 SS có 494 xe tăng trước khi bước vào trận đánh, nhưng đến ngày 13 tháng 7 chỉ còn đúng 200 chiếc tức 40% biên chế ban đầu. Ngoài ra, các tài liệu của Đức cũng không thống kê được số xe tăng của sư đoàn cơ giới "Đại Đức", sư đoàn xe tăng 3 (Quân đoàn xe tăng 48 và các sư đoàn xe tăng 6, 7 của Quân đoàn xe tăng 3.
Ở phía bên kia chiến tuyến, lực lượng chủ yếu của quân đội Liên Xô tại Prokhorovka là Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5. Tổng số xe tăng và pháo tự hành của quân đội Liên Xô đến ngày 11 tháng 7 tham gia trận này có 877 chiếc; gồm 522 chiếc của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5, 140 chiếc của Quân đoàn xe tăng cận vệ 2, 49 chiếc của Quân đoàn xe tăng 2. Một phần lớn là những xe tăng hạng nhẹ như T-70 (188 chiếc) và xe tăng Churchill MK-3 (31 chiếc). Ngoài ra còn có 48 pháo tự hành chống tăng SU-122 và SU-76 và 18 xe tăng hạng nặng KV-1. Tuy nhiên, một số tài liệu cho rằng không có khẩu SU-152 hay SU-85 nào được tung vào trận chiến.
Tuyến phòng thủ thứ nhất của Hồng quân do Quân đoàn xe tăng cận vệ số 2 và các quân đoàn xe tăng 29, 18 trấn thủ. Các lực lượng dự bị bao gồm Quân đoàn bộ binh cơ giới số 5 và Quân đoàn xe tăng số 2 - vốn đã chịu nhiều thiệt hại. Quân đoàn xe tăng số 18 bố trí 144 xe tăng trong ngày 11 tháng 7, còn quân đoàn số 29 có trong tay 212 xe tăng và pháo tự hành. Tính tổng cộng số xe tăng và pháo tự hành của Hồng quân có thể lên tới con số 500. Ngoài ra, Tập đoàn xe tăng cận vệ số 1 cũng tham gia tấn công một phần binh lực của quân đoàn thiết giáp số 48 (Đức); nhưng họ không được tính vào quân số Liên Xô tham chiến tại Prokhorovka. Một tài liệu khác đưa ra con số 294-429 xe thiết giáp Đức và 616-870 xe thiết giáp Liên Xô tham gia trận Prokhorovka.
Về kết quả trận đánh, Phát xít Đức đã giành được một vài mục tiêu chiến thuật, nhưng thất bại hoàn toàn trong việc đạt được mục tiêu chiến lược của họ. Còn Hồng quân Xô Viết thất bại trong quá trình phản công đẩy lui mũi tấn công của phát xít Đức, nhưng đã thành công trong việc bảo vệ trận địa và ngăn không cho quân Đức chọc thủng phòng tuyến. Cuối trận, cả hai phe đều chịu tổn thất nặng; mặc dù tổn thất của Hồng quân cao hơn nhưng nền công nghiệp quốc phòng cũng như nguồn nhân lực và vật lực dự trữ chiến lược to lớn của Liên Xô dư sức bù đắp những thiệt hại đó; trong khi đó phát xít Đức đã mệt lả và không còn lực lượng dự bị để có thể phát triển tiến công được nữa.
Thống kê lịch sử cho thấy, riêng tại trận Pokrovka, Đức đã bị tổn thất khoảng 300 xe tăng, cùng 522 người chết và mất tích. Còn phía Liên Xô, 388 xe tăng đã bị phá hủy, cũng 5.500 người chết và bị thương.
Chính thất bại tại vòng cung Kursk, mà đỉnh điểm là trận chiến tăng kinh điển Pokrovka, đã đặt dấu chấm hết cho mọi cơ hội giúp phát xít Đức giành lại thế chủ động chiến lược tại Mặt trận Xô-Đức: quân Đức càng lúc càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động cho đến hết chiến tranh.
Nhược Sơn