Vì sao Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

VietTimes -- Nhờ chính sách và luật pháp tạo điều kiện hết mức cho tự do phát triển kinh tế cộng với việc người dân chỉ quan tâm đến vấn đề làm giàu thay vì các vấn đề chính trị, Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các chủ đề bàn bạc ở vùng nông thôn Trung Quốc rất khác so với ở vùng nông thôn nước Mỹ (Ảnh Getty Images)
Các chủ đề bàn bạc ở vùng nông thôn Trung Quốc rất khác so với ở vùng nông thôn nước Mỹ (Ảnh Getty Images)

Trên nhiều khía cạnh về kinh tế, Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn Mỹ.

Một chuyên gia kinh tế hàng đầu người Trung Quốc, ông đã sống nhiều năm ở cả Mỹ và Trung Quốc tin rằng một sự khác biệt rất lớn về văn hóa giữa hai quốc gia này là nguyên nhân thúc đẩy sự trỗi dậy nền kinh tế của Trung Quốc, ông cho tờ Business Insider biết.

Ông Zhang Weining, một giáo sư thuộc Đại học Thương mại Cheung Kong Graduate School, đã lớn lên ở Trung Quốc, nhưng ông đã lấy được bằng Thạc sỹ kinh doanh tại đại học Tây Kentucky, và bằng tiến sỹ tại Đại học Texas, Dallas, Mỹ.

Giáo sư Zhang cho biết khi ông đến thăm các ngôi làng ở vùng nông thôn Trung Quốc, những cuộc bàn luận mà ông nghe được giữa những người dân ở đây là về công nghệ, các mô hình kinh doanh và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, lúc trở lại ngôi nhà của mình ở Kentucky hay Texas, thì những chủ đề chủ yếu giữa những người thuộc giới học giả hay người dân ở đây lại là về vị thống đốc bang, cơ quan lập pháp, hay các chủ đề mang tính chính trị nóng bỏng hiện nay như là vấn đề kiểm soát súng đạn hay vấn đề nạo phá thai. Và các chủ đề đó càng được nói nhiều hơn dưới thời tổng thống Donald Trump.

“Người Trung Quốc chỉ quan tâm đến những chủ đề như: Ai có thể sẽ giàu hơn? Những cách nào làm giàu hợp pháp? Người Trung Quốc thường bàn với nhau nhiều hơn về các mô hình kinh doanh và những công nghệ mới”, ông Zhang nói.

Ông Zhang cho rằng việc người Mỹ luôn quan tâm đến chính trị làm mất rất nhiều công sức và thời gian của họ, mà lẽ ra thời gian đó họ nên dành để tìm tòi về các công nghệ mới hay phát triển các mô hình kinh doanh mới.

“Khi mà bạn chỉ quan tâm đến chính trị, điều đó chẳng có ích gì cho cuộc sống của bạn cả. Không ai trả tiền cho bạn khi làm vậy”, ông Zhang cho biết.

Ông Zhang thừa nhận rằng những cuộc thảo luận về chính trị ở Mỹ là bởi quá nhiều tính văn hóa ở quốc gia này dựa trên việc bảo vệ quyền tự do cá nhân. Nhưng ông cũng nói thêm, người Trung Quốc hiện nay đang tập trung vào một kiểu tự do khác: tự do cho phát triển kinh tế.

Ông Zhang lấy ví dụ về 1,2 triệu người giao hàng ở Trung Quốc, những người này đi khắp các thành phố Trung Quốc để giao hàng, thức ăn và bất cứ thứ gì được thuê. Hầu hết những người này làm việc 12 đến 14 tiếng mỗi ngày, 6 ngày/tuần. “Đây là điều không thể tưởng tượng nổi với người Mỹ”, ông nói.

Theo số liệu từ Ngân Hàng Thế giới, có đến 68% số phụ nữ trên 15 tuổi ở Trung Quốc tham gia vào lực lượng lao động, trong khi đó ở Mỹ con số này chỉ là 58% (Ảnh Reuters)
Theo số liệu từ Ngân Hàng Thế giới, có đến 68% số phụ nữ trên 15 tuổi ở Trung Quốc tham gia vào lực lượng lao động, trong khi đó ở Mỹ con số này chỉ là 58% (Ảnh Reuters) 

Các nhà báo Mỹ thường đến Trung Quốc và phỏng vấn những người giao hàng này, mà trong số đó có rất nhiều người đã tốt nghiệp đại học, về các vấn đề liên quan đến quyền lao động. Nhiều người giao hàng này không được hưởng những quyền lao động như các bộ luật lao động phương Tây quy định như là quyền được trả thêm tiền làm việc ngoài giờ, tiền đền bù cho người lao động, hay bảo hiểm trong những trường hợp gặp tai nạn lao động.

Ông Zhang nói thêm, nhưng những nhà báo này lại không hiểu được một điều rằng những người giao hàng đó muốn có việc làm, bất chấp phải làm việc nhiều giờ hay gặp nguy hiểm. Những người giao hàng này có thể kiếm được 2.000 USD/tháng sau khi trừ thuế - một số tiền đủ để trang trải cho cả gia đình lớn và tiết kiệm cho tương lai ở Trung Quốc.

Đối với những người làm trong các ngành dịch vụ, tham vọng về kinh tế của họ cũng là không có giới hạn. Tham vọng đó tăng theo các nấc thang kinh tế. Những người thuộc tầng lớp trung lưu làm những công việc trí óc như trong các lĩnh vực kỹ thuật và tài chính cũng làm thêm giờ rất nhiều, hoặc để theo đuổi giấc mơ của họ, leo lên đến địa vị ao ước và nhận được sự ngưỡng mộ của người khác, ông Zhang cho biết.

“Tôi đã đến thăm các văn phòng làm việc của tập đoàn Tencent vào lúc 2 giờ sáng, và chứng kiến thấy rất nhiều đèn vẫn sáng ở đây, và rất nhiều nhân viên vẫn đang đi ra. Tất cả người trẻ ở Trung Quốc đều làm việc quá giờ … họ nghĩ rằng nếu như những người khác đều làm 8 tiếng/ngày, thì họ phải làm 10 tiếng. Và nếu những người khác làm 10 tiếng, thì họ phải làm 12 tiếng”, ông nói.

Theo ông Zhang, phải tính đến tất cả nguồn lực và động lực cùng nhau thì bạn sẽ nhận được câu trả lời cho vấn đề tại sao Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Mỹ.