Vì sao Trung Quốc che giấu tàu chở dầu trước mạng lưới theo dõi của Mỹ?

VietTimes -- Hồi đầu tháng 6 năm nay, một siêu tàu vận tải mà Trung Quốc sở hữu bất ngờ "biến mất" trên vùng biển Ấn Độ Dương, hệ thống theo dõi cho thấy dường như con tàu này đã tắt hệ thống định vị.
Một tàu vận tải Trung Quốc neo đậu tại cảng của thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Ảnh: AFP)
Một tàu vận tải Trung Quốc neo đậu tại cảng của thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Ảnh: AFP)

Đây không phải con tàu đầu tiên biến mất khỏi các hệ thống kiểm soát. Đối với các công ty chuyên theo dõi tàu vận tải, việc tắt bộ phát nhận tín hiệu - vốn cấp phát một số nhận dang (ID) riêng biệt do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cấp - ngày càng trở nên phổ biến trong những tuần gần đây.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường nỗ lực theo dõi các tàu vận tải có liên hệ với công ty dầu khí nhà nước lớn nhất của Trung Quốc để phản ứng trước nhiều dấu hiệu cho thấy các tàu này đang giúp Iran vận chuyển dầu thô bất chấp các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Tehran.

"Họ đang cố tình che dấu hoạt động của mình" - Samir Madani, đồng sáng lập website TankerTracker.com, nói với New York Times trong tháng 7 - "Họ không muốn phát đi thông tin rằng họ đã tới Iran, né các lệnh trừng phạt. Rất đơn giản".

Trường hợp của tàu Pacific Bravo - con tàu bị Mỹ đánh dấu do bị tình nghi vi phạm các lệnh cấm vận - càng khiến người ta tò mò. Sau khi số ID nhận dạng theo dõi của con tàu này biến mất, 1 tháng sau, nó bất ngờ xuất hiện và lại gắn với một con tàu có tên khác có tên Latin Venture, dường như nhằm che giấu nhận dạng thực.

Các tàu chở dầu của Trung Quốc, một số thuộc quyền sở hữu của Ngân hàng Côn Lôn - theo giới truyền thông và bằng chứng mà các công ty theo dõi đưa ra - thường áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau. Một số tàu thậm chí còn bị chụp ảnh từ vệ tinh cho thấy chúng đang tiếp xúc với các tàu của Iran.

Những sự kiện diễn ra trên nhiều tuyến thương mại hàng hải thời gian qua đã dẫn tới một câu chuyện lớn hơn, đó là về sự hội tụ giữa 2 trong số các mối quan ngại chính sách ngoại giao cấp bách nhất của chính quyền Trump.

Trong lúc Washington tìm cách ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran như một phần trong chiến lược "sức ép cực đại" để buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán về chính sách hạt nhân và an ninh, Trung Quốc - cũng đang bị khóa trái trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ - dường như đang ném cho Iran một chiếc "phao cứu sinh".

Iran đương nhiên hoan nghênh hành động của Trung Quốc. Nhân chuyến thăm của một quan chức Trung Quốc tới Tehran mới đây, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri đã thể hiện kỳ vọng Bắc Kinh sẽ chủ động hơn trong việc mua dầu thô của Iran.

Phó tổng thống Iran Eshaq Jahangiri (Ảnh: AFP)
Phó tổng thống Iran Eshaq Jahangiri (Ảnh: AFP)

"Tôi nghĩ rằng 2 vấn đề này đã hội tụ được một khoảng thời gian rồi" - Ali Vaez, chuyên gia phân tích Iran thuộc tổ chức Crisis Group, nhận định - "Nguyên nhân chính là Trung Quốc ban đầu tuân thủ chính sách của Mỹ và giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Iran bởi họ hy vọng rằng nó sẽ mang lại lợi thế trong đàm phán thương mại. Nhưng ngay khi các vòng đàm phán đi vào bế tắc, Trung Quốc lập tức thay đổi và nối lại hoạt động nhập khẩu dầu từ Iran".

Dù nỗ lực né lệnh cấm vận của Trung Quốc đến nay vẫn còn hạn chế, nhưng ông Vaez cùng nhiều nhà phân tích đang theo dõi sát sao vấn đề này nói rằng thông điệp mà Bắc Kinh gửi đi đã rõ: Trung Quốc "có thể hoặc đóng góp hoặc phá vỡ chính sách sức ép cực đại của Mỹ".

Sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc đổi lại đã khiến Mỹ tung ra các đòn trừng phạt mới trong tháng 7 nhằm vào công ty nhập khẩu dầu thô Zhuhai Zhenrong của nước này - vốn đóng góp hơn 60% tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc với Iran - vì "vi phạm luật pháp Mỹ bằng việc tiếp nhận dầu thô".

Tuy nhiên, ông Vaez nhấn mạnh rằng, việc tiếp cận nguồn dầu thô của Iran không chỉ đơn giản là làm tăng đòn bẩy trong đàm phán thương mại của Trung Quốc, mà còn phản ánh chiến lược dài hạn của họ nhằm tự tách mình khỏi vị trí đồng lõa với các hành động của Mỹ mà họ lo ngại sẽ dẫn tới thay đổi chế độ ở Iran.

"Trung Quốc có những tính toán rất phức tạp về vấn đề Iran. Đó là một quốc gia giàu dầu mỏ duy nhất mà Mỹ chưa đặt chân tới. Xét từ quan điểm nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, Iran đóng vai trò rất quan trọng" - ông Vaez nói - "Nhưng mặt khác, Trung Quốc cần giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ trong các vòng đàm phán và họ cũng cần phải cân bằng các mối quan hệ với các nước giàu dầu mỏ khác như Arab Saudi".

Sanam Vakil - chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) - tin rằng thủ đoạn né đòn cấm vận hiện nay đã phản ánh rõ mong muốn của cả Trung Quốc và Iran trong việc tránh xung đột trực diện về vấn đề này, trong lúc mà Tehran ngày càng "sáng tạo" hơn trong hoạt động xuất khẩu dầu thô của họ.

Đối với ông Vakil, một trong những điều đáng chú ý nhất ở đây chính là sự bất lực của chính quyền Trump trong việc kiểm soát các cuộc khủng hoảng chồng lấn mà sự việc trên gây ra. "Thật không may cho chính sách ngoại giao của Mỹ khi phải đối diện với quá nhiều cuộc khủng hoảng chồng lấn. Chính phủ Mỹ không thể nào đạt được tất cả những mục tiêu mà họ đặt ra" - ông Vakil nói.

Ông Vaez cũng đồng ý với quan điểm trên, thêm rằng việc Trung Quốc nhập dầu của Iran cũng có thể nhận được sự ủng hộ ngầm từ các nước châu Âu - hiện vẫn đang cam kết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp Washington đã đơn phương rút khỏi.

"Tôi không chắc chính quyền Trump có đủ nguồn lực và sự hiểu biết chiến lược để liên kết tất cả các điểm mấu chốt này hay không. Quá nhiều vấn đề của họ, bao gồm cả vấn đề Triều Tiên và Iran, đều phụ thuộc vào cách mà chính quyền Trump ứng xử với Trung Quốc" - ông Vaez nói.

Theo The Guardian