Vì sao Tổng thống Trump áp dụng lại chiêu bài "lửa và phẫn nộ" với Iran?

VietTimes -- Có nhiều người cho rằng cuộc khẩu chiến đang diễn ra giữa Iran và Mỹ có nhiều điểm tương đồng với những gì từng diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên năm 2017. Họ đã đúng, bởi Mỹ dường như đang sử dụng chiêu bài mà họ từng áp dụng với Triều Tiên.
Iran hiện đang phải chịu lệnh trừng phạt kinh tế và vũ khí từ Mỹ (ảnh CNN)
Iran hiện đang phải chịu lệnh trừng phạt kinh tế và vũ khí từ Mỹ (ảnh CNN)

Khó có thể phủ nhận rằng chính quyền Tổng thống Trump đang sử dụng một chiến lược tương tự như chiến lược mà họ từng áp dụng với Triều Tiên để ép nước này trở lại bàn đàm phán đối với Iran: Gây "sức ép cực đại", bằng các đòn trừng phạt nhằm vào nền kinh tế, sau đó cố gắng nối lại đàm phán. Chiến lược này có thể tóm gọn như sau: Washington đối phó với những mối đe dọa bằng cách tung ra thêm những lời đe dọa, sau đó thể hiện mong muốn đàm phán, giải quyết bất đồng, xoa dịu căng thẳng...và cuối cùng là tuyên bố "chiến thắng".

Trở lại năm 2017, trong các cuộc khẩu chiến với Triều Tiên, khó ai có thể quên được cụm từ "lửa và phẫn nộ" nổi tiếng mà ông Trump từng đưa ra khiến cho tình hình căng thẳng giữa hai nước lên tới mức đỉnh điểm: "Triều Tiên tốt nhất là không nên tung thêm lời đe dọa với nước Mỹ. Họ sẽ bị trừng phạt bởi lửa và phẫn nộ mà thế giới chưa từng được chứng kiến".

Và gần đây, người ta lại chứng kiến ông Trump đưa ra lời đe dọa tương tự trên Twitter, nhưng lần này là nhắm vào Iran: "Nếu Iran muốn chiến tranh, đó sẽ là kết thúc của Iran. Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa!".

Van Jackson - cựu quan chức Quốc phòng dưới thời chính quyền Obama và là tác giả của cuốn sách "Trên bờ vực: Trump, Kim và mối đe dọa Chiến tranh Hạt nhân", từng đưa ra nhận định: "Ông Trump đã lao vào một canh bạc khi đưa ra những lời đe dọa mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên, nhưng đến giờ ông chưa phải trả bất kỳ cái giá nào, bởi vậy mà ông ấy nghĩ rằng đó là một canh bạc hời".

Vị chuyên gia cho rằng ông Trump không hề biết rằng ông đã suýt đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh hạt nhân, kể từ năm 1962. Và suy nghĩ về "canh bạc hời" đó giờ tiếp tục khiến ông đưa ra quyết định rủi ro khác, đó là áp dụng chiến lược tương tự với Iran - một quốc gia cũng sở hữu sức mạnh hạt nhân.

Trước ống kính phóng của phóng viên trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News hôm Chủ nhật tuần trước, ông Trump lại đưa ra giọng điệu mềm mỏng hơn nhiều. "Tôi chỉ không muốn họ sở hữu hạt nhân, và họ cũng không thể đe dọa chúng ta như thế được. Với những gì đang diễn ra, tôi không phải một người mong muốn lao vào một cuộc chiến, bởi chiến tranh gây tổn hại kinh tế và quan trọng nhất là cướp đi sinh mạng con người" - ông Trump nói.

Trong khi đó, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei liên tiếp bác bỏ cáo buộc cho rằng Iran đang chế tạo bom nguyên tử và nói rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt là thứ cấm kỵ trong Hồi giáo.

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, ông Trump đã nêu ra vấn đề Triều Tiên như một chiến thắng về mặt ngoại giao. "Khi tôi tới Triều Tiên, thời điểm đó có rất nhiều vụ thử hạt nhân, tên lửa được phóng lên mọi lúc, chúng tôi đã có khoảng thời gian khó khăn nhưng sau đó đã hòa hợp. Và hãy nhìn tình hình bây giờ mà xem" - ông Trump nói.

Ông Trump tiếp tục: "Giờ đây, tôi không nghĩ rằng tôi đã quên nói với họ khi tôi rời Việt Nam, nơi chúng tôi có Hội nghị thượng đỉnh lần hai. Tôi nói với Chủ tịch Kim một điều rất quan trọng là: Nhìn xem, các ông chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận, bởi ông ấy muốn hủy 2 bãi thử, trong khi ông ấy có tới 5 bãi thử. Tôi hỏi rằng thế còn 3 bãi thử kia thì sao? Điều đó không ổn, nếu chúng ta muốn một thỏa thuận, đó phải là thỏa thuận thực sự. Nhưng ít ra thì họ chưa thử nghiệm vũ khí lần nào suốt 2 năm qua".

Nhưng vấn đề là ở chỗ, không ai biết rõ liệu chiến lược đối phó với Triều Tiên của ông Trump có thực sự đem lại kết quả hay không. Tính đến thời điểm hiện tại thì có vẻ như mọi việc không tiến triển.

"Có thể thấy rõ ràng là chiến lược của Tổng thống là tăng sức ép với Iran để buộc họ đàm phán lại các điều khoản trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA, hay thỏa thuận hạt nhân Iran), mà ông ấy cho rằng có nhiều lỗ hổng bởi nó phép Iran thực hiện một chính sách ngoại giao có phần tham vọng trong khu vực cùng khả năng phát triển phòng thủ" - Vipin Narang, Giáo sư chuyên nghiên cứu các vấn đề phổ biến hạt nhân thuộc ĐH Công nghệ Massachussetts (MIT), nhận định.

Người Iran đốt một lá cờ Mỹ trong một cuộc mít tinh kỷ niệm 39 năm Cách mạng Hồi giáo 1979, tại Tehran, Iran, Chủ nhật, ngày 11 tháng 2 năm 2018 (ảnh AP)
Người Iran đốt một lá cờ Mỹ trong một cuộc mít tinh kỷ niệm 39 năm Cách mạng Hồi giáo 1979, tại Tehran, Iran, Chủ nhật, ngày 11 tháng 2 năm 2018 (ảnh AP)

Tổng thống Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, bất chấp sự phản đối của cả Iran lẫn các nước châu Âu tham gia đặt bút ký vào thỏa thuận này, vào tháng 5/2018.

"Rất nguy hiểm khi cho rằng có thể áp dụng chiến thuật cũ với Iran, với niềm tin sai lạc rằng nó sẽ có tác dụng như với Triều Tiên trước đây. Bằng chứng về tác dụng của chiến thuật này rất không rõ ràng, nếu không muốn nói là phản tác dụng" - ông Narang nhận định.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump đã không đạt được một thỏa thuận trong kỳ hội nghị thượng đỉnh gần nhất, và rõ ràng ngày càng trở nên xa cách trong việc đưa ra những tiền đề để hướng tới ký kết một thỏa thuận. Ông Trump từng công khai thúc đẩy ký kết thỏa thuận với ông Kim, mà trong đó cả hai bên đều "chơi tất tay": Triều Tiên hủy bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc được gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận.

Ông Kim từng nêu rõ rằng ông không hài lòng với các vòng đàm phán tiếp theo kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Trong một bài phát biểu trước đảng Lao động hồi tháng trước, ông nói rằng ông sẽ chờ cho đến cuối năm nay xem "liệu Mỹ có thể đưa ra được một quyết định dũng cảm hay không".

"Tuyên bố chiến thắng trước Triều Tiên trong khi kết quả chả có gì, ông Trump đã tạo ra 2 mặt trận nguy hiểm: Một là với Triều Tiên, khi mà lãnh đạo Kim Jong-un đang tăng dần các hành động gia tăng căng thẳng mà Mỹ xem là khiêu khích; hai là với Iran bởi ông Trump dường như đang muốn lập lại chiến thuật mà ông từng áp dụng với Triều Tiên và hy vọng nó sẽ mang lại kết quả" - ông Jackson nhận định.

Điều đáng thất vọng đối với nhiều người ở Washington hiện tại là, Bình Nhưỡng đã nối lại các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Triều Tiên chỉ chấp nhận ngừng thử nghiệm các loại tên lửa tầm xa có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ, nhưng vẫn được phép thử tên lửa tầm gần - trên lý thuyết sẽ đe dọa các nước láng giềng và quân đội Mỹ đồn trú trong khu vực. Sau vụ thử nghiệm gần đây nhất, ông Trump nói rằng ông không nghĩ Triều Tiên đã "sẵn sàng đàm phán".

Chính quyền Bình Nhưỡng từng tiết lộ rằng họ mong muốn có một tiến trình từng bước, theo giai đoạn, để xây dựng lòng tin giữa hai bên. Washington thì lại lo ngại rằng hướng tiếp cận này sẽ khiến họ dễ bị lợi dụng bởi Triều Tiên.

Vấn đề khúc mắc nhất ở chỗ: Triều Tiên sẽ chỉ giải giáp toàn diện chương trình vũ khí hạt nhân nếu họ có niềm tin thực sự và một mối quan hệ ổn định với nước Mỹ. Trong khi Mỹ chỉ muốn xây dựng quan hệ bình thường với Triều Tiên nếu nước này từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump có thể không có đủ thời gian để phát triển lòng tin từng bước như vậy, và việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - bất chấp thực tế rằng Tehran đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chứng minh là tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận - một lần nữa đặt ông vào vị trí đàm phán cực kỳ khó khăn.

Những người ủng hộ ông Trump cho rằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gửi đi tín hiệu rõ ràng tới ông Kim Jong-un về kiểu thỏa thuận mà chính quyền Trump sẵn sàng đàm phán. Mặt khác, những người chỉ trích ông cho rằng hành động trên chỉ khiến cho Bình Nhưỡng, Tehran hoặc bất kỳ bên nào khác sẵn lòng đàm phán với Mỹ nghĩ rằng, bất cứ thỏa thuận nào ký với Mỹ đều chỉ tồn tại được trong khoảng thời gian cầm quyền của một vị Tổng thống là người đã đặt bút ký nó.