Vì sao San Francisco là thành phố đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt?

VietTimes – Tòa thị chính San Francisco (Mỹ) vừa phê chuẩn một Quyết định cấm Sở Cảnh sát và các cơ quan sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Đây là thành phố đầu tiên và không phải là thành phố duy nhất ban hành lệnh cấm này.
(ảnh CNET)
(ảnh CNET)

Quyết định cấm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt đã được thông qua tại San Francisco với tỷ lệ 8/1. Quyết định đưa ra một tiến trình để cảnh sát thành phố phải công bố họ đang sử dụng công nghệ giám sát nào, các thiết bị mà họ sử dụng để đọc biển số xe và theo dõi vị trí và chuyển động của người dân. Những người ủng hộ Quyết định nói rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư của công dân, thậm chí việc xem xét sử dụng công nghệ (chứ chưa nói đến triển khai) cũng là điều không nên làm.

Ông Brian Hofer, Giám đốc điều hành của nhóm bảo vệ quyền riêng tư Secure Justice cho biết: “Công nghệ giám sát khuôn mặt là một sự vi phạm lớn về pháp lý và tự do dân sự. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu công nghệ nhận diện trở nên chính xác hơn, khiến cho từng bước di chuyển của chúng ta đều bị theo dõi”.

Nhóm của ông Brian cùng với một số nhóm vận động khác đã cất tiếng nói mạnh mẽ để Quyết định cấm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt được thực thi.

San Francisco là thành phố đầu tiên của Mỹ ban hành lệnh cấm này, tuy nhiên đây không phải là thành phố duy nhất thực hiện việc đó. Một vài thành phố khác trong đó có Oakland, Berkeley và Somerville cũng đang xem xét ban hành lệnh cấm. Đây là một phần trong chiến dịch kháng công nghệ được khởi xướng bởi các nhóm bảo vệ quyền riêng tư, các luật sư và một số công ty công nghệ.

Tháng 7 năm ngoái, Microsoft cũng đã yêu cầu chính quyền liên bang phải kiểm soát công nghệ nhận diện khuôn mặt trước khi nó được sử dụng rộng rãi. Microsoft cũng từ chối bán công nghệ này cho các cơ quan thực thi pháp luật.

Trên thực tế, công nghệ này đang dần xâm nhập vào các sân bay, các trung tâm mua sắm. Một số công ty hi-tech như Amazon lại đang bán công nghệ này cho các sở cảnh sát.

“Lệnh cấm này đã gửi một tín hiệu đến các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn quốc để họ phải nhận ra rằng, nếu muốn sử dụng công nghệ, họ phải thuyết phục được công chúng rằng nhận diện khuôn mặt sẽ được sử dụng theo một cách thức đúng đắn nhất, có sự tôn trọng người dân và những vấn đề của nó đều được công bố rõ ràng”, bà Mana Azarmi, một người ủng hộ Quyết định thuộc Trung tâm Dân chủ và Công nghệ, nhận xét.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, Sở cảnh sát San Francisco nói rằng họ không sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, nội dung tuyên bố có đoạn:

“Nhiệm vụ của Sở cảnh sát San Francisco là phải cân bằng một cách thận trọng với nhu cầu bảo vệ các quyền tự do dân sự, trong đó có quyền riêng tư và tự do biểu đạt. Mặc dù chúng tôi rất vui khi thấy một số lo ngại của mình được giải quyết bằng luật pháp, nhưng cho đến khi chính sách được áp dụng vào thực tế, chưa biết nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Sở cảnh sát như thế nào”.

Tony Montoya, Chủ tịch Hiệp hội Sĩ quan Cảnh sát San Francisco, cho biết hiệp hội không phản đối lệnh cấm nói trên, nhưng ông lo ngại rằng nó sẽ lấy đi một công cụ điều tra hữu ích. “Có thể có những hậu quả không lường trước cản trở khả năng điều tra nghi phạm", Montoya nói.

Ông Montoya cũng nói thêm rằng cảnh sát không thực hiện các vụ bắt giữ chỉ dựa vào sự dẫn dắt từ các công cụ điều tra điện tử, mà họ đã điều tra rất kỹ từ trước rồi mới tiến hành bắt giữ nghi phạm.