Vì sao nhân viên LHQ có thể làm việc không lương trong tháng tới?

VietTimes -- Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres vừa phải kêu gọi các nước thành viên đóng góp đầy đủ các khoản tiền như cam kết trong lúc mà tổ chức này đối mặt với một “cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng” đến mức nhân viên của họ có thể không được hưởng lương vào tháng tới.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (Ảnh: Getty)
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (Ảnh: Getty)

Liên hợp quốc đang trải qua đợt thâm hụt ngân sách tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua. Tổng thư ký LHQ cảnh báo rằng tổ chức này có thể phải bước vào tháng 11 “mà không có đủ tiền để trang trải” cho các hoạt động. “Công việc và các kế hoạch cải cách của chúng ta đang chịu rủi ro” – ông nói.

Hướng tới lễ kỷ niệm 75 năm thành lập, LHQ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh trật tự thế giới có nhiều biến động, và cuộc khủng hoảng tài chính mà họ đang trải qua xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm khoản đóng góp của đất nước ông cho LHQ.

Ông Guterres nói rằng tính từ tháng 1 năm nay, LHQ đã có nhiều nỗ lực cắt giảm chi tiêu. Nếu không có các biện pháp như vậy, tổ chức này đã không có đủ nguồn vốn để tổ chức kỳ họp Đại hội đồng vào tháng 9 vừa qua.

Hiện nay, tại LHQ vẫn còn nhiều vị trí công việc bỏ trống trong khi các nhân viên của tổ chức này giờ phải hạn chế di chuyển để tiết kiệm ngân sách. Bởi vậy, ông Guterres kêu gọi các nước thành viên LHQ “thực hiện đầy đủ và đúng hạn các cam kết tài chính”.

Trong tổng số 193 nước thành viên, có 129 nước đã hoàn tất khoản đóng góp cho ngân sách hoạt động của LHQ – theo phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ, Stephane Dujarric. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, 70% lượng tiền cần thiết cho ngân sách hoạt động của LHQ đã được đóng góp, trong khi cùng thời điểm năm ngoái con số này là 78%.

“Tổ chức có thể đối mặt với khả năng cạn tiền để chi trả lương và các khoản mua sắm hàng hóa, dịch vụ vào cuối tháng 11 tới, trừ khi các nước thành viên thực hiện đầy đủ cam kết đóng góp” – ông Dujarric nói.

Chính quyền Trump đã liên tục gây sức ép với LHQ kể từ khi cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhậm chức vào đầu năm 2017, buộc tổ chức này liên tục phải cắt giảm chi tiêu. Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ thì nước này đóng góp tới 22% cho ngân sách hoạt động thường niên của LHQ. Washington hiện chưa đóng góp đầy đủ bởi chủ trương sẽ nộp khoản tiền đóng góp vào cuối năm nay.

Theo nhiều báo cáo, Mỹ cam kết sẽ đóng góp 674 triệu USD cho ngân sách hoạt động của LHQ trong khoảng 2018-2019. Tuy nhiên, nước này nợ đóng góp tới 1.055 tỷ USD, tích lũy từ các năm trước đó – theo Văn phòng phát ngôn viên của LHQ.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã dần rút khỏi các cam kết quốc tế mà họ tham gia trước đây, trong đó có việc xem xét lại nhiều hiệp ước.

Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga, tiêu hủy một thỏa thuận kiểm soát vũ trang quan trọng vốn rất hữu hiệu trong việc hạn chế triển khai các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km.

Trong hôm thứ 9/10, một quan chức Mỹ giấu tên còn tiết lộ rằng chính quyền Trump sẽ sớm công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Hiệp ước được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 34 nước thành viên thực hiện các chuyến bay do thám phi vũ trang trên lãnh thổ của các thành viên khác.

Theo CNN