Vì sao người dân thích bệnh viện ở Sài Gòn hơn ở Hà Nội?

VietTimes -- Trong số 60 bệnh viện (BV) công trên cả nước được khảo sát trong năm 2018, BV Đại học Y Dược TP.HCM được người bệnh bày tỏ sự hài lòng cao nhất.
Khám bệnh cho người dân tại một Trạm Y tế xã
Khám bệnh cho người dân tại một Trạm Y tế xã

Đứng đầu các BV được người dân đánh giá cao là BV Đại học Y Dược TP.HCM. Giành vị trí “á quân” là BV Đại học Y Hà Nội. Vị trí thứ ba thuộc về BV điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương. Đứng đầu nhóm BV tuyến tỉnh là BV Lao phổi Ninh Bình, lần lượt tiếp theo là BV Hùng Vương, BV Sản Nhi Quảng Ninh, BV Phụ sản Hà Nội.

Không được người bệnh tin cậy, nên BV Đa khoa (ĐK) Quảng Ngãi ở vị trí cuối bảng trong số các BV được khảo sát, tiếp theo là BVĐK Tiền Giang, BVĐK Hà Đông, BVĐK Thanh Hóa, Ung bướu Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, người bệnh bày tỏ sự hài lòng hay không qua việc đánh giá về 11 lĩnh vực, gồm: Kết quả điều trị; Cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc; Chi phí điều trị; Trình độ chuyên môn, tay nghề; Thái độ giao tiếp ứng xử; Nhà vệ sinh; Giường và chăn ga gối đệm; Thông tin về thuốc và chi phí điều trị; Giải thích tình trạng bệnh và điều trị; Sơ đồ biển báo trong BV; Hỏi và gọi được nhân viên y tế.

Năm 2018, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ ở các BV lớn, BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh được người bệnh đánh giá cao hơn năm 2017, cho thấy nỗ lực của ngành y tế trong cải tiến cơ sở vật chất đã được ghi nhận. Tuy nhiên, nhà vệ sinh và giường bệnh vẫn là 2 điều khiến người bệnh “sợ” nhất khi vào BV.

Khảo sát về sự hài lòng của bệnh nhân với các BV do Bộ Y tế và Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana, Hoa Kỳ thực hiện trong khuôn khổ Dự án được Oxfam Việt Nam, Đại sứ quán Bỉ và Đại sứ quán Hà Lan tài trợ.

Có một kết luận quan trọng trong khảo sát này là, việc phục vụ ở các BV ở TP. Hồ Chí Minh được người dân hài lòng hơn các BV ở Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, có 4/6 yếu tố mà người bệnh đánh giá cao các BV ở TP. Hồ Chí Minh là kết quả cung cấp dịch vụ; chi phí khám, chữa bệnh (KCB); cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh.

Trong khi đó, các BV ở Hà Nội lại được bệnh nhân đánh giá cao ở 3 phương diện: khả năng tiếp cận dịch vụ KCB; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh.

Bác sĩ BV Đại học Y  - Dược TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho người dân
Bác sĩ BV Đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho người dân

 Tại sao BV Đại học Y  - Dược TP. Hồ Chí Minh được người bệnh hài lòng nhất, là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Theo nhóm chuyên gia khảo sát, BV này được thiết kế theo tiêu chuẩn BV quốc tế, có môi trường KCB tiện nghi, xanh - sạch - đẹp, an ninh. Mỗi năm BV tiếp nhận hơn 2 triệu lượt người khám bệnh ngoại trú, 55.000 người điều trị nội trú, hàng chục ngàn ca mổ.

Trong 6 nhóm yếu tố được người bệnh quan tâm nhất ở BV Đại học Y  - Dược TP. Hồ Chí Minh, thì thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế được đánh giá cao nhất, tiếp theo là cơ sở vật chất, rồi đến kết quả cung cấp dịch vụ.

 Tuy nhiên, chi phí KCB ở BV Đại học Y  - Dược TP. Hồ Chí Minh lại là điều khiến người bệnh không hài lòng nhất, mà theo nhiều người cho là “giá cao”.

“Kết quả khảo sát này sẽ giúp các BV thấy cần tiếp tục nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của điều dưỡng và các nhân viên  y tế khác. Đặc biệt là thái độ của bộ phận thanh toán, nhân viên bảo vệ, nhân viên trông giữ xe; chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất thiết yếu như giường, chăn, ga, gối, đệm, nhà vệ sinh bên cạnh những trang thiết bị phục vụ KCB tiên tiến” – TS. Trần Ngọc Anh  - đại diện nhóm khảo sát khuyến cáo.

Kết quả này cũng giúp các BV thấy rõ cần nỗ lực cải thiện chất lượng KCB từ góc nhìn của người bệnh, là yêu cầu cấp thiết đối với BV từ cả khía cạnh đạo đức, chuyên môn lẫn kinh doanh.

Khảo sát này cũng phản ánh hiệu quả KCB trong thanh toán BHYT và đáng để Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sử dụng, từ đó, nghiên cứu để từng bước chuyển đổi cơ chế tài chính theo tiêu chí lấy người bệnh làm Trung tâm như xu thế chung của thế giới.