Vì sao Mỹ bất ngờ rút tổ hợp Patriot khỏi Trung Đông?

VietTimes – Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay Mỹ đã quyết định rút 2 trong số 4 tổ hợp tên lửa đánh chặn Patriot khỏi Arab Saudi và 2 tổ hợp khác ở Trung Đông nhằm giảm thang căng thẳng với Iran.
Tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ (Ảnh: Sputnik)
Tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ (Ảnh: Sputnik)

Vào tháng 9/2019, Mỹ đã triển khai thêm lực lượng quân sự, trong đó có nhiều tổ hợp tên lửa Patriot, tới Trung Đông để đối phó với cái mà Lầu Năm Góc gọi là "thái độ thù địch" của Iran, sau khi Washington cáo buộc Tehran tấn công nhằm vào các tàu chở dầu tại Vùng Vịnh.

Theo nguồn tin được Bloomberg dẫn lại, các tổ hợp Patriot của Mỹ đặt rại Arab Saudi rất có khả năng sẽ được thay thế bởi các tổ hợp khác, và rằng hơn 12 hệ thống phòng không như vậy cùng với một tổ hợp THAAD vẫn được duy trì trong khu vực.

Vị quan chức này nói thêm rằng, 4 tổ hợp Patriot đáng lẽ ra đã được Mỹ rút từ hồi tháng 3 nhưng kế hoạch này bị trì hoãn sau khi xảy ra 2 vụ tấn công bằng rocket nhằm vào Trại quân sự Taji ở Iraq hồi cuối tháng đó. Washington cho rằng đây là những vụ tấn công được thực hiện bởi các nhóm vũ trang thân Iran - điều mà Iran bác bỏ.

Theo quan chức này, khả năng quân sự của Mỹ ở Trung Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc rút tổ hợp Patriot, trong khi Washington đang tiếp tục tăng cường các hệ thống phòng không của họ trong khu vực.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sean Robertson cũng cho hay "Bộ Quốc phòng vẫn duy trì khả năng quân sự mạnh mẽ, bao gồm phòng không, để đối phó với những sự vụ liên quan tới Iran nếu cần thiết; chúng tôi cũng duy trì khả năng tăng cường các lực lượng trên".

Đề cập tới kế hoạch rút tổ hợp Patriot mà tờ Wall Street Journal đăng tải trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông "không muốn bàn về điều này, nhưng chúng tôi đang thực hiện một số việc".

"Chúng tôi đang thực hiện rất nhiều bước đi, cả ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Chúng tôi đang làm rất nhiều thứ liên quan tới quân sự trên toàn thế giới" - ông Trump nói.

Mặc dù nguồn tin mà Bloomberg dẫn lại cho rằng động thái mới của Mỹ là nhằm giảm thang căng thẳng với Iran, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hôm thứ Ba nói với báo giới rằng, Lầu Năm Góc tin rằng Iran vẫn là một mối đe dọa.

"Iran vẫn tiếp tục những hành vi thâm hiểm trên khắp khu vực. Chính phủ Iran vẫn tiếp tục xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố, xuất khẩu hành vi thâm hiểm nhờ vào nhóm Houthi tới Iraq, Syria" - ông Esper nhấn mạnh.

Căng thẳng Mỹ-Iran không có dấu hiệu giảm

Quyết định triển khai thêm 1.000 binh sĩ và tổ hợp Patriot tới Trung Đông được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đưa ra vào tháng 6/2019. Thời điểm đó, ông Shanahan nói rằng lực lượng triển khai thêm sẽ được sử dụng "vì mục đích phòng thủ trước những mối đe dọa cả trên không, dưới biển và trên mặt đất" trong khu vực.

"Các cuộc tấn công mới đây của Iran nhằm vào các tàu chở dầu trên Vùng Vịnh đã xác nhận thông tin tình báo đáng tin cậy mà chúng tôi nhận được liên quan tới hành vi thù địch các lực lượng Iran, các nhóm thân Iran đang đe dọa nhân sự và lợi ích của Mỹ trên toàn khu vực" - ông Shanahan tuyên bố

Tehran đã cực lực bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào họ.

Căng thẳng dai dẳng giữa Tehran và Washington đã tăng nhiệt sau khi tướng Iran Qasem Soleimani bị ám sát trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái (drone) mà Tổng thống Trump chỉ đạo thực hiện ở Baghdad, Iraq ngày 3/1/2020.