Năm Tý nói chuyện Chuột

Vì sao chuột là loài vật được sử dụng trong các thí nghiệm y tế?

VietTimes – Từ việc nghiên cứu điều chế các loại thuốc điều trị ung thư mới cho đến thử nghiệm bổ sung chế độ ăn uống, chuột đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện ra những phương pháp điều trị mới. Trên thực tế, 95% các thí nghiệm y tế với loài vật là thực hiện trên chuột.
Chuột là loài vật thường được sử dụng trong các thí nghiệm y tế (ảnh Internet)
Chuột là loài vật thường được sử dụng trong các thí nghiệm y tế (ảnh Internet)

Các nhà khoa học và nhà nghiên cứu dựa vào chuột vì nhiều lý do. Một trong những lý do cơ bản là sự thuận tiện: chuột là loại gậm nhấm nhỏ, dễ nuôi, thích nghi tốt với môi trường mới. Chúng cũng sinh sản nhanh chóng và có tuổi thọ ngắn – từ 2 đến 3 năm, vì vậy một vài thế hệ chuột có thể được quan sát nghiên cứu trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Chuột là loài vật rẻ tiền mà người ta có thể mua với số lượng lớn từ những hộ chăn nuôi thương mại. Chúng là loài gậm nhấm tương đối ôn hòa và ngoan ngoãn, giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng xử lý.

Hầu hết các con chuột sử dụng trong các thí nghiệm y tế đều được lai tạo, cho nên bên cạnh sự khác biệt về giới tính thì chúng gần như giống hệt nhau về mặt di truyền. Điều này giúp làm cho các kết quả của thử nghiệm y tế thống nhất hơn – theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Gien người (Hoa Kỳ). Có một yêu cầu tối thiểu là chuột sử dụng trong các thí nghiệm phải cùng một loài thuần chủng.

Một lý do khác khiến chuột được sử dụng trong các thí nghiệm y tế là do đặc điểm di truyền, sinh học và hành vi của chúng gần giống với con người. Nhiều triệu chứng của con người có thể thấy được ở chuột.

Nhà khoa học Jenny Haliski, đại diện Văn phòng Bảo vệ Động vật phòng thí nghiệm của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Chuột là động vật có vú có nhiều quá trình sinh học giống con người và thích hợp để trả lời nhiều câu hỏi nghiên cứu”.

Trong hai thập kỷ qua, những điểm tương đồng đó đã trở nên mạnh mẽ hơn. Các nhà khoa học hiện có thể nhân giống những con chuột biến đổi gien, mang những gien tương tự như gien gây bệnh cho con người. Các nhà khoa học có thể tìm cách vô hiệu hóa các gien gây bệnh trên chuột bằng cách biện pháp như hóa chất để từ đó đánh giá tác động của hóa chất đối với ung thư cũng như đánh giá sự an toàn của thuốc.

Loài gậm nhấm như chuột cũng dễ dàng giải phẫu. Các nhà khoa học dễ dàng hiểu rõ về sinh lý học và di truyền học của chuột, từ đó dễ dàng phát hiện ra nguyên nhân khiến chuột thay đổi hành vi.

Một số con chuột được sinh ra không có hệ thống miễn dịch. Nó có thể đóng vai trò là mẫu nghiên cứu cho các mô bình thường và ác tính ở con người.

Một số bệnh tật mà người và chuột tương đồng với nhau khiến cho chuột được sử dụng để làm mô hình thí nghiệm:

Tăng huyết áp

Bệnh tiểu đường

Đục thủy tinh thể

Béo phì

Co giật

Vấn đề về đường hô hấp

Điếc

bệnh Parkinson

Bệnh Alzheimer

Ung thư

Xơ nang

HIV và AIDS

Bệnh tim

Loạn dưỡng cơ bắp

Tổn thương tủy sống

Chuột cũng được sử dụng trong các nghiên cứu về hành vi, cảm giác, lão hóa, dinh dưỡng và di truyền, cũng như thử nghiệm thuốc cai nghiện có khả năng chấm dứt cơn nghiện ma túy.

"Sử dụng động vật trong nghiên cứu là rất quan trọng đối với sự hiểu biết khoa học về các hệ thống y sinh, từ đó tìm ra các loại thuốc, liệu pháp và phương pháp chữa bệnh hữu ích", bà Jenny Haliski cho biết.

Theo Live Science