Vì sao Ấn Độ là nước có số lần đóng cửa Internet nhiều nhất thế giới?

VietTimes -- Ấn Độ là quốc gia có số lần đóng cửa Internet nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuần qua, hơn 60 triệu người dân Ấn Độ (tương đương dân số nước Pháp) đã không thể truy cập Internet.
Các nhà báo ở Kashmir biểu tình phản đối đóng cửa Internet (ảnh Farooq Khan/EPA)
Các nhà báo ở Kashmir biểu tình phản đối đóng cửa Internet (ảnh Farooq Khan/EPA)

Theo tờ New York Times, chính phủ Ấn Độ đang áp dụng chính sách quản lý Internet một cách chuyên quyền. Họ thường tắt Internet để ngăn chặn bất đồng chính kiến nổ ra trên mạng.

Ấn Độ đứng đầu thế giới cho đến nay về số lần tắt Internet, từ chính quyền địa phương, tiểu bang và chính quyền nhà nước. Năm ngoái, dịch vụ Internet đã bị ngắt 134 lần, còn năm nay 93 vụ đã xảy ra. Đây là số liệu do SFLC.in cung cấp dựa trên các báo cáo từ nhà báo, các nhóm vận động và công dân. SFLC.in là một nhóm vận động pháp lý ở New Delhi đã theo dõi việc tắt internet của Ấn Độ kể từ năm 2012.  

Láng giềng của Ấn Độ là Pakistan có 12 lần ngắt dịch vụ Internet vào năm ngoái. Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia được phương Tây cho là không có dân chủ - cũng chỉ đóng cửa Internet một lần vào năm 2018.

Tuần trước, viện dẫn nguy cơ bạo lực có thể xảy ra, chính quyền các bang Assam, Mehalaya và Tripura ở đông bắc Ấn Độ đã ngắt kết nối Internet để ngăn chặn một cuộc biểu tình chống lại luật công dân mới. Luật này được cho là sẽ gây thiệt thòi cho 200 triệu người Hồi giáo tại Ấn Độ. Phần lớn vùng Tây Bengal và một phần của bang Uttar Pradesh cũng bị khóa Internet.

Riêng khu vực Kashmir đã bị cắt Internet kể từ tháng 8. Ít nhất 60 triệu người – gần bằng dân số nước Pháp – không vào được mạng.

Theo New York Times, chính sách quản lý Internet mạnh tay này là chủ trương của Thủ tướng Narendra Modi. Chính quyền của ông đã bỏ tù hàng trăm người Kashmir mà không rõ tội danh, đe dọa nhiều nhà báo, che giấu các báo cáo kinh tế ảm đạm. Các nhà phê bình nói rằng Thủ tướng Modi đang phá hoại các truyền thống dân chủ và chủ nghĩa thế tục của Ấn Độ, và dần dập tắt bất đồng chính kiến.

Chính quyền Ấn Độ nói rằng họ chỉ đang cố gắng ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch trên mạng Internet. Những thông tin sai lệch này có thể lan truyền nhanh như gió trên Facebook, WhatsApp và các nền tảng khác mà chính quyền không kiểm soát được.

“Rất nhiều phần tử khiêu khích và phá hoại đang xuất hiện trên các dịch vụ nhắn tin, đặc biệt là WhatsApp”, ông Harmeet Singh, cảnh sát trưởng thành phố Assam cho biết. Assam là khu vực có biên giới với Bangladesh và là một trong những điểm nóng về người biểu tình phản đối bộ luật dân cư.

Nhưng khi internet trở nên không thể thiếu đối với tất cả các khía cạnh của cuộc sống, việc đóng cửa Internet đã gây thiệt hại nhiều hơn những gì người biểu tình hoặc những người bất đồng chính kiến gây ra. Việc tắt Internet có thể hủy hoại những người đang cố gắng mưu sinh.

Tại Kashmir, dịch vụ internet đã bị dừng vào ngày 5 tháng 8, khi chính phủ của ông Modi đột nhiên thu hồi quyền tự trị của khu vực, gửi hàng ngàn quân và vô hiệu hóa mọi liên lạc. Internet đã tắt trong 135 ngày qua. Một số người thậm chí phải đáp chuyến bay sang bang lân cận chỉ để kiểm tra email của họ.

“[Không có Internet], không có việc làm'' ông Sheikh Ashiq Ahmad, Chủ tịch Phòng Thương mại Kashmir, nói. Ông cho biết hàng ngàn doanh nhân, đặc biệt là những người làm khăn lụa và thủ công mỹ nghệ, đã dựa vào phương tiện truyền thông xã hội để bán sản phẩm của họ trực tuyến.

Trong khi nhiều vụ ngắt Internet ở Ấn Độ là để ngăn chặn bạo lực từ các cuộc biểu tình, một lý do khác của việc đóng cửa Internet là để ngăn chặn sinh viên gian dối trong kỳ thi. Tuy nhiên, dường như việc ngắt Internet không tuân thủ bất cứ luật lệ nào. Các quan chức nhà nước, chính quyền địa phương có thể đóng cửa Internet, chỉ cần một cuộc điện thoại cho các nhà cung cấp dịch vụ địa phương.