Kinh tế

Vì chiến tranh thương mại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất kể từ 2009

VietTimes -- Ngày 19.10, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố các số liệu cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này liên tục giảm. Trong đó, GDP quý 3 tăng 6,5% so với quý trước, thấp hơn 0,1% so với dự đoán trước đó của Reuters. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của một quý kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Với ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ  ngày càng rõ nét, mức tăng trưởng kinh tế trong quý 4  của Trung Quốc có thể sẽ chịu áp lực rất lớn.
Với ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ ngày càng rõ nét, mức tăng trưởng kinh tế trong quý 4 của Trung Quốc có thể sẽ chịu áp lực rất lớn.

Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, trong 3 quý đầu năm nay, GDP của Trung Quốc là 65.089,9 tỷ NDT, trong đó quý 1 tăng 6,8%, quý 2 tăng 6,7%, quý 3 chỉ tăng 6,5%. Mức tăng sản lượng của các nhà máy trong tháng 9 thấp hơn dự kiến. Nhưng ngành bán lẻ trong cùng tháng thì tăng cao hơn chút ít so với dự đoán. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc là 6,5%. Mặc dù mức tăng trưởng của 3 quý đầu năm vẫn không thấp hơn mục tiêu, nhưng với ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ bắt đầu từ quý 3 ngày càng rõ nét, mức tăng trưởng kinh tế trong quý 4 có thể sẽ chịu áp lực rất lớn.

Biểu đồ thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang giảm rõ rệt.
Biểu đồ thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang giảm rõ rệt.

Nguy cơ về kinh tế

Ông Brock Silvers, Tổng giám đốc Quỹ Zentrum Capital Advisors Ltd, cho rằng mức tăng trưởng thấp này phù hợp với dự đoán của bên ngoài. Ông nói: “Đầu tư đối nội của Trung Quốc cũng đang giảm. Đồng thời, nợ nần vẫn là mối rủi ro lớn, cộng thêm lãi suất toàn cầu tăng cao, đồng tiền mất giá, trong mức độ nào đó, Trung Quốc khuyến khích giảm giá đồng nội tệ và coi đó là cách chống lại chính sách gia tăng thuế quan của Mỹ. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại không nằm ngoài dự đoán”.

Brock Silvers cho rằng, vấn đề thực sự là chính sách gia tăng tính lưu động và chi cho hạ tầng cơ sở liệu có thành công hoặc số liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc liệu có phản ứng đúng tình hình thực tế hay không?

Hồi tháng 9, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên khi trả lời Đài CNBC của Mỹ còn cho rằng, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại “không phải rất lớn”, ảnh hưởng tới GDP của Trung Quốc không tới 0,5%. Nhưng sang tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng lâu dài tới kinh tế hai nước Mỹ - Trung và của toàn thế giới, tổn thất do chiến tranh thương mại gây ra cho Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ.

Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn nỗ lực dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước để thực hiện tăng trưởng hơn là dựa vào xuất khẩu. Khi tiến hành xây dựng cơ bản quy mô lớn, Trung Quốc cũng đồng thời mắc số nợ khổng lồ. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc luôn nỗ lực khống chế những khoản nợ cùng ảnh hưởng của bong bóng nhà đất đối với nền kinh tế.

Những tháng gần đây, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nhất định để giúp kinh tế phát triển. Ví dụ, hồi tháng 7, Ngân hàng trung ương đã bơm vào hệ thống ngân hàng trong nước 502 tỷ NDT tiền vốn để giúp xốc lại nền kinh tế đang yếu đi.

Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy vào quý 3.2018, kinh tế Trung Quốc có mức mức tăng trưởng thấp nhất của một quý kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy vào quý 3.2018, kinh tế Trung Quốc có mức mức tăng trưởng thấp nhất của một quý kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bà Karishma Vaswani, phóng viên mảng thương mại châu Á của Đài BBC cho biết, một quan sát viên Trung Quốc giấu tên nói: "Sự lựa chọn của Trung Quốc không nhiều vì nợ nần của Trung Quốc rất cao và cũng muốn quản lý những rủi ro có tính hệ thống của nền kinh tế. Vì vậy, những nhà hoạch định chính sách không muốn áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế như hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008".

Karishma Vaswani nói: “Trung Quốc đang phải chiến đấu trên 2 mặt trận nên họ không đủ tài nguyên để sử dụng. Đồng thời, tính không xác định và thay đổi bất thường của Mỹ, đối thủ của Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Tất cả những điều đó đều không có lợi cho viễn cảnh của kinh tế Trung Quốc”.

Ông Brock Silvers nói: “Trừ phi bất ngờ đạt được một hiệp nghị về ngoại thương với Mỹ nếu không Trung Quốc sẽ phải đón nhận tình hình kinh tế tiêu điều trong quý 4. Hiện nay sự lựa chọn sáng suốt nhất của Trung Quốc có lẽ là đưa ra một số nhượng bộ với Mỹ để đạt được một hiệp nghị mậu dịch. Sau đó, công khai tuyên bố chiến thắng rồi chuyển sang các vấn đề kinh tế cấp bách hơn”.

Các chỉ số của hai sàn chứng khoán Thâm Quyến và Thượng Hải có mức độ sụt giảm lớn nhất toàn cầu.
Các chỉ số của hai sàn chứng khoán Thâm Quyến và Thượng Hải có mức độ sụt giảm lớn nhất toàn cầu.

Khủng hoảng thị trường chứng khoán

Song hành với nền kinh tế đang yếu đi là việc thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng không ngừng sụt giảm. Trung tâm nghiên cứu phát triển chứng khoán Tín Đạt Trung Quốc mới đây công bố báo cáo cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ số SZSE Component Index của sàn Thâm Quyến có mức độ sụt giảm lớn nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu (30%). Sau đó đến chỉ số SSE Composite Index của sàn Thượng Hải (20%). Số lượng các cổ phiếu hạng A cũng có mức tăng thấp nhất, chỉ có 6,86% cổ phiếu giữ được mức tăng. Báo cáo phân tích sự co hẹp về tính lưu động của cán cân tiền tệ trong nước là nguyên nhân ảnh hưởng tới niềm tin trong thị trường chứng khoán.

Cùng ngày 19.10, Phó Thủ tướng Lưu Hạc khi trả lời giới truyền thông đã bày tỏ, thị trường chứng khoán Trung Quốc xuất hiện biến động và lao dốc do nhiều nhân tố gây nên. Ông nói: “Va chạm mậu dịch Trung – Mỹ cũng gây nên ảnh hưởng. Nhưng thẳng thắn mà nói, ảnh hưởng tâm lý đã lớn hơn ảnh hưởng thực tế. Hiện nay hai bên đang tiếp xúc”.

Đối với nỗi lo sợ về “Quốc tiến dân thoái” (kinh tế quốc doanh chiếm ưu thế, kinh tế tư nhân thoái lui) đang lan truyền trong thời gian gần đây, Lưu Hạc nói: “Kinh tế tư nhân có địa vị quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế, đóng góp hơn 50% tiền thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% sáng tạo công nghệ, hơn 80% việc làm ở thành thị, hơn 90% cơ hội việc làm mới và số lượng công ty mới. Nếu không có sự phát triển của các công ty tư nhân thì không thể có sự phát triển ổn định của cả nền kinh tế”. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ họ tin vào thực tế đang diễn ra chứ không tin vào những lời nói.

Ngoài ông Lưu Hạc, các ông Thống đốc Ngân hàng trung ương Dị Cương, Chủ tịch Ủy ban Giám sát ngân hàng Quách Thụ Thanh và Chủ tịch Ủy ban Chứng khán Lưu Sĩ Dư cùng ngày cũng lên tiếng về cổ phiếu hạng A, ám chỉ cổ phiếu A sẽ thể hiện tốt hơn, nhằm “ổn định quân tâm”.

Dị Cương nói, giá trị thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay đã ở vào mức thấp nhất trong lịch sử, trái ngược với tình hình kinh tế đang phát triển ổn định theo hướng tốt. Lưu Sĩ Dư thì nói, cổ phiếu A sẽ thu hút thêm càng nhiều tiền đổ vào thị trường chứng khoán...

Tuy nhiên, điều mà giới đầu tư trông chờ là chính sách cụ thể chứ không phải những lời lẽ hô hào, khích lệ…